Tính cố kết cộng đồng qua trò chơi dân gian
Nhảy phỗng tại hội làng Bừng. |
Cần khẳng định rằng, phần lớn trò chơi dân gian của người dân Bắc Giang đều xuất phát từ ước vọng thiêng liêng của người nông dân gắn với nền nông nghiệp lúa nước. Những ước vọng cho sự phồn thực no đủ thể hiện qua trò bắt trạch trong chum, đánh đu; cầu mưa thể hiện qua trò: Vật cầu nước, đua thuyền, bơi trải...
Các trò đua thuyền, bơi trải là những trò chơi mang đầy tính thượng võ và tinh thần tập thể. Ngoài ra, đó còn là một nghi thức trong lễ hội cầu nước của cư dân nông nghiệp cổ xưa. Trò này xuất hiện ở Bắc Giang từ lâu đời gắn với lễ hội của nhiều làng, xã như: Làng Mai Thượng (xã Mai Đình - Hiệp Hòa), làng Chẽ (thị trấn An Châu - Sơn Động), phường Đa Mai (TP Bắc Giang)...
Hội thi bơi trải làng Chẽ được tổ chức ở sông An Châu với chiếc thuyền độc mộc đủ cho 8 người ngồi chèo. Giải đua chỉ có 3 thẻ tre ghi chữ Hán: Giải Nhất, giải Nhì, giải Ba. Đây là nơi duy nhất ở Bắc Giang có lệ rút thẻ tre nhận giải. Do đó có thể xảy ra trường hợp thuyền về nhất lại rút phải giải Ba hoặc Nhì, chính vì thế để tránh rút nhầm buộc các thành viên trong đội phải biết chữ Hán. Có thể thấy, ngoài việc tôn vinh nghề sông nước, trò chơi còn đề cao tinh thần hiếu học của người xưa.
Trò cướp cầu (tung cầu, vật cầu) mang tính nghi lễ gắn với tín ngưỡng trong nghi thức cầu mùa của cư dân nông nghiệp, thường thấy ở lễ hội các làng Nội (xã Việt Lập - Tân Yên), làng Hương Câu (xã Hương Lâm - Hiệp Hòa), làng Lũ Phú (xã Xuân Phú - Yên Dũng), làng Húi (xã Đan Hội - Lục Nam)... Tùy từng làng mà trò cướp cầu có các cách chơi khác nhau. Thông thường người ta chọn một bãi đất rộng rồi đào hai đầu hai hố chứa lọt quả cầu theo hướng Đông-Tây (hướng mặt trời mọc và mặt trời lặn). Những người tham gia trò chơi này được chia làm hai phe, cùng nhau tranh quả cầu, rồi chuyền nhau ném vào lỗ của mình để giành phần thắng. Bên nào thắng sẽ được thưởng và xem như may mắn quanh năm.
Làng Vân (xã Vân Hà - Việt Yên) hằng năm mở hội vào 12, 13, 14 tháng Tư âm lịch để kỷ niệm ngày hóa của Đức Thánh Tam Giang. Trong lễ hội này có trò vật cầu nước rất độc đáo. Quả cầu được làm bằng gỗ mít sơn son, nặng chừng 20kg. Sân chơi cầu được đổ bùn, nước, hai đầu sân đào hai lỗ tròn đường kính 60cm, sâu chừng 1m để hai bên giao đấu phân thắng bại bằng việc đưa quả cầu lọt vào lỗ của đối phương. Người dân quan niệm phe nào thắng thì người trong cả giáp của phe ấy sẽ may mắn quanh năm. Trò chơi là nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khát khao của cư dân nông nghiệp cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trò nhảy phỗng (bắt phỗng) là trò chơi dân gian độc đáo, hấp dẫn của vùng Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng và Lạng Giang. Trong hội làng Bừng (xã Tân Thanh - Lạng Giang) để chơi trò “nhảy phỗng”, Ban Tổ chức vẽ hai vòng tròn, vòng ngoài có đường kính 2,5m, vòng trong đường kính 1m. Những con phỗng được làm bằng thân cây chuối cắt từng đoạn tròn 10cm có cắm cờ đuôi nheo bằng giấy làm tiêu. Tổng cộng có 12 con phỗng tượng trưng cho 12 con giáp được đặt trong những khoảng cách đều nhau ở vòng tròn bên ngoài. Người chơi 2 tay chắp phía trước để ngang mặt (úp hai lòng bàn tay vào nhau kiểu như lạy Phật) rồi nhảy ngang người từ ngoài vào trong vòng tròn bắt phỗng.
Các trò chơi dân gian của người dân Bắc Giang nói chung đều gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp và chống ngoại xâm. Tuy ý nghĩa cụ thể của từng trò chơi có khác nhau nhưng xét ở góc độ văn hóa, các trò chơi này đều mang ý nghĩa chung đó là đề cao tính tập thể, tính cố kết cộng đồng làng xã, bởi dù ở những trò chơi cá nhân thì cũng được sự quan tâm, theo dõi, động viên, cổ vũ của đông đảo bà con. Thậm chí cá nhân đó còn đại diện cho cả một tập thể, cộng đồng, sự thành công của cá nhân là đem lại sự may mắn, thuận lợi cho cả cộng đồng. Còn với những trò chơi tập thể thì không chỉ cần sự đồng lòng, ăn ý của tập thể đó mà còn đại diện cho nguyện vọng của cộng đồng. Do đó, thành công của cá nhân gắn liền với thành công tập thể và là sự động viên cả làng xã cho mùa vụ mới trong một năm. Không những vậy, trò chơi dân gian còn là cây cầu nối hữu hiệu giúp thế hệ trẻ hiểu biết về những thú chơi và nét đẹp văn hóa của cha ông, từ đó có ý thức giữ gìn, phát huy, đồng thời quảng bá hình ảnh một Bắc Giang giàu truyền thống, thân thiện đến bạn bè và du khách gần xa.
Bảo Anh
Ý kiến bạn đọc (0)