Giáo dân hiến đất mở rộng đường làng
“Sống ở đây hơn 60 năm, tính đến nay đã ba lần “cải tổ” làm đường, nhưng lần này nhìn con đường rộng thoáng, trải bê tông phẳng lì, không còn ẩm thấp, nước ngập mỗi lần mưa trút xuống, người dân đi lại thuận tiện, ô tô đỗ xịch tận cổng nhà, giáo dân chúng tôi mừng lắm” - Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Liễn Nguyễn Văn Thái bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Thái, người tiên phong hiến đất mở rộng đường làng. |
Ông nhớ lần đầu tiên là vào năm 2000, khi ấy Chủ tịch UBND tỉnh phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn. Con đường đất giữa làng ngày nắng bụi tung mù, mùa mưa bết dính, đi lại đất cứ bám chặt vào chân, vào xe cộ, bước vào sân phải ra ao cạy rửa giày rửa dép đến là khổ.
Ngày ấy, thôn huy động mỗi hộ đóng góp 30 nghìn đồng để thuê công nông chở sỏi đổ lên. Chục năm sau đó, vẫn con đường này, lúc dựng đường điện hạ thế, thôn đổ bê tông trùm lên lớp sỏi. Lá tre rụng xuống quét đã dễ dàng hơn. Và lần thứ ba năm 2021, đoạn đường này dài gần 1 km được mở rộng từ 2 m lên gần 5 m, trải bê tông phẳng lì đã làm nức lòng người dân. Nhìn công trình mới rộng đẹp, chưa bao giờ có ở làng, nhiều người nghĩ chắc chuyện vận động hiến đất dễ dàng lắm. Nhưng đâu phải thế, có nghe kể mới biết hành trình ấy gian nan thế nào.
Cách đây 30 năm, thôn Ngọc Liễn chỉ có 100 hộ, vậy mà nay đã có 430 hộ, gần 2.300 giáo dân. Người tăng nhanh mà đất thì không sinh ra, nói như vậy để thấy nơi đây đất chật người đông, tấc đất vốn đã quý, với Ngọc Liễn càng quý hơn. Đặc biệt, khi KCN Hòa Phú được xây dựng sát làng, nhiều hộ làm nhà trọ cho thuê, mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ, đất càng có giá hơn. Điều này đã khiến không ít hộ chần chừ chưa muốn hiến đất.
Tuyến đường ở thôn Ngọc Liễn nay rộng đẹp, sạch sẽ. |
Khi lãnh đạo xã Châu Minh phổ biến chủ trương xây dựng nông thôn mới, phấn đấu xã về đích vào năm 2021, cấp ủy, Ban công tác mặt trận thôn phối hợp với Ban hành giáo và đoàn thể địa phương động viên nhân dân phát huy tinh thần kính Chúa, yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng thuận giải phóng mặt bằng nhằm hoàn thành tiêu chí đường bê tông.
Thôn thành lập Ban chỉ đạo, Ban xây dựng, Ban giám sát công trình. Không chỉ kiên trì thuyết phục, các cán bộ thôn còn trò chuyện với linh mục trước, sau đó nhờ linh mục truyền đạt lại tại các cuộc họp của Ban hành giáo, họ giáo để người dân hiểu về lợi ích khi mở rộng đường.
Thời điểm triển khai xây dựng KCN Hòa Phú, giáo dân thôn Ngọc Liễn đã sớm bàn giao mặt bằng nên được nhà đầu tư hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Cùng đó, tỉnh có cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường bê tông. Nhận thấy thời cơ “chín muồi”, Chi bộ thôn họp mở rộng, ra nghị quyết chuyên đề. Cách làm ra sao, mở rộng đường thế nào, đổ bê tông dày mỏng bao nhiêu được Chi bộ bàn bạc kỹ, sau đó tổ chức họp dân. Nói thì vắn tắt thế nhưng bắt tay vào làm mới phức tạp.
Ở ngay cuộc họp hay trong những cuộc gặp gỡ không tránh khỏi bì tị, tiếng bấc, tiếng chì. Người bên ngoài làng so sánh với người bên trong, “tôi ở mặt đường tôi hiến đất mà người trong làng không hiến gì vẫn đi đường này, liệu có công bằng ?”, rồi phân bua “hộ bên trái, hộ bên phải, chỗ này lấy nhiều, chỗ kia thụt vào ít”; có hộ từng bỏ hàng tỷ đồng mua đất, họ muốn được bồi thường. Không phải giáo dân nào cũng hiểu được rằng đường mở rộng không chỉ thuận tiện cho giao thương, đi lại mà còn đẩy giá đất tăng; việc cứu hỏa, cứu thương cũng dễ dàng hơn.
