Phát triển du lịch nông thôn: Xây dựng sản phẩm đặc trưng, tăng cường liên kết
Tham dự có lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), chuyên gia một số trường đại học, Sở VHTTDL Quảng Ninh, Hải Dương và đại diện hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội...
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang thông tin về tiềm năng, lợi thế du lịch, sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang, những kết quả bước đầu đối với công tác phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua. Nhấn mạnh về tiềm năng, lợi thế của loại hình du lịch nông thôn.
Loại hình du lịch nông thôn hiện đang được xác định với 3 loại hình chủ đạo là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái, rất phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang. Với diện tích gần 28 nghìn ha cây ăn quả các loại, được mệnh danh là “miền trái ngọt, thủ phủ trái cây của miền Bắc”, huyện Lục Ngạn được xác định là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nông thôn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phát biểu nhiều nội dung liên quan đến xây dựng sản phẩm du lịch có tính đặc trưng ở mỗi vùng, miền. |
Tuy nhiên hiện nay, du lịch Bắc Giang, trong đó có sản phẩm du lịch nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tại đây, các đại biểu phân tích, đánh giá tính khả thi của việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh Bắc Giang; đề xuất các giải pháp hiệu quả trong liên kết, phát triển, thu hút khách; các chính sách phát triển du lịch nông thôn; trao đổi kinh nghiệm xây dựng tour, tuyến thu hút khách; việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân địa phương; thu hút đầu tư du lịch…
Theo bà Vũ Giang Biên, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc PATTOUR, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở huyện Lục Ngạn rất lớn. Vì vậy, chính quyền, ngành, đơn vị chức năng cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết, giới thiệu sản phẩm du lịch với các tỉnh, thành phố, nhất là khu vực Đông Bắc. Ở các điểm du lịch miệt vườn cần "thổi hồn văn hóa" vào các hoạt động du lịch, như giới thiệu sản phẩm, văn hóa ẩm thực, nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo, đặc sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nên có những sản phẩm sơ chế từ trái cây, không đơn thuần là quả tươi để làm quà bán cho du khách, đồng thời làm biển báo, chỉ dẫn.
Bà Vũ Giang Biên, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc PATTOUR phát biểu về hợp tác, liên kết phát triển du lịch nông thôn. |
Ông Dương Xuân Tráng, đại diện Công ty Du lịch Mai Việt chia sẻ: Từ thực tế hoạt động kinh doanh du lịch của đơn vị, có rất nhiều khách đi du lịch Cao Bằng qua Lạng Sơn muốn về Bắc Giang trải nghiệm du lịch miệt vườn, sau đó đến Quảng Ninh, về Hà Nội. Vì thế, các đơn vị đầu tư về du lịch của Bắc Giang cần có thêm nhiều loại hình dịch vụ du lịch homestay (lưu trú tại cộng đồng) để khách trải nghiệm, ở lại Bắc Giang lâu hơn. Cần thành lập mô hình câu lạc bộ du lịch miệt vườn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, liên kết, giúp nhau làm du lịch.
Theo bà Phùng Thị Hoàng Anh, Giám đốc Công ty cổ phần và Đầu tư du lịch bền vững Việt Nam, du lịch nông thôn cần gắn với du lịch tâm linh, sinh thái. Từ đó, các doanh nghiệp lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch 3-4 ngày, thay vì 1-2 ngày như hiện nay nhằm mang lại giá trị từ hoạt động dịch vụ du lịch.
Ông Nguyễn Bá Tùng, đại diện Công ty TNHH An Phú Thăng Long gợi mở: Để phát triển du lịch nông thôn một cách chuyên nghiệp, các hợp tác xã, nhà vườn cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, như: Xây dựng mã QR code, các website giới thiệu quy trình trồng, chăm sóc, chất lượng để quảng bá, giới thiệu khách tham quan về sản phẩm trái cây. Về phía doanh nghiệp sẵn sàng liên kết, hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn trong việc tạo lập, cung cấp, ứng dụng công nghệ trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Phát triển du lịch nông thôn là loại hình mang lại giá trị rất lớn. Do đó, chính quyền, các ngành chức năng cần quan tâm, nghiên cứu, xem xét chiến lược không gian phát triển du lịch. Cần dựa vào tiềm năng, nét đặc trưng, điển hình riêng ở mỗi vùng, miền cũng như lợi thế để khai thác; khôi phục văn hóa đặc sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị mai một để tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn.
Một số ý kiến đề nghị cần quan tâm đào tạo kỹ năng làm du lịch cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn để họ tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Cùng đó, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan ấn tượng du khách; quy hoạch các trung tâm mua sắm...
Kết luận tọa đàm, ông Đỗ Tuấn Khoa cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, đồng thời cho rằng đây là những ý kiến quý báu để Sở VHTTDL Bắc Giang tiếp thu, tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác phát triển du lịch nói chung, trong đó có liên kết phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tỉnh Bắc Giang nói riêng.
Với vai trò trách nhiệm của mình, thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường quảng bá, đẩy mạnh liên kết, xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn nhằm thu hút khách đến với Bắc Giang nhiều hơn, ở lại lưu trú lâu hơn, sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Qua đó, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch.
Ý kiến bạn đọc (0)