Hình tượng rùa cõng hạc, đội bia nơi di tích
Rùa - hạc gỗ tại đình Quả, xã Trung Sơn (Việt Yên). |
Về mặt tâm linh, tín ngưỡng dân gian: Rùa tiếng Hán gọi là Quy - một trong bốn con vật linh của người Việt bao gồm: Long, Ly, Quy, Phụng. Đây là loài hòa hợp cả âm lẫn dương, được coi là bản sao của vũ trụ: Bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm), mai cong tượng trưng cho trời (dương), 4 chân rùa là bốn cực của thế giới (Đông- Tây- Nam- Bắc). Ngoài ra rùa còn mang ý nghĩa trị thủy, gắn bó với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghi lễ cầu mưa. Có thể nói, hình ảnh rùa trong các công trình kiến trúc tâm linh mang đậm tính linh thiêng, biểu trưng của sự trường tồn, vững chãi, làm nền, bệ phóng cho nhiều báu vật vô giá về vật chất, tinh thần xuất hiện trong Trời- Đất và cho con người.
Hình tượng rùa cõng hạc, rùa đội bia tượng trưng cho sức chịu đựng, nhẫn nại, thể hiện sự trường cửu nên thường được sử dụng nhiều trong trang trí, chạm khắc đặc biệt là trong các di tích tín ngưỡng, tôn giáo. |
Hạc được xem như một loài chim quý, hình ảnh hạc thường xuất hiện bên các vị thần tiên. Con hạc trong tạo hình thường có mỏ cò, lông trĩ, cổ cao, đuôi ngắn, vẩy cá chép, cánh lông vũ nhưng điểm xuyết đao mác, thường đứng trên lưng rùa. Hạc cũng là loài vật tượng trưng cho sự trường thọ. Bởi vậy, sự kết hợp giữa hai con vật linh đã tạo nên biểu tượng “thọ đội thọ” thể hiện cho khát vọng trường tồn, biểu tượng cho sự may mắn qua đó ông cha ta gửi gắm những quan niệm, ý nghĩa và ước vọng sâu sắc, cao cả.
Cũng như các vùng miền khác trong cả nước, ở Bắc Giang trước các ban thờ thờ Thành hoàng làng tại những ngôi đình, đền như đình Vân Cốc, xã Vân Trung (Việt Yên), đình Âm Dương, xã Tân An; đình La Trung, xã Trí Yên (Yên Dũng); đình làng Vai, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa)… hình ảnh rùa cõng hạc thường uy nghi đứng hai bên như một vật biểu linh cho tính thiêng của thần linh và sức mạnh của dân tộc.
Với ý nghĩa là đồ thờ, hạc biểu hiện cho tầng trên còn rùa biểu hiện cho tầng dưới để hợp thành một thể âm dương đối đãi. Mỏ hạc thường ngậm bông sen hoặc hạt tròn tượng trưng cho viên ngọc pháp (ý nói giáo lý trong sáng như ngọc) như một vật thiêng tượng trưng cho khả năng giáo hóa chúng sinh, như ở đình Quả, xã Trung Sơn; đền Thánh Mẫu, xã Vân Trung (Việt Yên), đình Thượng, thị trấn Tân Dân (Yên Dũng)…
Hình ảnh rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại những thông điệp, sự kiện lịch sử, danh nhân đương thời, điều đó mang ý nghĩa rùa là vật truyền tải thông tin, thể hiện sự “tín nhiệm” của ông cha ta khi giao cho rùa việc lưu giữ văn hóa, sử sách được trường tồn với thời gian và dân tộc.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) có hai tấm bia được tạc bằng đá xanh đặt trên lưng rùa cũng bằng đá dựng ở sườn phía sau tòa Tam bảo. Một tấm bia có tiêu đề “Chúc Thánh Vĩnh Nghiêm tự bi” (Bia chùa Chúc Thánh- Vĩnh Nghiêm) - tấm bia này hiện chưa rõ niên đại tạo dựng. Tấm bia thứ hai ghi "Trùng tu Vĩnh Nghiêm tự bi” (Bia ghi việc trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm) được tạo vào thời Lê Trung Hưng niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606). Nội dung hai tấm bia ghi tên những người hưng công tiền của để tu sửa chùa làng. Hay như ở đình Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) có tấm bia đá dựng trên lưng rùa đen đặt ở bên phải tòa Tiền tế, tấm bia được tạo năm Tự Đức thứ 6 (1853). Nội dung văn bia ghi về những đạo sắc phong của các đời vua thời Lê Trung Hưng ban thêm mỹ tự cho Thành hoàng làng Thổ Hà là Thái Thượng lão quân. Nhìn chung, dáng rùa được tạc ở những tấm bia này có đầu to, mập, vươn ra khỏi mai, miệng thuôn nhọn, mắt nhỏ, bốn chân khép sát vào thân mai.
Nói về những tấm bia, sở dĩ bia tồn tại theo thời gian là do đáp ứng với quy luật của trời đất và các tầng vũ trụ. Trán bia và vòng chầu mặt trời là biểu trưng của tầng trên (dương). Còn rùa đóng vai trò ở tầng dưới (âm), sự việc của con người sẽ nằm ở giữa con rùa (là những thông điệp được ghi trong văn bia). Điều đó tạo nên thiên- địa- nhân hòa. Hay có thể nói, ba hình tượng ấy hợp lại tạo thành hình ảnh rùa đội bia, biểu tượng cho sự bền vững, dài lâu. Như vậy, có thể thấy hình tượng rùa cõng hạc, rùa đội bia đều mang những ý nghĩa và giá trị nội hàm tự thân. Cũng có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng tựu chung lại là đều mong muốn hướng con người tới điều thiện để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thu Hường
Ý kiến bạn đọc (0)