Tục thờ Tứ Pháp ở Hiệp Hòa
Tục thờ Tứ Pháp được lưu truyền từ lâu và đã được ghi chép trong rất nhiều truyện sách cổ xưa với những chi tiết khác biệt. Tuy nhiên, nguồn gốc của Tứ Pháp được nhiều người biết đến nhất được ghi lại qua bản “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục” khắc gỗ tại chùa Dâu (Bắc Ninh) được khắc vào năm thứ 13 niên hiệu Cảnh Hưng (1752) với nội dung chính: Ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh, có cô gái 12 tuổi Man Nương đến chùa Phúc Nghiêm học đạo.
Đền Tam Đông Vọng thờ thần Tri Nông gắn với tục cầu mưa tại xã Lương Phong (Hiệp Hòa). |
Trụ trì chùa là nhà sư người Ấn Độ tên Khâu Đà La. Nhà sư tình cờ bước qua người Man Nương, nàng thụ thai sinh hạ một bé gái, đứa bé được nhà sư dùng phép chú đưa vào cây Dung Thụ già. Sau đó, nhà sư trao cho Man Nương một cây gậy thần có thể làm mưa cứu hạn hán cho dân làng.
Khi Man Nương 80 tuổi, cây Dung Thụ đổ trôi về bến sông Dâu thì không trôi nữa. Thái thú Sĩ Nhiếp cai quản Giao Châu lúc đó nằm mộng phải tạc tượng Phật từ cây Dung Thụ đó nhưng bằng cách nào cũng không kéo được cây lên bờ, chỉ khi có dải yếm của Man Nương kéo vào thì mới được cây lên bờ. Cây Dung Thụ được tạc thành 4 pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện mang vào chùa thờ tự. Trong thân cây, con của Man Nương đã hóa thành đá và được gọi là “Thạch Quang Phật”, hiện được thờ tại chùa Dâu. Bà Man Nương mất vào ngày mồng 8 - 4, cũng chính là ngày đản sinh của Thái Tử Tất Đạt Đa. Sau khi mất bà được người đời xưng tụng thành Phật Mẫu Man Nương.
Tích truyện trên cho thấy bản chất của hệ thống Tứ Pháp ở Việt Nam, đó là sự dung hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa của cư dân nông nghiệp. Đầu tiên, Phật Tứ Pháp chỉ được thờ trong các chùa ở vùng Luy Lâu (Bắc Ninh). Sau này, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp phổ biến tại nhiều vùng miền khác nhau, trong đó có Hiệp Hòa.
Tại xã Lương Phong (Hiệp Hòa) có nhiều di tích thờ Tứ Pháp và tên địa danh gắn với tục thờ này. Điển hình như chùa Pháp Lôi thờ tượng Tứ Pháp, đền Tam Đông Vọng thờ thần Tri Nông gắn với tục cầu mưa. Tại đình Hậu, thôn Sơn Quả còn thờ Thành Hoàng là thần Pháp Lôi, một trong bốn vị Tứ Pháp. Nơi đây còn có các địa danh như: Làng Sấm, làng Chớp, chợ Gió, kẻ Gió… gợi sự liên tưởng tới các vị thần Tứ Pháp. Điều đặc biệt trong lễ hội làng Sấm và làng Chớp còn có tục cầu mưa gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân Việt cổ. Tục cầu mưa chỉ diễn ra vào những năm hạn hán.
Tại đền Tam Đông Vọng có tục thờ thần Tri Nông cũng gắn với nghi lễ cầu mưa. Hằng năm vào ngày 10-10 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống. Những năm hạn hán, làng lập đàn lễ cầu đảo trong ba ngày, cũng có năm chỉ làm lễ một hai ngày thì trời đã có mưa. Trong lễ hội có nghi thức độc đáo vũ văn tức đọc văn cầu đảo. Đây là tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân Việt cổ. Qua hình thái tín ngưỡng này người nông dân muốn thể hiện ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Thờ Tứ Pháp có nguồn gốc từ tín ngưỡng bản địa mang đậm sắc thái của nền văn minh nông nghiệp lúa nước kết hợp với Phật giáo. Từ trung tâm Luy Lâu (Bắc Ninh), tín ngưỡng đã phát triển rộng ra trong đó có vùng đất Hiệp Hòa. Nghiên cứu tìm hiểu về tục thờ Tứ Pháp ở Hiệp Hòa góp phần làm sáng tỏ hơn về vùng đất, con người nơi đây. Đồng thời thấy được ý nghĩa việc bảo tồn và phát huy giá trị của tục thờ này trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)