Nông dân thi đua sản xuất giỏi, giảm nghèo nhanh
BẮC GIANG - Nhờ khai thác lợi thế địa phương, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi các mô hình sản xuất phù hợp, nông dân huyện Hiệp Hòa đã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Mạnh dạn tìm hướng thoát nghèo
Theo kết quả rà soát năm 2023, huyện Hiệp Hòa còn 947 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,61%, giảm 1,61% so với năm 2022; cận nghèo còn 1.513 hộ, chiếm tỷ lệ 2,57%, giảm 0,77% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu đề ra. Ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, trên cơ sở thực tế địa bàn, Phòng tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hằng năm. Trong đó, quán triệt các giải pháp thực hiện tới từng xã, thị trấn với mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Kết quả, từ nguồn hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn của chính quyền, các hội, đoàn thể, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất để có hướng thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Gia đình ông Đỗ Huy Thông, hội viên nông dân thôn Phú Thuận, xã Đoan Bái thoát nghèo nhờ mô hình nuôi ngan. |
Điển hình là ông Trần Văn Sơn (SN 1977) ở thôn Chằm, xã Đông Lỗ với mô hình vườn, ao, chuồng. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng từ 8 nghìn m2 ao thả cá tổng hợp, 30 con lợn thịt. Ngoài ra, tận dụng đất vườn, bờ ao, gia đình ông trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi, nhãn giúp tăng thu nhập. Được biết, những năm trước, do không có vốn, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đồng lãi không đáng là bao, gia đình ông luôn nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã. Năm 2016, từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, ông mạnh dạn đào ao, cải tạo vườn, xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Ban đầu, ông gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm sản xuất nhưng không nản chí, ông tự nghiên cứu qua sách báo, lặn lội tham quan mô hình sản xuất hiệu quả tại các tỉnh lân cận để học tập kỹ thuật. Giờ đây, ngắm thành quả lao động là ngôi nhà 3 tầng, khu trang trại đầu tư quy mô khang trang mới thấy hết sự vất vả, dày công vun đắp của nông dân Trần Văn Sơn. Vừa qua, nhờ chủ động phòng, chống nên trang trại của gia đình ông không bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ông phấn khởi chia sẻ: "Có tích lũy, gia đình tôi đã thoát nghèo năm 2021, xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Vui hơn cả, tôi có điều kiện cho các con ăn học, trưởng thành”.
Với điều kiện tự nhiên phù hợp, nhiều năm nay, nông dân xã Đoan Bái mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm. Như gia đình ông Đỗ Huy Thông (SN 1979) ở thôn Phú Thuận vươn lên thoát nghèo năm 2022 từ mô hình nuôi ngan giống, ngan thịt. Trước đây, do giữ thói quen chăn nuôi theo tập quán cũ, thiếu sự quan tâm chăm sóc, theo dõi vật nuôi... nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, được hội nông dân tư vấn chuyển sang nuôi ngan, cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật cho ăn, tiêm thuốc phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại nên ông mạnh dạn khởi nghiệp với 50 con ngan thịt. Chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đến nay, với 300 ngan thương phẩm/lứa, hơn 100 ngan đẻ trứng, cho ấp để bán ngan giống và tái đàn, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Ưu tiên hỗ trợ sản xuất, nâng chất lượng nông sản
Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa hiện có hơn 30 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 181 chi hội. Theo bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, những năm gần đây, các cấp hội đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hiệp Hòa và đại diện Hội Nông dân xã Lương Phong thăm mô hình sản xuất của hội viên tại thôn Sơn Quả 1. |
Nhằm hỗ trợ hội viên có nguồn vốn đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo, các cấp hội đã triển khai 48 dự án từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, cho 361 lượt hội viên vay để phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các sản phẩm OCOP. Cùng đó, Hội liên hệ, bảo lãnh để hội viên được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách; hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời vận động, kết nối hình thành các tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phân bón, thuốc phòng dịch bệnh; giới thiệu tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Trung bình mỗi năm, các cấp hội nông dân huyện Hiệp Hòa tích cực vận động hội viên ủng hộ kinh phí, ngày công, cây con giống hỗ trợ hơn 100 hộ nông dân thoát nghèo. Hằng năm, tỷ lệ hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh, hiện còn hơn 1,5%, thấp hơn mặt bằng chung của huyện. |
Được khuyến khích, hỗ trợ, các hội viên đã tích cực ứng dụng kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản, hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cách sản xuất thông thường từ 20 - 25%. Hội viên sôi nổi đăng ký phấn đấu sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ năm 2019 đến nay đã có gần 110 nghìn lượt hộ đăng ký; hơn 12,1 nghìn hộ đạt danh hiệu này. Nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm.
Tiêu biểu như hộ anh Phạm Văn Toàn, xã Đông Lỗ nuôi dê, bò, kết hợp thả cá; anh Nguyễn Văn Bẩy, xã Hoàng An xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, nuôi bò; anh Phùng Văn Sáu, xã Bắc Lý nuôi kỳ đà, hươu, nhím, dúi, ba ba. Đặc biệt, trung bình mỗi năm, các cấp hội nông dân huyện Hiệp Hòa tích cực vận động hội viên ủng hộ kinh phí, ngày công, cây con giống hỗ trợ hơn 100 hộ nông dân thoát nghèo. Hằng năm, tỷ lệ hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh, hiện còn hơn 1,5%, thấp hơn mặt bằng chung của huyện.
Năm 2024, huyện Hiệp Hòa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,04%; kết thúc giai đoạn (năm 2025) còn 0,85%; không phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo là người có công với cách mạng. Thời gian tới, bên cạnh việc triển khai đầy đủ, chính xác các chính sách giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện từng địa bàn. Được biết, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có 16 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai với gần 400 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật hưởng lợi với kinh phí hỗ trợ gần 7 tỷ đồng. Qua đó không chỉ tạo cơ hội mà còn giúp người nghèo có động lực vươn lên.
Ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục lồng ghép các nguồn lực, triển khai các dự án, mô hình phù hợp nhu cầu, điều kiện và khả năng sản xuất của các hộ được thụ hưởng, gắn với thế mạnh của địa phương. Chỉ đạo Hội Nông dân huyện, các hội, đoàn thể tăng cường hoạt động tín chấp, cho vay ưu đãi để 100% hộ nghèo tiếp cận và có điều kiện sản xuất tốt nhất, nâng chất lượng và tăng giá trị nông sản địa phương; nhân rộng mô hình “Tổ cộng đồng giúp nhau thoát nghèo” với thành viên nòng cốt là hội viên nông dân, giúp hộ nghèo luôn được đồng hành, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Ý kiến bạn đọc (0)