Giảm nghèo ở xã Lương Phong: Chăm lo an sinh, nhân rộng mô hình
BẮC GIANG - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Đảng ủy, UBND xã Lương Phong (Hiệp Hòa) đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện cuộc sống.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Theo kết quả rà soát năm 2023, xã Lương Phong còn 74 hộ nghèo, chiếm 1,76%, giảm 203 hộ so với năm 2021; cận nghèo còn 147 hộ, chiếm 3,5%, giảm 94 hộ so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra. Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, UBND xã tập trung hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Cùng đó rà soát các đối tượng không có khả năng thoát nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp; huy động nguồn lực xã hội hóa, vận động toàn dân tham gia phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ xã Lương Phong trao quà cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. |
Ông Trần Mạnh Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã chủ yếu là hộ người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, đơn thân nuôi con nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những hộ này hầu hết không có khả năng lao động hoặc lao động hạn chế do tuổi tác, mất sức khỏe, khuyết tật. Do đó, để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, xã ban hành các văn bản chỉ đạo; lồng ghép tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với thi đua xây dựng nông thôn mới. Đồng thời huy động nguồn lực của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác giảm nghèo với phương châm “Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ, còn bản thân người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo”.
Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức thành viên tích cực triển khai cuộc vận động Ngày Vì người nghèo, xây dựng Quỹ Vì người nghèo. Từ năm 2021-2023 đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 23 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; kinh phí hỗ trợ hơn 600 triệu đồng; 100% hộ nghèo, cận nghèo được tặng quà dịp Tết Nguyên đán. Mỗi tổ chức hội lại có một cách làm riêng, góp sức thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đảm nhận chương trình “Nâng bước chân em tới trường”, “Mẹ đỡ đầu” đã giúp đỡ 8 cháu học sinh thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 50 triệu đồng và 2 chiếc xe đạp. Hội Nông dân phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Hội Cựu chiến binh vận động ủng hộ xây nhà tình nghĩa cho các hộ người có công hoàn cảnh khó khăn...
Hội viên phụ nữ xã Lương Phong hỗ trợ tháo dỡ, vận chuyển đồ đạc giúp gia đình bà Nguyễn Thị Luận xây mới nhà ở. |
Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, năm nay, xã Lương Phong có 6 trường hợp được hỗ trợ sửa chữa, xây mới. Gia đình bà Nguyễn Thị Luận (SN 1954), hộ nghèo ở thôn Cấm hoàn cảnh khó khăn, bản thân bà sức khỏe yếu, không có thu nhập. Người con gái đã lấy chồng xa song chồng vừa mất nên đưa 2 cháu ngoại về ở cùng; người con trai bị bệnh tật bẩm sinh. Tháng 6 vừa qua, gia đình bà được huyện hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng ngôi nhà mới. Người thân, hàng xóm giúp đỡ ngày công xây dựng; hơn 20 chị em hội viên phụ nữ của xã hỗ trợ tháo dỡ, vận chuyển đồ đạc, vật liệu xây dựng. Có ngôi nhà mới khang trang, đáp ứng tiêu chí 3 cứng (nền cứng, tường cứng, mái cứng), dự kiến hoàn thành vào tháng 8, chắc chắn cuộc sống của gia đình bà Luận sẽ vơi bớt khó khăn.
Khơi dậy ý chí vượt khó
Không chỉ huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội chăm lo cho người nghèo, xã Lương Phong còn tập trung triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo như: Chính sách tín dụng ưu đãi; hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo.
Xã Lương Phong triển khai hiệu quả dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. |
Mới đây, 44 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của xã được tham gia dự án nuôi bò sinh sản (giống bò lai Sind). Tổng kinh phí thực hiện gần 600 triệu đồng từ nguồn thuộc dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 chuyển nguồn sang. Ông Hoàng Văn Đây (SN 1947) ở thôn Giữa là hộ cận nghèo. “Dịp này, gia đình tôi được nhà nước quan tâm hỗ trợ một con bò sinh sản. Có nguồn sinh kế này, vợ chồng tôi sẽ cố gắng chăm sóc để bò sinh trưởng tốt, có nguồn thu, vươn lên thoát nghèo”, ông Đây chia sẻ. Cùng với trao sinh kế trực tiếp đến hộ nghèo, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã giao cho các hội, đoàn thể phát huy tối đa hiệu quả các tổ tiết kiệm, ủy thác cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã có 21 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ hơn 56 tỷ đồng; hiện có 935 khách hàng còn dư nợ. Trong số này, riêng dư nợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hơn 18 tỷ đồng.
Sau thời gian triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn xã Lương Phong đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hằng năm giảm đáng kể, vượt chỉ tiêu đề ra; không có hộ tái nghèo. Từ năm 2021 đến nay, toàn xã có 12 hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhường sự hỗ trợ cho hộ khó khăn hơn. Từ những kết quả đạt được, Đảng ủy, UBND xã rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo là sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành sát sao của chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục góp phần làm chuyển biến, nâng cao ý thức vươn lên cho người nghèo và tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái của cộng đồng. Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Tường Vi - Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)