Tục thờ Thần Nông
Tiêu biểu như tục thờ thần Tri Nông, thờ Tứ Pháp, xã Lương Phong, tục cướp bò vua, xã Hoàng An, tục rước bông dò trong lễ hội Y Sơn, xã Hòa Sơn ở Hiệp Hòa; tục thờ Thần Nông trong lễ hội Tòng Lệnh, xã Trường Giang (Lục Nam), lễ hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao ở Lục Ngạn, Sơn Động...
Cây bông dò tạ ơn thần Nông trong lễ hội Y Sơn, Hiệp Hòa. Anh Khoa. |
Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp, Thần Nông là vị thần ban cho mùa màng tươi tốt nên việc thờ cúng Thần Nông trở thành một nét văn hóa đặc sắc từ bao đời nay. Đậm nét trong tục thờ này phải thấy ở lễ hội Tòng Lệnh, dân làng dựng một sàn tế cao tới đầu người, trên bắc sạp, dưới cho trẻ con đóng giả làm ếch nhái đợi mưa. Tế xong, chủ tế lấy nước vẩy xuống đàn ếch nhái, ếch nhái kêu ộp ộp báo hiệu mưa về. Một người đàn ông đóng giả làm trâu, một người phía sau đóng làm người đi bừa, một người phụ nữ giả làm người đi cấy đi quanh sàn tế... nghi lễ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Một số vùng ở Hiệp Hòa có nghi thức cúng tế Thần Nông, tiêu biểu như đền Tam Đông Vọng, xã Lương Phong có tục thờ Thần Tri Nông gắn với nghi lễ cầu mưa. Hằng năm, ngày 10 tháng 10 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống. Những năm hạn hán, làng lập đàn cầu đảo. Hội cầu đảo tổ chức ba ngày, cũng có năm chỉ làm lễ cầu đảo một hai ngày thì trời đã có mưa. Tu lễ cầu đảo bắt buộc phải có một con chó đen tuyền. Một cụ cao niên làm chúa hội có trách nhiệm điều hành nghi lễ và cầm mõ đi rao từ đầu làng đến cuối làng. Chúa hội đi trước đánh mõ rao, dân làng đi theo sau. Sau khi đánh một hồi ba tiếng mõ thì lại rao: “Hội hội chúa hội đi rao/ Đồng điền hạn hán khô khan/ Xin ông bà Tri Nông bát nước/ Đầy đồng cho con họ làm ăn/ Cho phong điều vũ thuận”.
Lễ hội Y Sơn, xã Hòa Sơn có tục rước bông dò làm lễ tạ ơn Thần Nông. Bông dò là những thanh tre bánh tẻ được vót thành những bông hoa cắm vào cây chuối, bên cạnh bông hoa dò buộc một bông lúa nếp dài, hạt mẩy đều và một củ ấu làm từ lá dứa dại. Mỗi giáp trong làng phải chuẩn bị mười cây bông dò. Sau khi rước voi, ngựa, nồi hương là nghi lễ rước dò vào nhà Hội làm lễ tạ ơn Thần Nông.
Cũng ở vùng đất Hiệp Hòa còn có tục thờ Tứ Pháp, bao gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tượng trưng cho những thế lực thiên nhiên như: Mây, mưa, sấm, chớp. Tại xã Lương Phong có nhiều di tích thờ Tứ Pháp và các tên địa danh gắn với tục thờ này. Điển hình như chùa Pháp Lôi thờ tượng Tứ Pháp. Tại đình Hậu, thôn Sơn Quả còn thờ thần Pháp Lôi, trên ngai thờ đặt bài vị khắc chữ Hán ghi rõ tên người được thờ: “Đương cảnh Thành Hoàng Cái Xã Nhà Lôi đại vương”.
Nơi đây còn có các địa danh như: Làng Sấm, làng Chớp, chợ Gió, kẻ Gió… gợi cho sự liên tưởng tới các vị thần Tứ Pháp. Điều đặc biệt trong lễ hội làng Sấm và làng Chớp còn có tục cầu mưa gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân Việt cổ. Tục cầu mưa chỉ diễn ra vào những năm hạn hán. Muốn làm lễ cầu mưa phải có đủ hai làng Sấm và Chớp, nếu một trong hai làng không thực hành nghi lễ sẽ không hiệu nghiệm. Ngày hội, dân làng rước kiệu Thánh, rước nước từ nghè lên đền Miễu làm lễ tế trời đất cầu mưa. Nước thờ được lấy từ giếng Sở đặt trên kiệu thờ, dân làng rất coi trọng nước thờ và xem đó như là “vật linh”. Đoàn rước kiệu và rước nước của hai làng đi từ nghè lên đền Miễu, có những năm đoàn rước mới đi đến giếng Sở thì trời đang nắng lại đổ mưa. Cũng có năm đoàn rước phải về đến đền Miễu làm lễ tế trời đất và sự mong mỏi của dân làng đã được thỏa nguyện.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)