Cầu Sông Thương - nơi ghi dấu nhiều chiến công
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn 1945-1954, Phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang) đã thực hiện tốt chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, cùng các địa phương trong cả nước tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện tiến tới thắng lợi. Sau 9 năm kháng chiến, thực dân Pháp để lại hậu quả nặng nề cho đất nước ta.
Cầu Sông Thương. Ảnh tư liệu. |
Thời kỳ này, nhân dân thị xã Phủ Lạng Thương bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là khôi phục lại cầu sắt, đường xe lửa đã bị hư hỏng nặng. Công trường khôi phục đường xe lửa thị xã Phủ Lạng Thương là nhiệm vụ quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Ngày 24/1/1955 (mùng 1 Tết Ất Mùi) Bác Hồ về thăm công trường khôi phục đường xe lửa thị xã Phủ Lạng Thương.
Đứng trên cây cầu sắt, Bác đã gửi lời động viên công nhân, chiến sĩ, chuyên gia xây dựng và nhân dân. Các chiến sĩ miền Nam tập kết, các chuyên gia và người dân Bắc Giang vô cùng xúc động khi được biết Bác Hồ về thăm, chúc Tết. Tại đây, Bác đã nghe đồng chí Đội trưởng đội cầu Nguyễn Tường Lân báo cáo thành tích chung của công trường làm cầu, rồi Bác đi thăm cầu, khi đi đến giữa cầu, Người dừng lại nói chuyện với cán bộ, công nhân.
Bác hỏi han tình hình ăn Tết, tổ chức đời sống sinh hoạt của anh em công nhân. Người biểu dương thành tích của cán bộ, công nhân ta, chuyên gia nước bạn và tinh thần giúp đỡ của nhân dân Bắc Giang đối với việc làm cầu. Sau đó, Bác bắt nhịp cho mọi người hát bài ca “Kết đoàn”.
Theo nhịp tay Bác, lời ca vang lên như lời hứa: Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để đón ngày Bác về thăm. Chỉ trong thời gian 4 tháng, nhiệm vụ khôi phục đường xe lửa thị xã Phủ Lạng Thương đã hoàn thành. Trước tin vui này, ngày 28/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hoàn thành đường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan.
Thời chiến tranh, cầu Sông Thương là huyết mạch giao thông quan trọng, nối liền dòng chi viện của Bắc Giang cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, thời kháng chiến chống Mỹ, cây cầu sắt Bắc Giang phải hứng chịu bao trận mưa bom bão đạn của quân thù. Cầu sắt Sông Thương được ví là cây cầu Hàm Rồng thứ hai của miền Bắc. Tại đây đã có nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta với quyết tâm cao để bảo vệ cầu.
Nơi đây còn khắc ghi các hình ảnh chiến sĩ Trung đoàn 216 bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương. Nhiều chiến sĩ của Trung đoàn đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cầu. Hình ảnh các pháo thủ dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng như: Nguyễn Văn Phương, Phạm Văn Tuế, Phạm Văn Lãm… mãi mãi in sâu trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 216. Bên cạnh đó còn có các nữ dân quân Nam Hồng, Đa Mai, Vĩnh Ninh…
Điển hình là bà Nguyễn Thị Nga, Trung đội trưởng nữ dân quân xã Thọ Xương ngày ấy đã xông pha trận địa cứu chữa cho các chiến sĩ bị thương và bảo vệ vũ khí… Các bà mẹ làng Đa Mai mang từng gánh bún, bánh lên trận địa phục vụ chiến sĩ, nhiều tấm áo rách được các mẹ khâu vá.
Đã từ lâu, cầu Sông Thương trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân Bắc Giang. Địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Hình ảnh cây cầu sắt bị bom Mỹ đánh sập năm 1966 hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang là bằng chứng, chứng minh tội ác chiến tranh mà giặc Mỹ đã gây ra.
Năm 2015, TP Bắc Giang đã cho xây dựng Tượng đài Chiến thắng không quân Mỹ trong khuôn viên bên đầu cầu thuộc phường Trần Phú nhằm tri ân tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cầu, bảo vệ quê hương.
Đã hơn 100 năm kể từ khi xây dựng đến nay, diện mạo cây cầu vẫn mang hình dáng xưa nhưng thân cầu cũng đã bị hư hỏng nhiều lần và được tu sửa lại chắc chắn, cây cầu vẫn hiên ngang nối đôi bờ sông Thương bảo đảm mạch nối giao thông thuận lợi. Cầu Sông Thương không chỉ ghi dấu sự kiện lịch sử, nơi khắc ghi hình ảnh Bác Hồ về thăm công trường khôi phục đường xe lửa năm xưa mà đã là cây cầu mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)