Chiến thắng Xương Giang qua mộc bản triều Nguyễn
Dưới triều Nguyễn, Quốc Sử quán là cơ quan chuyên trách việc nghiên cứu tư liệu lịch sử của triều đình ra đời vào năm 1820 thời vua Minh Mạng. Đây cũng là nơi biên soạn, in ấn lưu giữ hàng vạn tấm mộc bản triều Nguyễn ghi chép lại nhiều sự kiện lịch sử, điều luật, công danh, sự nghiệp của các vua chúa, danh thần, các bộ sách sử, tác phẩm văn chương…
Chính vì yếu tố trên nên Mộc bản triều Nguyễn mang tính chính xác, chân thực có giá trị lịch sử cao được coi là quốc bảo. Hiện nay, kho tàng mộc bản triều Nguyễn có hơn 34 nghìn tấm, phần lớn được khắc hai mặt bằng gỗ thị với nhiều chủ đề về địa lý, lịch sử, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng- triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục.
Kho tàng mộc bản trên hiện được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV- Đà Lạt. Ngày 30-7-2009, Mộc bản triều Nguyễn là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới.
Hoạt cảnh tái hiện chiến thắng Xương Giang. |
Cuối tháng 11-2019, trong đợt khảo sát tư liệu về Hán – Nôm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV – Đà Lạt, nhóm cán bộ nghiên cứu Bảo tàng Bắc Giang phát hiện một số bản khắc tư liệu nói về trận chiến Chi Lăng - Xương Giang trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư nằm trong khối Mộc bản triều Nguyễn.
Cụ thể ở đây là 2 tấm mộc bản, tấm thứ nhất số hiệu 14421 gồm hai mặt khắc, dài 40,5cm, rộng 20,5cm, dày 2,9cm; khổ khuôn in 29,5 x 20,5cm, chất liệu gỗ thị, khắc nổi mỗi mặt có 324 chữ. Tấm thứ hai có số hiệu 14350 dài 41cm, rộng 20,5cm, dày 2cm, khổ khuôn in 29 x 20,5cm, chất liệu gỗ thị, khắc nổi mỗi mặt khắc 324 chữ.
Theo cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, các tấm mộc bản trên được san khắc dưới thời Nguyễn giai đoạn từ 1802 – 1807. Đây là tư liệu duy nhất về chiến thắng Xương Giang được phát hiện đến thời điểm này khắc trên mộc bản. Về nội dung các mặt khắc, theo bản dịch của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 2004 ghi rõ:
“Giặc vốn khinh ta, cho là người nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân sang, hẳn là ta rất hoảng sợ. Huống chi lấy mạnh nạt yếu, lấy nhiều lấn ít đó là lẽ thường. Giặc không thể tính được hình thế được thua của người, của mình, không thể hiểu được cơ vi qua lại của thời của vận. Vả lại, quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân gấp vội.
Binh pháp có nói: Hành quân 500 dặm mà chỉ vội hám lợi thì sẽ què thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, quân lính tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn khỏe, đợi đánh quân mỏi mệt, nhất định sẽ thắng”. Bèn sai bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 5 thớt voi, bí mật mai phục trước ở ải Chi Lăng để đợi giặc.
Trước đó, Lê Lựu giữ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến, lui giữ cửa ải [Lưu]. Giặc tiến đánh, Lựu lại bỏ cửa [Ải] Lưu lui về đóng ở Chi Lăng. Giặc lại tiến quân đánh phá uy hiếp Chi Lăng. Bọn Sát và Nhân Chú mật sai Lựu ra đánh rồi giả cách thua chạy. Giặc quả nhiên rất mừng.
Mộc bản triều Nguyễn ghi về trận chiến Chi Lăng- Xương Giang. |
Ngày 20, Liễu Thăng đốc xuất đại quân đuổi theo. Đến chỗ có mai phục, bọn Sát và Nhân Chú tung hết quân mai phục, bốn mặt đều nổi dậy xung vào đánh giặc. Quân giặc thua to. Chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn thủ cấp quân giặc.
Ngày 25, vua lại sai Lê Lý và Lê Văn An đem 3 vạn quân tiếp đến ải núi Mã Yên. Bọn Sát và Nhân Chú chỉ huy các quân tung hết binh sĩ ra đánh giặc, chém Bảo Định bá Lương Minh tại trận. Ngày 28, Lý Khánh cũng chết. Thôi Tụ và Hoàng Phúc dẫn quân miễn cưỡng tiến lên. Nhân Chú lại đánh bại bọn chúng, chém được hơn 2 vạn thủ cấp, bắt được lừa ngựa, trâu bò, quân tư khí giới nhiều không kể.
