Thương binh Nguyễn Đức Vỵ: Anh dũng thời chiến, gương mẫu thời bình
Giữa tháng Tám, tôi đến nhà ông Nguyễn Đức Vỵ đúng như lịch hẹn. Năm nay, ông Vỵ bước sang tuổi 92, ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông vẫn minh mẫn, gương mặt phúc hậu, hiền từ.
CCB Nguyễn Đức Vỵ (bên trái) kể lại chuyện tham gia kháng chiến. |
“Bố tôi là quân giải phóng. Từ nhỏ, tôi đã mong muốn được tham gia cách mạng giống bố. Năm 1949, bố tôi qua đời. Nhà chỉ còn mẹ và một bầy em thơ. Thời thế khó khăn, người dân khắp nơi bị kìm kẹp. Đắn đo suy nghĩ hồi lâu, tôi quyết định… trốn mẹ đi nhập ngũ, năm ấy tôi 18 tuổi”, ông Vỵ nhớ lại.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông trong những năm tháng hào hùng ấy đó là năm 1951, ông chuyển công tác về Trung đoàn 238, Quân khu Việt Bắc, là chiến sĩ xạ thủ súng máy. Theo chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích của T.Ư Đảng, nhận lệnh của thủ trưởng, ông Vỵ cùng đồng đội cải trang thành phụ nữ bán sắn, khoai, bí mật trà trộn vào dòng người đi qua trạm gác.
Khi đến gần địch, ông rút khẩu súng tiểu liên được giấu kín, nhanh chóng bóp cò, quân địch không kịp trở tay và bị tiêu diệt.
Sau đó, ông trải qua nhiều cương vị khác nhau như Chính trị viên Tiểu đoàn 5 công binh; Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự; Chính ủy Trung đoàn 575 (Sư đoàn 470) thực hiện nhiệm vụ mở đường cho đoàn xe chi viện vào Nam, mở đường 9 – Khe Sanh, đường B45, B46, đường 20 Quyết Thắng… góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Được biết gia đình ông có 7 người (ở ba thế hệ) cùng đi bộ đội. Đó là bố đẻ (cụ Nguyễn Văn An), 4 người con của cụ An (trong đó có ông Vỵ) và hai người con của ông Vỵ. Trong đó có một liệt sĩ, ba người là thương binh 4/4. Bản thân ông Vỵ có nhiều đóng góp cho kháng chiến nên được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương.
Người lính Nguyễn Đức Vỵ được gặp Bác Hồ ba lần vào các năm 1957, 1960 và 1963. Lần thì nhìn Bác từ xa, lần ngồi gần, được Bác hỏi han, trò chuyện. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, đó là niềm vinh dự, là kỷ niệm ông không bao giờ quên.
Năm 1980, ông Vỵ nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Năm 1990 - thời điểm thành lập Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp lần đầu tiên trong cả nước, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB xã Lương Phong. Thấy trong hội có nhiều đồng chí hoàn cảnh khó khăn, ông Vỵ đứng lên vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo.
Nhiều người được hỗ trợ từ 5 - 7 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, sản xuất, cuộc sống dần ấm no. Năm 1996, Hội CCB xã Lương Phong vinh dự được khen thưởng tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua CCB làm kinh tế giỏi do T.Ư Hội tổ chức.
Hết nhiệm kỳ ở Hội CCB, ông Vỵ tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Lương Phong, rồi Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Hiệp Hòa. Với vai trò của mình, ông quan tâm tập hợp hội viên, giúp đỡ nhau triển khai các phương pháp, kỹ thuật trồng trọt mới, tổ chức cho hội viên đi học hỏi, tham quan ở nhiều nơi.
Tính riêng ở xã Lương Phong, hầu như nhà nào cũng trồng hoa, cây cảnh, vừa làm đẹp cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa cho giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Công Tân, Chủ tịch Hội CCB xã Lương Phong nói: “Trong các cuộc họp của Hội CCB xã, của Chi bộ thôn Cấm, ông Vỵ đưa ra nhiều ý kiến hay về việc đóng góp xây dựng công trình phúc lợi, CCB là nòng cốt trong giữ gìn trật tự an ninh, đẩy mạnh phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học”. 92 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Đức Vỵ luôn là tấm gương mẫu mực cho con cháu, dân làng noi theo.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)