Bình Sơn: Năng động chuyển nghề, giảm nghèo bền vững
Vốn ưu đãi thúc đẩy sản xuất
Từng là một trong những xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% của huyện Lục Nam nhưng giờ đây Bình Sơn đã đổi khác. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều chỉ tiêu phát triển KT - XH đạt cao.
Từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Bình Sơn có hơn 700 lượt lao động được tạo việc làm mới, đạt 90% so với kế hoạch đề ra đến năm 2025. Ba chỉ tiêu gồm: Lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo và xây dựng gia đình văn hóa đã vượt kế hoạch. Xã hiện còn 152 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,85%.
Cửa hàng tạp hóa Huệ Văn của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ tại thôn Thần Đồng. |
Đồng chí Nguyễn Đình Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Xã có hơn 1,7 nghìn hộ với 8 dân tộc sống rải rác ở 12 thôn. Trong đó, 7 thôn đặc biệt khó khăn là: Bãi Đá, Xóm Làng, Bình Giang, Hòa Bình, Đồng Đỉnh, Tân Mộc, Nghè Mản. Hằng năm, ngoài kinh phí từ Đề án hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh và huyện phân bổ, xã phát huy hiệu quả các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế, xã hội dành cho các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu và vùng xa của Chính phủ, chương trình hỗ trợ xi măng thực hiện cứng hóa giao thông nông thôn của tỉnh với tổng số vốn hàng chục tỷ đồng".
Từ năm 2020 đến nay, Bình Sơn có hơn 700 lượt lao động được tạo việc làm mới, đạt 90% so với kế hoạch đề ra đến năm 2025. Ba chỉ tiêu gồm: Lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo và xây dựng gia đình văn hóa đã vượt kế hoạch. Xã hiện còn 152 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,85%. |
Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã tập trung đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên. Trong quá trình triển khai, xã phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội giúp hội viên, đoàn viên thoát nghèo bền vững.
Điển hình là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai các chương trình ưu đãi tín dụng. Từ các chương trình vay vốn ưu đãi, hiện nay hội quản lý 16 tổ vay vốn giúp 658 hộ với tổng dư nợ hơn 47 tỷ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là hội viên nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh. Cùng đó, hội tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả bằng các mô hình kinh tế phù hợp.
Vườn thanh long của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Thần Đồng cho thu nhập cao. |
Gia đình chị Tống Thị Sơn ở thôn Nghè Mản có đất rừng nhưng trước đây chưa biết cách khai thác, cái nghèo đeo đẳng mãi. Sau khi được tập huấn chuyển giao kỹ thuật và được vay vốn ưu đãi, vợ chồng chị mua cây giống phủ xanh hơn 10 ha đất rừng bằng cây keo lai, bạch đàn cao sản. Đất không phụ công người, diện tích rừng sản xuất từng chu kỳ cho thu hoạch giúp gia đình thoát nghèo. Sẵn có nguyên liệu từ rừng, gia đình chị mở xưởng bóc gỗ, giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương.
Tại thôn Thần Đồng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ thoát nghèo bền vững nhờ vốn vay ưu đãi. Năm 2020, chị Huệ được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở cửa hàng tạp hóa. "Trước đây vợ chồng xoay xở nhiều nghề vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Từ ngày được vay vốn kinh doanh, gia đình tôi có thu nhập ổn định, có điều kiện tốt hơn nuôi các con ăn học", chị Huệ chia sẻ.
Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Nhịp sống mỗi ngày ở Bình Sơn đã trở nên sôi động hơn. Các trục đường thôn, xã được mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông kiên cố. Khu vực chợ Đồng Đỉnh trở thành chợ đầu mối thu mua nông sản và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu của nhân dân trong xã và các xã lân cận. Toàn xã có 2 hợp tác xã, 9 doanh nghiệp và 142 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Bà con các thôn từng bước chuyển đổi diện tích cấy lúa một vụ không ăn chắc sang trồng cây ăn quả, mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là mô hình nuôi ong lấy mật tại thôn Cầu Bình; trồng nho không hạt tại thôn Bình Yên; thanh long ruột đỏ tại thôn Thần Đồng, Bãi Cả, Hòa Bình, Đồng Đỉnh. Năm nay, toàn xã có 75 ha trồng thanh long, trong đó khoảng 25 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, tăng so với đầu nhiệm kỳ. Thời tiết thuận lợi kết hợp với kỹ thuật chăm sóc, năm nay cây trồng này cho năng suất ước đạt 4-5 tạ/sào, được thương nhân đến tận vườn thu mua, mang lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân.
Hạ tầng giao thông ở xã Bình Sơn ngày càng mở rộng giúp nhân dân giao thương thuận lợi. |
Bình Sơn không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được cấp ủy, chính quyền và người dân chú trọng, có bước tiến đáng kể. 12/12 thôn có nhà văn hóa; 3 trong 4 trường học đạt chuẩn quốc gia. Thầy giáo Vũ Văn Bằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Sơn phấn khởi cho hay, mặc dù phần lớn học sinh sống tại các thôn đặc biệt khó khăn song cấp ủy, chính quyền và người dân luôn quan tâm đến việc học của con em. Hai năm học gần đây, trường có 4 học sinh giành Huy chương Bạc, Huy chương Đồng, giải Khuyến khích tại cuộc thi Olympic tiếng Anh qua mạng; Huy chương Vàng môn điền kinh ở giải thể thao học sinh toàn quốc. So với các xã trong vùng Tứ Sơn, Bình Sơn có tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT, cao đẳng, đại học và chuyên nghiệp đạt cao.
Sau nhiều cố gắng, tháng 3 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Sơn vui mừng khi được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là thành quả của việc thường xuyên quán triệt, triển khai nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; thường xuyên đổi mới nội dung, linh hoạt trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả các phong trào thi đua, khơi gợi sức mạnh nội lực trong nhân dân. Kết quả này cũng là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ, chính quyền xã Bình Sơn phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2-3%.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)