Mùa đông, tháng 10, vua sai Lê Lý và Lê Văn An đem 3 vạn quân bao vây bốn mặt, lại dựng rào lũy ở tả ngạn sông Xương Giang để ngăn chặn. Bọn Tụ không còn mưu kế gì khác, đành phải đắp lũy giữa cánh đồng để tự vệ. Tụ ngỡ là thành Xương Giang chưa bị phá, dẫn quân định tới đó. Khi tới nơi thì thành Xương Giang đã bị mất, chúng hết cả hy vọng, lại càng kinh hoàng sợ hãi. Gặp lúc trời báo tai biến, mưa to gió lớn, núi rừng gầm thét, người ngựa nhìn nhau không nhích lên được bước nào. Giặc chỉ còn cách đợi đến đêm vắng, bắn súng làm tín hiệu báo cho hai thành Đông Quan và Chí Linh để họ nghe thấy tiếng súng thì ra cứu viện.
Nhưng Đông Quan và các thành khác tự cứu còn chưa xong, biết đâu đến chỗ khác! Vua bèn sai các quân thủy, bộ cùng tiến quân bao vây chúng. Lại chia quân chặn hết các ải Mã Yên, Chi Lăng, Pha Lũy, Bàng Quan. Thôi Tụ và Hoàng Phúc muốn tiến cũng không được, muốn lui cũng không xong, bèn giả xin hòa, nhưng âm mưu định chạy vào thành Chí Linh.
Vua biết được quỷ kế của chúng, kiên quyết khước từ không cho hòa. Kế đó, sai Trần Hãn chặn đứng đường vận chuyển lương thực của giặc, sai bọn Lê Vấn, Lê Khôi, đem 3 nghìn quân Thiết đột, 4 thớt voi, cùng với bọn Sát, Lý, Nhân Chú, Văn An tấn công bọn giặc. Ngày 15, quân Minh đại bại, ta chém hơn 5 vạn thủ cấp giặc, bắt sống bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 3 vạn tên, thu được vũ khí, ngựa chiến, vàng bạc, vải lụa nhiều không kể xiết. Còn những kẻ chạy trốn thì trong khoảng 5 ngày đều bị bọn chăn trâu kiếm củi bắt bằng hết, không sót tên nào”.
Qua nội dung khắc trên hai tấm mộc bản, chúng ta có thể nhận thấy các sử gia nhà Nguyễn đã ghi chép lại một cách chi tiết, phản ánh một cách chân thực về chiến trận Xương Giang trên vùng đất Bắc Giang- một mốc son lịch sử của dân tộc kết thúc cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh, mở ra bước ngoặt mới của thời kỳ độc lập, hưng thịnh kéo dài gần 4 thế kỷ trong lịch sử dân tộc Việt.
Chiến thắng Xương Giang đã ghi thêm chiến công chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của nhân dân Đại Việt. Nhà sử học Lê Quý Đôn từng đánh giá về chiến thắng này: "Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy".
Trong bài Phú Xương Giang, Lý Tử Tấn đã khẳng định “Non sông vốn thiêng/ Nơi đây vũ công lừng lẫy/ Giúp nên đất nước bình yên/ Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có/ Mở thái bình cho đất Việt khắp miền/ Ấy Xương Giang một sông hình đẹp/ Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền...”
Trận chiến Xương Giang được ghi chép trong mộc bản cho thấy ý nghĩa, tầm vóc và giá trị to lớn của sự kiện này đối với mọi thời đại. Sự kiện ấy được khắc trên Mộc bản triều Nguyễn càng có ý nghĩa hơn khi khối tài liệu này năm 2009 được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.
Việc phát hiện hai tấm mộc bản có nội dung về chiến thắng Xương Giang là một nội dung quan trọng góp phần bổ sung tư liệu về chiến thắng Xương Giang và giá trị của khu di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Thời gian tới, các cơ quan nghiên cứu của tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện sao chép, in dịch các tài liệu và tiến hành phục chế phiên bản của hai tấm mộc bản trên để trưng bày. Đây cũng là hoạt động chào mừng sự kiện di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đỗ Tuấn Khoa (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang)
Ý kiến bạn đọc (0)