Hai vị khai khoa ở đất Nghĩa Phương
Ngai thờ và tượng quan Hàn lâm học sĩ Hà Chiếu. |
Nghiên cứu Sách “Bắc Giang địa chí” của tác giả Trịnh Như Tấu (1937) có bổ sung đề cập đến tên của Hà Chiếu (Hà Văn Chiếu) và Dương An Quý quê ở Nghĩa Phương (nay thuộc huyện Lục Nam) đã từng thi và trúng tuyển về Nho học - Khoa thi Thái học sinh dưới thời vua Lý Anh Tông (1138-1175), có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bang giao của Đại Việt.
Theo "Bắc Giang địa chí": “Cha mẹ của Hà Chiếu nhà nghèo, sống bằng nghề lên rừng hái củi nhưng tu nhân tích đức, hay làm việc thiện. Nhờ thông minh, ham học, Hà Chiếu đi thi Thái học sinh, trúng tam trường vào thời Lý Anh Tông, sau làm đến Hàn lâm học sĩ”.
Cũng theo "Bắc Giang địa chí": “Dương An Quý còn gọi là Dương Hỗ, dự thi Thái học sinh đỗ Cống cử, làm quan đến Lệnh doãn”.
Hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa Phương vẫn còn di tích thờ hai vị danh khoa này như một minh chứng cho sự nghiệp khai khoa của tỉnh Bắc Giang.
Đền Hàn Lâm (còn gọi là nghè Hàn Lâm) nằm ở đầu làng Tân Hương, xã Nghĩa Phương. Theo thần tích lưu tại đây, ngôi đền có từ thời Lý (thế kỷ XI-XII), thờ quan Hàn lâm học sĩ Hà Chiếu. Tương truyền, tổ tiên Hà Chiếu ở xứ Hải Dương, cha là Hà Công Văn, mẹ là Phạm Thị Chiêm, ngày ngày ăn ở tích đức, làm nghề kiếm củi nhưng vẫn công đức cho việc đúc chuông chùa, được Ngọc Hoàng hiểu thấu, sai Đệ Lục trung tinh quân ở Nam phương đến đầu thai. Đến ngày 16 tháng 7 (âm lịch) triều Lý Thánh Tông, bà sinh hạ được một con trai đặt tên là Hà Văn Chiếu (Hà Chiếu). Hà Chiếu càng lớn càng thông minh, ham học. Trong kỳ thi Thái học sinh đỗ Tam giáp (tương đương đồng Tiến sĩ xuất thân), làm đến Hàn lâm học sĩ dưới triều Lý Anh Tông.
Khi đó có bọn giặc Đàm Hữu Lượng tàn phá vùng Quảng Uyên, Hà Chiếu được triều đình phái sang nhà Tống đàm đạo, nhờ đó tự thế giặc phải tan. Trở về nước, Hà Chiếu được phong là Thắng Địch hầu. Một thời gian sau, Vua Lý Anh Tông tiếp tục cử Hà Chiếu và Dương An Quý đi sứ nhà Tống. Hà Chiếu ứng đối lưu loát nên được vua Tống rất tôn trọng. Chẳng may khi sứ bộ vẫn còn lưu trên đất khách, Hà Chiếu bị bệnh mà mất. Vua Tống vô cùng thương xót, cho đúc quan tài bằng sắt rước linh cữu đưa về Đại Việt. Lý Anh Tông sai các quan dụ tế và phong Hà Chiếu là Thắng Địch hướng thiên cư sĩ đại vương, lệnh triều thần tả sắc phong thần, cho 27 xã phụng sự.
Trước đây, đền Hàn Lâm có lưu đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi công lao to lớn của ông sánh ngang cùng trời Nam, đất Bắc: “Học sĩ thanh danh dương Bắc địa/ Bồng lai cung khuyết đối Nam thiên” (Tạm dịch: Học sĩ tiếng thơm lừng đất Bắc/Cung tiên cao rộng sánh trời Nam). Tiếc rằng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị tàn phá nặng nề nên đôi câu đối cũng bị phá hủy theo. Đến năm 2004-2008, nhân dân trong thôn cùng nhau hưng công khôi phục lại ngôi đền trên nền đất cũ khang trang như hiện nay.
Bài vị phụng thờ quan Hàn lâm Hà Chiếu tại đền Hàn Lâm. |
Nghè Giếng ngày nay thuộc thôn Quỷnh, xã Nghĩa Phương, là nơi thờ Vĩnh Đạt Đại vương Dương An Quý. Tương truyền, ông tham dự kỳ thi Thái học sinh tổ chức tại Thăng Long, thi đỗ Hương cống thời Vua Lý Anh Tông, làm quan đến chức Lệnh doãn, cùng đi sứ với Hà Chiếu sang nhà Tống. Về sau Dương An Quý mất tại quê nhà, được Vua sắc phong là Hoằng tán mỹ hóa Vĩnh Đạt Đại vương và thờ ở nghè Giếng.
Do tài liệu ghi chép các kỳ thi vào thời Lý cũng như thời Trần không đủ, cho nên danh sách những người đỗ đạt của gần 400 năm cử nghiệp của hai triều đại này bị bỏ trống. Với di tích đền Hàn Lâm, nghè Giếng và thần tích, câu đối được lưu lại, ta có thể khẳng định và tự hào rằng Hà Chiếu-người xã Nghĩa Phương là vị đại khoa đầu tiên; Dương An Quý là vị trung khoa đầu tiên và đền Hàn Lâm, nghè Giếng là những di tích tiêu biểu đầu tiên của nền thi cử Hán học trên đất Bắc Giang.
Thu Hường
Ý kiến bạn đọc (0)