Hiệp Hòa: Phong trào khuyến học lan tỏa rộng khắp
Hội Khuyến học xã Bắc Lý khen thưởng học sinh giỏi trên địa bàn. |
Động viên, khen thưởng kịp thời
Theo đồng chí Phạm Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học (HKH) huyện Hiệp Hòa, biểu dương, khen thưởng kịp thời là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phong trào khuyến học tại địa phương. Hình thức động viên, khen thưởng cũng linh hoạt. Đơn cử như học sinh chăm ngoan, đạt điểm 9 hoặc 10 được nhà trường biểu dương vào buổi chào cờ ngày đầu tuần. Những em có thành tích học tập trong năm hay các cuộc thi học sinh giỏi (HSG) các cấp được nhà trường tuyên dương ngay sau khi đoạt giải, cuối năm học, tùy thành tích sẽ được HKH xã, huyện khen thưởng. Phần thưởng cho các em có thành tích xuất sắc có khi là tiền mặt, đồ dùng học tập (sách, bút, vở…) nhưng cũng có khi là chuyến tham quan một di tích lịch sử nào đó như: Nhà trưng bày ATK II; Đền Đô (Bắc Ninh); Lăng Bác Hồ hay Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)...
Không chỉ có vậy, những học sinh chăm ngoan, học giỏi, có nhiều thành tích ở khối THPT đều được xem xét kết nạp vào Đảng. Qua đó khích lệ các em phấn đấu, luyện rèn. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã có 68 học sinh THPT được kết nạp Đảng. Em Hoàng Thị Ánh, cựu học sinh Trường THPT Hiệp Hòa số 1 bộc bạch: "Từ tấm gương các anh chị đi trước, em đã nỗ lực rèn luyện và được kết nạp vào Đảng khi còn là học sinh phổ thông. Đây vừa là vinh dự vừa tạo động lực để em phấn đấu học tốt hơn nữa". Được biết, hiện Ánh là sinh viên Học viện Tài chính. Không chỉ đạt kết quả cao trong học tập, em còn tích cực tham gia hoạt động tình nguyện của nhà trường.
Cùng với động viên, khen thưởng học sinh, huyện Hiệp Hòa cũng dành cho các thầy cô giáo có thành tích trong giảng dạy và ngay cả những người làm tốt công tác khuyến học những phần thưởng xứng đáng. Mục tiêu nhằm ghi nhận những đóng góp, đồng thời khuyến khích họ nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người” tại địa phương.
Lực lượng đông, nguồn quỹ lớn
Để công tác khuyến học phát triển ngày càng sâu rộng, thời gian tới, Hiệp Hòa đa dạng các hình thức vận động để có nguồn quỹ ổn định góp phần hỗ trợ, động viên phong trào dạy và học”. Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Phạm Văn Thịnh. |
Hiệp Hòa có phong trào khuyến học phát triển sâu rộng; tất cả các xã, thôn, khu phố, trường học đều có tổ chức khuyến học. Đáng chú ý, có tới 639 ban khuyến học dòng họ. Tổng số hội viên của các ban, chi hội là 22.534 người. Nhờ lực lượng đông đảo, hoạt động tích cực nên số người tham gia đóng góp công sức, kinh phí cho công tác khuyến học ngày càng nhiều. Tính đến 31-7-2018, tổng quỹ khuyến học toàn huyện là 8,6 tỷ đồng, tăng 585 triệu đồng so với năm 2017. Những xã huy động được nhiều quỹ gồm: Đức Thắng, Đông Lỗ, Đoan Bái, Hoàng An và Hợp Thịnh. Riêng xã Đức Thắng, tổng quỹ luôn đạt 1,5-1,6 tỷ đồng. Phần lớn số kinh phí trên dành hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; khen thưởng các giáo viên và học sinh có nhiều thành tích trong giảng dạy, học tập.
Trong công tác khuyến học ở Hiệp Hòa, dòng họ có vị trí rất quan trọng. Những phần thưởng, lời động viên hay “tấm gương sống” đã tạo động lực để thế hệ sau phấn đấu, noi theo thế hệ trước. Điều này thể hiện rõ nhất ở các dòng họ như: Nguyễn Đăng (Đức Thắng); La, Ngô (Xuân Cẩm); Dương (Hoàng An); Lê (Đông Lỗ)…Thực tế cho thấy những dòng họ này đều có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao. Điển hình như dòng họ La tại xã Xuân Cẩm hiện có 1 giáo sư, 1 phó giáo sư; 5 tiến sĩ và hàng trăm cử nhân.
Đáng chú ý, các chi hội khuyến học còn là cầu nối gắn kết nhà hảo tâm, doanh nghiệp với những học sinh hoàn cảnh khó khăn, giúp các em vươn lên đạt thành tích cao hơn trong học tập. Điển hình như Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel); Tập đoàn Bảo Việt; Công ty Sam Sung Bắc Ninh; Chi hội Chữ thập đỏ Tình người (Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội)… Tại buổi trao quà và 100 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó sáng 5-8-2018, ông Trần Ngọc Việt, Phó Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ Tình người cam kết: “Chi hội sẽ thường xuyên đồng hành cùng học sinh nghèo của huyện”.
Hoạt động của HKH các cấp huyện Hiệp Hòa đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại địa phương. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang; cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ chiếm tỷ lệ cao, hiện 100% giáo viên 3 cấp đều đạt chuẩn trở lên; kỷ cương, nề nếp trong nhà trường được tăng cường. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,66%; toàn huyện có gần 1.500 lượt học sinh giỏi các cấp (quốc gia, tỉnh, huyện).
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)