Bài ca từ một vùng đất
Kể sao hết trữ lượng văn hóa, trầm tích văn hóa ở vùng quê này - những làng quê đặc sắc, những vùng văn hóa nổi danh, những đình, chùa “Đệ nhất Kinh Bắc”, những dấu tích của thời Văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, những trạng nguyên, tiến sĩ làm rạng danh đất nước...
Dường như có một bài ca hào hùng âm vang từ trong lòng đất ngay từ thuở bình minh dựng nước ở nơi này. Nhắc đến Hiệp Hòa là nhắc đến vùng quê của những con người kiên trung, bất khuất. Từ những năm đầu công nguyên, người dân nơi đây đã tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Tiếp đến vào đội quân chống giặc Tống, Minh, Thanh.
Thị trấn Thắng hôm nay. Ảnh: Phương Nhung. |
Từ nửa sau thế kỷ XIX, Hiệp Hòa trở thành địa bàn hoạt động của nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân. Ngay từ năm 1943, T.Ư Đảng đã chọn dải đất này là An toàn khu II và cũng chính tại xã Hoàng Vân đã ra đời Chi bộ Đảng sớm thứ hai trong tỉnh sau Chi bộ Phủ Lạng Thương. Hiệp Hòa cũng là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa thắng lợi đầu tiên ở tỉnh nhà vào ngày 12/3/1945.
Với tôi, Hiệp Hòa có bao kỷ niệm không bao giờ quên. Thời đầu chống thực dân Pháp khi chạy tản cư, lúc lên bốn lên năm, mẹ đã gánh tôi trong thúng từ Nam phần Bắc Ninh lên vùng tự do Thái Nguyên và nghỉ đôi ngày ở Trại Cờ phố Thắng. "Người mẹ gồng gánh tôi đi/ Trong tiếng súng tắc bọp sau lưng và trước mặt/ Bằng bát cháo cầm hơi/ Lũ trẻ con khóc như ri/ Người lớn chẳng thấy tiếng cười"... Sau này tôi đã ghi lại như thế theo lời mẹ kể. Tại mảnh đất thân thương đây, tôi đã nhiều lần được gặp gỡ, giao lưu với những người bạn yêu văn chương, những thầy, cô giáo đam mê lịch sử quê nhà.
Đến Hiệp Hòa hôm nay sau nhiều năm không tới, tôi choáng ngợp với sự thay đổi kỳ lạ. Những gò đồi xưa lưa thưa cây cối hoặc nham nhở miếng vá xám, vàng nay rợp cây xanh hoặc đã thành xóm dày đặc nhà ngói, nhà tầng. Những cụm công nghiệp bề thế; những cánh đồng xanh mướt trải rộng dài trước mặt. Đường nhựa bóng loáng, đường bê tông to rộng ngang dọc xã, thôn...
Khách tham quan Nhà Truyền thống cách mạng ATKII, xã Hoàng Vân. Ảnh: Đại La. |
Cũng như bao vùng quê, vùng đất tỉnh nhà và của cả nước, Hiệp Hòa từ công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, đã đổi thay vô cùng. Có lẽ ông cha ta thuở trước cũng chưa dám mơ ước có cuộc sống tốt đẹp nhanh chóng như hôm nay. Ruộng đồng tưởng như chỉ quẩn quanh hai vụ lúa với hoa màu nay đã thêm cây công nghiệp, cây đô thị.
Đến xã Hoàng Lương, tôi ngợp với các cánh đồng xanh mướt rau cần. Có ai ngờ lại thu về tới 250 triệu đồng/ha. Các gia đình mỗi năm đều thu 300 triệu, có nhà tới 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Nông nghiệp bây giờ đều phát triển theo hướng nông nghiệp cao. Nông sản phải sạch, an toàn, chất lượng. Giá trị sản xuất nông nghiệp đã lên tới hơn 121 triệu đồng/ha/năm. Người nông dân hôm nay đâu chỉ một nắng hai sương với ruộng đồng mà đã là công nhân trong các cụm, khu công nghiệp, thực sự bước vào thương trường.
Mua bán hàng hóa không chỉ dừng lại ở chợ truyền thống làng quê mà đã bước vào thương mại điện tử... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, ngày càng giữ vai trò dẫn dắt đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng. Những con số tự nói bao điều: Tốc độ tăng trưởng đạt 13,7%. Thu nhập bình quân đầu người 42,6 triệu đồng cả năm. Hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn khoảng 5%...
Dây chuyền lắp ráp thiết bị điện tử của Công ty Alpha GreenTech Vi Na (KCN Hòa Phú). Ảnh: Việt Hưng. |
Đến một vùng đất, người ta thường hay đến hai nơi, ấy là chợ và làng quê. Chính ở những nơi ấy sẽ thực sự biết mức sống người dân mà các báo cáo khô khan không nói lên được và cũng không thể che đậy được. Chẳng có gì lạ khi nhiều đoàn khách nghiên cứu nước ngoài đến nước ta chỉ chú tâm vào hai nơi đó.
Chợ Hiệp Hòa hôm nay từ làng quê đến phố thị ngoài sản vật quê nhà đã vô vàn hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng. Người mua bán nhộn nhịp đông vui.
Xóm làng bây giờ có thể vắng bóng cây đa, giếng nước, lũy tre nhưng vẫn giữ những đình, chùa, miếu mạo và phấn chấn tự hào vì san sát nhà ngói, nhà tầng kiểu cách, duyên dáng, những dãy nhà bề thế, khang trang. Mới đây, Hội đồng thẩm định T.Ư thẩm định và thông qua hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với huyện Hiệp Hòa.
Đến làng quê Hiệp Hòa không những biết rõ đời sống người dân mà còn biết cuộc sống của họ. Ấy là phong tục tập quán tốt đẹp, là tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời, là lễ hội, là văn hóa phi vật thể- những ca dao, hát ví, huyền thoại, huyền tích... Có rất nhiều vùng văn hóa đặc sắc mang dấu ấn riêng: Cẩm Bào, Đông Lỗ, Thái Sơn... vẫn được lưu giữ, lưu truyền.
Tôi đứng lặng trước bức tượng người dân gương cao lá cờ Tổ quốc ở ngay thị trấn sầm uất. Bức tượng ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước sau năm tháng đánh đổ giai cấp bóc lột, nông dân được chia ruộng đất. Lá cờ ấy vẫn phấp phới tung bay vẫy gọi, giục giã và người dân vẫn hăm hở tiến bước. Con đường hạnh phúc rộng thênh thang trước mặt dù còn phải vượt qua muôn vàn gian khổ, trở ngại.
Có một bài ca hào hùng vang lên từ vùng đất này. Bài ca của những người dân nồng nàn yêu nước, bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm, một lòng một dạ theo Đảng, quyết làm rạng danh vùng quê cách mạng và ngày nay hăng hái xóa đói, giảm nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất mình. Bài ca ấy là bản giao hưởng không lời vang lên từ những con người cần cù, quả cảm, sáng tạo trong ruộng đồng, nhà máy, trường học, và từ trong lòng đất.
Phải, đã có một bài ca từ một vùng đất...
Đỗ Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc (0)