Danh tướng Trần Nguyên Hãn trong Chiến thắng Xương Giang
Khu Di tich lịch sử Chiến thắng Xương Giang. |
Từ cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến hành vây hãm thành Xương Giang. Đây là một thành lớn, có kiến trúc phòng vệ chắc chắn. Các tướng Lê Sát, Lê Triện, Nguyễn Đình Lý, Lê Thụ, Lê Lãnh công phá thành đều không có kết quả. Tới tháng 9 -1427, Lê Lợi đã tăng cường lực lượng và cử Trần Nguyên Hãn chỉ huy các đợt công thành.
Vị tướng này cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm ngầm từ ngoài vào trong thành giặc, dùng câu liêm, giáo, nỏ cứng, hỏa tiễn, hỏa pháo bốn mặt cùng đánh. Sau đó tiến hành nội công ngoại kích với sự phối hợp của đám quân đã lọt được vào nội thành giặc và huy động dân chúng của các làng xung quanh tham chiến cùng nghĩa quân Lam Sơn. Đêm 28 - 9 - 1427, nghĩa quân Lam Sơn do Trần Nguyên Hãn chỉ huy đã tổng tiến công và chiếm được thành Xương Giang. Toàn bộ giặc trong thành đều bị tiêu diệt, tướng giặc là Lý Nhậm và Kim Dận đều tự tử.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về việc hạ thành Xương Giang như sau: “Tháng 9 ngày 8, bọn Thái úy Trần Hãn (tức Trần Nguyên Hãn), Tư mã Lê Sát, Thiếu úy Lê Triện, Lê Lý đánh lấy được thành Xương Giang. Khi ấy viên chỉ huy nhà Minh là Kim Dận cho là thành này nằm trên đường về của quân Minh, nên cùng với tên quan mới bổ đến là Lý Nhậm liều chết cố thủ. Trải qua hơn 6 tháng trời cầm cự với quân Khoái Châu, Lạng Giang, chúng vừa đánh vừa giữ, khiến quan quân không thể lên được thành. Vua sai Hãn đắp đất, mở đường đánh nhau với giặc, dùng câu liêm giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa, bốn mặt đánh vào, thành cuối cùng bị hạ. Bọn Dận, Nhậm đều tự sát”.
Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, Thông giám cương mục đã khẳng định Trần Nguyên Hãn có vai trò quan trọng góp phần quyết định vào chiến công hiển hách này. Đồng thời còn lập công lớn trong việc đánh tan quân viện binh của nhà Minh trên cánh đồng Xương Giang. Nhờ đó, ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mùi (3-11-1427), nghĩa quân Lam Sơn tổng công kích quân Minh ở Xương Giang. Toàn bộ tướng lĩnh chỉ huy cùng hàng vạn quân lính bị giết và bị bắt. Được tin này, Vương Thông vô cùng hoảng hốt và phải chấp nhận giảng hòa, rút quân về nước.
Chiến thắng Xương Giang khẳng định đường lối đúng đắn trong kế hoạch “vây thành diệt viện” của nghĩa quân Lam Sơn. Danh tướng Trần Nguyên Hãn là người trực tiếp chỉ huy và đóng góp nhiều công lao vào chiến thắng vĩ đại này.
Trần Nguyên Hãn (1390 - 1429) là người Hoắc Xa, huyện Quảng Oai, Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Ông vốn có học thức cao, giỏi binh pháp. Trong "Nhân vật chí", Phan Huy Chú đã nhận xét về Trần Nguyên Hãn: “Anh tài giúp vua, gặp hội phong vân, trổ hết trí dũng, đều là có công đầu mở nước cả… Lúc trăm trận gian nan đã bày mưu dùng sức để bình giặc Ngô, nên cơ nghiệp nhà vua, tóm lại không hổ là bậc tướng giỏi”.
Để ghi nhớ công lao của người có công với dân với nước, tại TP Bắc Giang đã có đường phố mang tên Trần Nguyên Hãn. Ngôi đền Xương Giang được xây dựng trong khu di tích thành Xương Giang xưa để thờ các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn trong đó có danh tướng Trần Nguyên Hãn.
Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)