Công nghiệp về làng, cuộc sống đổi thay
BẮC GIANG - Nhiều năm trước đây, nguồn thu chính của người dân xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú hình thành trên địa bàn. Từ đây, người dân năng động phát triển thương mại, dịch vụ, đời sống được cải thiện rõ rệt.
Năng động chuyển đổi nghề
Về thôn Ngọc Liễn, xã Châu Minh những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở làng quê thuần nông này. Những ngôi nhà cao tầng thiết kế hiện đại mọc lên ngày càng nhiều. Hệ thống đường giao thông, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân.
Khai thác lợi thế gần Khu công nghiệp Hòa Phú, nhiều hộ dân ở thôn Ngọc Liễn phát triển thương mại, dịch vụ. |
Dọc tuyến đường trục chính của thôn, các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng mọc lên san sát. Ghé vào cửa hàng ngay đầu làng, bà Nguyễn Thị Tuyên (SN 1967) đon đả mời khách. Theo lời bà, với 5 sào ruộng, trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống chật vật, khó khăn. Đầu năm 2023, từ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất, bà Tuyên mở cửa hàng này. Cửa hàng ngày một đắt khách, phát đạt nhất, nhì thôn, lợi nhuận thu về mỗi tháng hơn chục triệu đồng.
KCN Hòa Phú được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 207,45 ha nằm trên địa bàn các xã: Châu Minh, Mai Đình, Hương Lâm của huyện Hiệp Hòa. Đến nay, trong KCN có hơn 20 dự án đã đi vào hoạt động, sử dụng hơn 4 nghìn lao động.
Công nghiệp về làng, nhiều hộ dân đã năng động chuyển đổi từ nông nghiệp sang làm dịch vụ, kinh doanh hàng tiêu dùng, cho thuê nhà trọ công nhân… Điển hình như ông Nguyễn Văn Hân (SN 1967), sau nhiều năm kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, ông đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng dãy phòng trọ 3 tầng gồm 20 phòng khép kín, có trang bị điều hòa nhiệt độ. Với giá cho thuê 1,3 đến 1,4 triệu đồng/phòng/tháng, mỗi tháng gia đình ông thu về khoảng 25 triệu đồng.
Một góc Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Tương tự, với 25 phòng trọ cho thuê, mỗi tháng gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1961), cùng ở thôn Ngọc Liễn thu về gần 30 triệu đồng. “Trước đây, vợ chồng tôi làm đủ nghề, từ trồng rau màu, thu mua nông sản đến buôn bán gia cầm. Dù vất vả song thu nhập không đáng kể, phụ thuộc thị trường. Từ ngày xây phòng trọ cho thuê, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định”, ông Nguyễn Văn Tiến nói.
Khai thác lợi thế gần KCN
Với hệ thống giao thông thuận tiện, đất rộng, nguồn lao động dồi dào, người dân cần cù, chịu khó, ham học hỏi, xã Châu Minh có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Khai thác lợi thế gần KCN Hòa Phú, những năm gần đây, UBND xã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là bộ phận một cửa, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Để mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, UBND xã hỗ trợ các hộ vay vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; đồng thời hướng dẫn các hộ kinh doanh đúng pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. 6 tháng đầu năm nay, toàn xã có 66 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng nguồn vốn 4,5 tỷ đồng để phát triển thương mại, dịch vụ. Nhiều hộ mạnh dạn mở cửa hàng, xây phòng trọ cho thuê.
Công an xã Châu Minh kiểm tra tạm trú, tạm vắng tại một nhà trọ trên địa bàn xã. |
Qua thống kê, hiện toàn xã có 35 hộ có nhà trọ cho thuê (quy mô từ 10 phòng trở lên) cùng 236 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ. Ông Lê Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Châu Minh cho biết: “Khi thu hồi đất nông nghiệp, người dân trong xã cũng lo lắng bởi chưa biết sẽ làm gì khi không còn ruộng sản xuất vì bà con vốn quen nghề nông. Thế rồi, các nhà máy đi vào hoạt động, mọi người đều tìm được kế sinh nhai cho mình. Nhiều hộ mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, hoa quả, ăn sáng, phát triển dịch vụ vận tải ngay tại địa phương. Có công việc mới, nhiều người dân trên địa bàn xã thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên rõ rệt”.
So với cách đây 5 năm, xã Châu Minh có những đổi thay lớn về mọi mặt. Năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt hơn 48 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng; toàn xã chỉ còn 44 hộ nghèo, chiếm 1,85%; hộ cận nghèo là 61 hộ, chiếm 3,2%. Để đạt kết quả ấy, có sự đóng góp rất lớn, thậm chí mang tính quyết định của các hoạt động sản xuất thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, sự phát triển này còn thiếu bền vững, nguy cơ ô nhiễm môi trường, vi phạm đất đai cao; lĩnh vực thương mại, dịch vụ chỉ tập trung tại một số khu vực gần KCN; an ninh trật tự ở các nhà trọ vẫn tiềm ẩn những nguy cơ… Khắc phục những hạn chế này, đầu năm nay, UBND xã Châu Minh giao Công an xã rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các chủ nhà trọ, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ đang hoạt động trang bị đầy đủ hệ thống bình chữa cháy tại các phòng trọ, cửa hàng và kinh doanh đúng pháp luật, bảo đảm vệ sinh môi trường. Công tác quản lý tạm trú cũng được thực hiện thường xuyên.
Đối với những hộ mới đăng ký kinh doanh, UBND xã yêu cầu cán bộ chuyên môn hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, đồng thời giám sát quá trình xây dựng, kinh doanh của các hộ, kịp thời phát hiện các vi phạm về đất đai, môi trường.
“UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị dịch vụ Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm. Trong tương lai không xa, các thôn ở Châu Minh sẽ trở thành những làng công nhân, các hoạt động thương mại, dịch vụ cũng sẽ sôi động, phong phú hơn.
Để tạo điều kiện cho người dân, thời gian qua, UBND xã bố trí kinh phí xây mới, nâng cấp hệ thống đường giao thông, chợ. Cùng đó chỉ đạo lực lượng công an làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường lực lượng nắm bắt tình hình, phòng chống tội phạm, chủ động trong công tác quản lý tạm trú, tạm vắng; giữ vững an ninh trật tự để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn, phát triển KT-XH”, ông Lê Văn Dân cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)