Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Hiệp Hòa: Tạo đồng thuận để phát triển KT-XH
BẮC GIANG - Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Hiệp Hòa được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Nhờ vậy, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp chuyển biến mạnh mẽ; sự đồng thuận của nhân dân được tăng cường, góp phần tạo động lực thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Nghiêm túc, hiệu quả
Xác định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực nhằm huy động sức mạnh của nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương, hằng năm, Đảng ủy xã Đông Lỗ đều chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đồng chí Mẫn Quý Yên, Bí thư Đảng ủy chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, xã chủ động công khai các chủ trương, chính sách, dự án, kế hoạch phát triển KT-XH để cán bộ, nhân dân biết. Trên cơ sở đó, nhân dân được nắm bắt thông tin, tham gia bàn bạc, quyết định nhiều công việc quan trọng liên quan đến lợi ích thiết thực của người dân”.
Người dân xã Đông Lỗ nghiên cứu các nội dung được UBND xã niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa”. |
Đơn cử, trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, Đảng ủy, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo (BCĐ), tổ công tác, tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến về công tác triển khai dự án, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) để nhân dân hiểu và đồng thuận. Nhờ đó, nhiều công trình lớn trên địa bàn được triển khai và hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH như: Xây dựng mới 2 nhà văn hóa thôn; hàng chục phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ ở trường THCS, mầm non và hơn 4 km kênh mương… Với việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, thời gian qua, xã Đông Lỗ đã xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Trong đó, đã huy động được nguồn lực lớn trong dân với hơn 10 tỷ đồng vốn đối ứng; khoảng 5 nghìn ngày công lao động; hiến hơn 12 nghìn m2 đất… để phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.
Hay như thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 (huyện Hiệp Hòa sắp xếp 11 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 5 đơn vị hành chính cấp xã mới), huyện đã triển khai chặt chẽ các bước trong quy trình; thành lập BCĐ và các tổ công tác; tiến hành rà soát, lập và niêm yết danh sách cử tri. Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó, ngoài hệ thống pano, áp phích, khẩu hiệu, hệ thống truyền thanh của huyện thường xuyên phát các nội dung về sáp nhập để nhân dân nắm bắt. Kết quả, việc lấy ý kiến cử tri về đề án được hoàn thành với tỷ lệ đồng thuận cao, đạt 97,3%. Hiện cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung bám sát lộ trình công việc để triển khai đề án theo đúng tiến độ.
Động lực cho sự phát triển
Đồng chí Nguyễn Đình Hương, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết, những năm qua, Hiệp Hòa luôn coi trọng và thực hiện nghiêm việc quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của T.Ư, của tỉnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hằng năm, BCĐ quy chế dân chủ từ huyện đến cơ sở xây dựng chương trình công tác, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Quá trình tổ chức triển khai, huyện chú trọng gắn thực hiện dân chủ với nhiệm vụ phát triển KT-XH, cải cách hành chính, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, các phong trào thi đua yêu nước... Thực hiện dân chủ, cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động đổi mới phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Cử tri thôn Quyết Thắng, xã Đồng Tân tham gia bỏ phiếu cho ý kiến về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. |
Thực tế, dấu ấn từ việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở là cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình lớn của người dân trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH. Chẳng hạn, thời gian qua, huyện Hiệp Hòa tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng loạt triển khai nhiều dự án phát triển KT-XH như các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư… với diện tích cần giải phóng lên đến hàng trăm ha. Xác định GPMB là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo UBND huyện, đảng ủy các xã, thị trấn thực hiện tốt quy chế dân chủ trong công tác này.
Theo đó, UBND huyện yêu cầu cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc công khai đầy đủ quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị thu hồi thông qua các văn bản niêm yết tại UBND xã, nhà văn hóa thôn; thông báo trên loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện, xã... Đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thực hiện dự án bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng và đúng quy định của pháp luật.
Trong 3 năm qua, huyện đã hoàn thành nhiều dự án trọng tâm, trọng điểm như: Đường nối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang; đường vành đai 1 thị trấn Thắng; đường nối quốc lộ 37 sang Phổ Yên (Thái Nguyên), Khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 1…
Mới đây, thực hiện mục tiêu phát triển đô thị, huyện triển khai 7 dự án giao thông tại 10 xã, thị trấn với tổng mức đầu tư 113,6 tỷ đồng. Đáng chú ý là quá trình thực hiện, các dự án không phải chi phí bồi thường GPMB những đoạn tuyến mở rộng, do huyện chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, phá dỡ cổng nhà, tường bao, vành lao… Trong xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 8 xã NTM nâng cao, 59 thôn kiểu mẫu. Huyện có 6/10 tiêu chí đã đạt tiêu chuẩn huyện NTM nâng cao. Việc người dân đồng thuận, chung tay góp sức là một trong yếu tố quan trọng để Hiệp Hòa đạt được kết quả như trên.
Bài, ảnh: Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)