Hình tượng chim phượng hoàng nơi di tích
Hình tượng chim phượng hoàng gỗ được chạm khắc tại đình Đông Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa). |
Chim phượng không phải là con vật có thật mà hình thành từ tư duy liên tưởng và tập hợp những đặc tính tốt thuộc một số loài chim của cư dân phương Đông. Thời Lý, hình tượng phượng được sử dụng nhiều trong các mảng chạm khắc tại các công trình kiến trúc hay những tác phẩm điêu khắc trang trí, biểu trưng cho yếu tố nữ mang tính âm. Ở thời kỳ này, phượng có lối tạo hình chung thường trang trí trong lá đề, nhìn nghiêng, hai con đăng đối ứng trong lá đề, phía dưới là một hình mây xoắn, lông đuôi dài bay uốn lượn lên phía trên. Phía trong cốt đuôi được thể hiện thành những chấm tròn chạm thành dải dài lượn sóng và chạy nhỏ dần về cuối.
Hai cánh phượng dang rộng. Cổ phượng ngắn, mắt tròn, đầu nhỏ, bờm gáy cũng đang bay vút lên phía trên. Tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) tìm thấy mảnh đất nung không còn nguyên vẹn trang trí hình chim phượng trong lá đề có tóc chải lượn sóng bay lên góc trên, mặt quay nhìn lại phía sau, hai cánh mở rộng, đuôi phượng cũng dưới dạng tóc chải lượn sóng.
Thời Trần tìm thấy mảnh đất nung không còn nguyên vẹn có trang trí hình chim phượng ở đền Cầu Từ, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) và chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên. Về bố cục phong cách thể hiện, hình phượng này tương tự như phượng trang trí trên các lá đề đất nung thời Lý.
Thời Mạc là giai đoạn mở đầu cho sự đa dạng hình tượng phượng trong trang trí kiến trúc. Hình tượng chim phượng được thể hiện một tinh thần nghệ thuật tự do phóng khoáng muốn vượt ra ngoài khuôn khổ để hòa vào nét văn hóa dân gian của đời thường. Bức chạm phượng ở đình Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hoà) mang đậm nét dân gian được chạm tỉ mỉ. Con chim thiêng được bố cục theo dạng nhìn nghiêng, mỏ không khoằm, mắt giọt lệ, thân tròn nổi mập có hình dáng như con chim nước với mỏ dài, mắt tròn, tóc trĩ bay ngược ra phía sau. Thân mập, cánh ốp vào thân, chân dài, móng dạng móng gà. Đuôi phượng được tạo thành chùm tỏa ra xung quanh. Hình tượng chim phượng kết hợp với các đao mác bay ra như biểu hiện của tầng trên và chứa đựng những siêu lực để gọi nguồn hạnh phúc, thể hiện ước vọng cầu mưa, cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Tại nghè Hang Xanh, xã Tiền Phong (Yên Dũng) cũng tìm thấy hình chim phượng trang trí trên gạch nung.
Thời Lê Trung Hưng, những con phượng vũ giống chim cõng vũ nữ thiên thần đã được thể hiện nhiều trên kiến trúc đình làng như đình Cao Thượng, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), đình Thổ Hà, xã Vân Hà, đình Phúc Long, xã Tăng Tiến (Việt Yên)… Tạo hình phượng ở thời kỳ này có nhiều thay đổi theo lối dân gian gần gũi, hình khối tự nhiên, được dùng để trang trí trên những cấu kiện gỗ ở các công trình kiến trúc, đồ thờ như đôi chim phượng chạm ở rèm cửa võng đình Đông Lâm, phượng chạm trong đình Hương Câu, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa)…
Thời Nguyễn, nghệ thuật tạo hình đã vượt ra ngoài tâm linh dân dã của nông thôn truyền thống, phần nào bàn tay của tầng lớp nho sĩ cấp thấp đã chi phối tới văn hóa làng xã. Chim phượng được thể hiện khá phong phú ở dạng tượng phù điêu và cả dạng tượng tròn trên mọi vị trí của công trình kiến trúc. Phượng xuất hiện với nhiều dạng khác nhau như phượng hàm thư, mai hóa, phượng trong hệ tứ linh (long, ly, quy, phượng)… Chim phượng chạm trên cốn mê đình Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) có đặc điểm: Mỏ mập hàm thư, đầu tròn, mắt hơi to vuốt dài về phía sau. Tóc trĩ bay ra phía sau và cuộn xoắn ở đầu. Mang lớn có vẩy, từ mang có hai cụm tóc bay về hai phía. Phượng không rõ thân, từ lưng mọc ra đôi cánh dang rộng về hai phía. Sống cánh uốn cong hình cánh cung.
Chiêm ngưỡng biểu tượng linh vật chim phượng trong các di tích ở mỗi giai đoạn chúng ta sẽ thấy được sức sáng tạo tài tình của nghệ thuật truyền thống. Tư tưởng thẩm mỹ của cha ông qua hình tượng chim phượng ở các công trình kiến trúc chứa đựng những nét mộc mạc, chân chất, mang những ước vọng về vẻ đẹp của người phụ nữ vừa thể hiện mong ước về cuộc sống sum vầy, hạnh phúc... Những tác phẩm nghệ thuật nói lên ước vọng của thợ thủ công, của cộng đồng mong muốn có được sự linh thiêng, là giá trị văn hóa được kế thừa suốt hàng nghìn năm nay, trở thành nét văn hóa truyền thống đẹp ở Bắc Giang. Do vậy, tìm về cái đẹp của linh vật truyền thống trong đó có hình tượng chim phượng trong các di tích là tìm kiếm cái đẹp của tâm linh, của những ước vọng thầm kín trong đời sống tín ngưỡng của cha ông từ bao đời nay.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)