Một góc thôn Ngọc Liễn, xã Châu Minh. |
Khi tuyên truyền, những lý lẽ thuyết phục được đưa ra như: Ngay sát KCN, đường lớn đã mở ra, xe cộ tấp nập mà thôn mình đường vẫn chật hẹp. Rồi cuộc sống ngày càng đi lên, trước chỉ là xe đạp, xe cải tiến, công nông đầu ngang, nay ô tô chở hàng đồ gỗ, mỹ nghệ phải vào được tận cổng vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ, đường chật mãi chả quay đầu được, mất thời gian lắm. Trong thôn có người giàu, người nghèo, người nhà rộng nhưng cũng có hộ nhà chật hẹp.
Quá trình vận động phải biết phân loại để đề xuất có sự hỗ trợ thỏa đáng, linh hoạt như xây dựng lại tường rào, đóng góp làm rãnh thoát nước. “Khó nhất là tạo niềm tin, để người dân nghe và hiểu được những lợi ích từ việc mở rộng đường, từ đó họ gác lại sự so đo tính toán thiệt hơn giữa hộ này với hộ kia. Những lý lẽ được đưa ra để thuyết phục bà con dần dần được ủng hộ”- ông Thái cười vui vẻ.
Ông Nguyễn Đình Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Minh cho biết: Là giáo dân có tiếng nói trong thôn, ông Nguyễn Văn Thái với vai trò Bí thư Chi bộ là người tiên phong đi đầu khi dỡ đi gian nhà cổ khung gỗ lim do các cụ để lại, hiến 30 m2 đất. Theo ông Thái thì mình đi tuyên truyền vận động, nếu không gương mẫu thì nói chẳng ai nghe. Từ tấm gương của ông, 40 hộ giáo dân khác đã ghi tên vào danh sách các hộ hiến đất.
Các gia đình giáo dân tiêu biểu đồng thuận hiến đất như: Ông Nguyễn Văn Thái, Bí thư Chi bộ; ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng thôn Ngọc Liễn; ông Nguyễn Văn Lượng; ông Nguyễn Văn Huế, trùm cựu Ban hành giáo họ giáo Ngọc Liễn; ông Nguyễn Văn Sứng; ông Nguyễn Văn Ngọc; bà Nguyễn Thị Xem; ông Nguyễn Văn Sen, ông Nguyễn Văn Thịnh, ông Nguyễn Hồng Lương… Tổng diện tích đất các hộ hiến là hơn 700 m2. |
Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng thôn Ngọc Liễn; ông Nguyễn Văn Lượng; ông Nguyễn Văn Huế, trùm cựu Ban hành giáo họ giáo Ngọc Liễn; ông Nguyễn Văn Sứng; ông Nguyễn Văn Ngọc; bà Nguyễn Thị Xem; ông Nguyễn Văn Sen, ông Nguyễn Văn Thịnh, ông Nguyễn Hồng Lương…
Tổng diện tích đất các hộ hiến là hơn 700 m2. “Đất cũng quý nhưng làm sao quý bằng tình người, của hiến thì còn mãi” - bà Nguyễn Thị Đại (68 tuổi, người hiến 15 m2 đất) vui vẻ trò chuyện.
Thôn Ngọc Liễn cách trung tâm huyện Hiệp Hòa 16 km, có làng nghề sản xuất, chế biến đồ gỗ, mỹ nghệ; trồng hành, tỏi, thuốc lào. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, nay lại có lợi thế liền kề với KCN Hòa Phú, bắt nhịp với quá trình công nghiệp hóa của tỉnh, bà con nơi đây dần dần chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, biến vùng đất này từ thôn thuần nông trở thành “thị tứ” nhỏ.
Nhà trọ mọc lên, kinh doanh sầm uất, đời sống vật chất của giáo dân từng ngày khấm khá. Thôn chỉ còn 7 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Nhà thờ Giáo họ Ngọc Liễn vừa được sửa sang to đẹp tọa lạc giữa không gian thoáng đãng như điểm nhấn của bức tranh làng quê Ngọc Liễn giàu đẹp, yên bình.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)