Lạng Giang: Truyền kiến thức để giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Xác định đào tạo nghề là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) tập trung nguồn lực cho công tác này. Qua dạy nghề đã giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, tay nghề để có việc làm hoặc tự tạo việc làm, sinh kế ổn định.
Lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm được tổ chức ở xã Yên Mỹ thu hút hàng chục người là đại diện cho các hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Ai cũng chăm chú ghi chép, sôi nổi trao đổi với cán bộ giảng dạy về những vấn đề gặp phải khi nuôi lợn, gà, bò… tại gia đình.
Lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm dành cho hộ nghèo, cận nghèo được mở tại xã Yên Mỹ (Lạng Giang). |
Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Đầu Cầu nói: “Tôi nuôi đàn gà vài chục con, trước đây gà thường bị mắc một số bệnh. Tôi thường chữa theo kiểu dân gian hoặc ra hiệu thuốc thú y tả lại tình trạng, triệu chứng bệnh để mua thuốc. Qua lớp học, tôi được phổ biến kiến thức, từ việc chọn con giống, vệ sinh chuồng trại đến cung cấp thức ăn, phòng chống dịch bệnh. Thời gian tới tôi sẽ mở rộng chăn nuôi gà”.
Được biết, trong năm nay, huyện Lạng Giang bố trí hơn 800 triệu đồng để đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Căn cứ nhu cầu thực tế, huyện mở 7 lớp cho 210 lao động, đối tượng tham gia là các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và hộ thuộc chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các lớp này được tổ chức ở các xã: Hương Sơn, Yên Mỹ, Nghĩa Hòa; kiến thức học bao gồm chăn nuôi thú y, nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm, trồng rau an toàn… Trước khi mở lớp, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các xã tiến hành rà soát để ưu tiên cho những người thật sự cần có kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, phục vụ việc giảm nghèo.
Học viên tham gia đều có nguyện vọng học nghề để tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi việc làm; có sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Huyện thực hiện nghiêm túc quy định người lao động học nghề được hỗ trợ kinh phí đào tạo và tiền ăn với mức 30 nghìn đồng/người/ngày thực học. Đơn vị liên kết, phối hợp đào tạo nghề cho người nghèo đã có nhiều kinh nghiệm nên việc truyền đạt kiến thức phù hợp với học viên.
Ông Hoa Xuân Hạnh, cán bộ Công ty TNHH một thành viên Chung Nga, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề cho biết: “Tôi có hàng chục năm giảng dạy, công tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi giảng cho người nghèo, đồng bào dân tộc tôi thường chọn phương pháp trực quan, cách nói dễ hiểu, ngắn gọn, có nhiều hình ảnh minh họa. Nhiều trường hợp phải “cầm tay chỉ việc”, nắm bắt họ đang cần hoặc thiếu kỹ thuật chăn nuôi gì để truyền đạt đúng nhu cầu”.
Gia đình chị Giáp Thị Hằng, tổ dân phố Hải, thị trấn Kép (Lạng Giang) tham gia các lớp dạy nghề và vay vốn giải quyết việc làm để mở rộng diện tích trồng bí xanh, hành, ớt... |
Với cách làm đó, thời gian qua, việc đào tạo các nghề gắn với giảm nghèo trên địa bàn huyện Lạng Giang đạt hiệu quả cao. Người nghèo có thêm hiểu biết và kiến thức cơ bản về các ngành nghề được đào tạo để áp dụng vào thực tế. Sau các khóa học được cấp chứng chỉ; nhiều trường hợp đã tiếp nhận và vận dụng xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, canh tác tại gia đình. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh trong những năm gần đây, năm 2022 là 3,29%, năm 2023 giảm còn 2,24%, năm 2024 huyện phấn đấu giảm còn 1,36%. Toàn huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang thông tin: Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhu cầu lao động việc làm. Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)