Hiệp Hòa: Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho lúa
BẮC GIANG - Nhằm nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các xã sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên diện rộng.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, những cánh đồng có quy mô từ 3 ha trở lên sẽ áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, các xã, thị trấn đăng ký sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật là 550 ha (tương đương 1.100 ha cho 2 lần phun). Kinh phí thuê thiết bị và chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật là 74 nghìn đồng/sào, trong đó ngân sách hỗ trợ 70% còn lại nông dân đối ứng 30% (khoảng 45 nghìn đồng cho 2 lần phun).
Lãnh đạo huyện Hiệp Hòa và xã Xuân Cẩm nghe đơn vị cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu về tiện ích sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV. Ảnh CTV. |
Để người dân thấy rõ hiệu quả của mô hình, UBND huyện vừa phối hợp với Công ty cổ phần Nicotex Hà Nội là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trình diễn phun thuốc BVTV bằng thiết bị không người lái trên cánh đồng mẫu tại thôn Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm. Sau đó đồng loạt triển khai trên diện rộng tại các xã: Danh Thắng, Hùng Sơn, Lương Phong, Đoan Bái, Hợp Thịnh, Hùng Sơn, thị trấn Bắc Lý... Những loại thuốc BVTV được đưa vào sử dụng là thuốc đặc hiệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chuyên môn khuyến cáo sử dụng để trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn... đang gây hại trên trà lúa mùa hiện nay.
Đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, qua triển khai cho thấy, việc sử dụng thiết bị không người lái trong phòng trừ sâu bệnh có ưu điểm vượt trội đó là tiết kiệm thời gian, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chi phí sản xuất, phòng ngừa nguy cơ ngộ độc cho người lao động (ước tính tiết kiệm 20 - 30% lượng thuốc BVTV). Do sử dụng công nghệ phun sương mù nên thời gian thuốc ngấm vào lá lúa sẽ nhanh hơn (khoảng 30 phút trong khi biện pháp phun thông thường cần khoảng 2 tiếng), rút ngắn thời gian quản lý dịch hại.
Đây là lần đầu tiên huyện Hiệp Hòa triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vụ mùa trên quy mô lớn. Qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng xanh, sạch, an toàn, năng suất, hiệu quả.
Thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV trên cánh đồng thôn Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)