Xúc tiến, quảng bá “Bắc Giang - Điểm đến xanh du lịch Việt Nam”
BẮC GIANG - Ngày 11/4, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức hội nghị giới thiệu, xúc tiến du lịch với chủ đề “Bắc Giang - Điểm đến xanh du lịch Việt Nam”.
![]() |
Đồng chí Phạm Văn Thủy phát biểu tại hội nghị. |
Tới dự có các đồng chí: Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch một số tỉnh, thành phố; các khu, điểm, công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang khẳng định, với hệ thống di sản phong phú, thiên nhiên ưu đãi và bản sắc văn hóa đặc trưng, Bắc Giang đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Công tác này luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
![]() |
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận. |
Bắc Giang hiện tập trung phát triển 4 loại hình du lịch chủ lực: Văn hóa - tâm linh; sinh thái - nghỉ dưỡng; vui chơi - thể thao; du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và làng nghề. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 3 triệu lượt khách; đến năm 2030 đón 7,5 triệu lượt khách, tổng thu 7,5 nghìn tỷ đồng.
Năm 2025, tỉnh Bắc Giang tiếp tục xác định công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch là một nội dung quan trọng để khai thác hiệu quả các tour du lịch liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, du lịch xanh theo hướng phát triển bền vững được tỉnh ưu tiên phát triển.
Hội nghị xúc tiến lần này nhằm xây dựng hình ảnh du lịch tỉnh Bắc Giang thông qua liên kết thành một hành trình du lịch xanh; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xây dựng, định vị thị trường, giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2025, giới thiệu các điểm đến du lịch trong tỉnh với du khách trong cả nước.
Tại đây, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá về du lịch Bắc Giang; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch xanh; chuyển đổi số; xây dựng, định vị thương hiệu du lịch. Các ý kiến nhận định: Dù có tiềm năng lớn, du lịch Bắc Giang vẫn đối mặt nhiều thách thức như: Công tác xúc tiến quảng bá còn yếu, thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các đơn vị; sản phẩm chưa đặc trưng, kinh tế đêm kém phát triển, hạ tầng và dịch vụ du lịch còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp, nhất là thiếu khu vui chơi, giải trí, cơ sở lưu trú. Việc gắn kết du lịch tâm linh, văn hóa với du lịch cộng đồng chưa hiệu quả, hoạt động còn mang tính mùa vụ, vai trò của người dân chưa rõ nét.
Từ đó, các chuyên gia đề xuất, để xây dựng thương hiệu du lịch, Bắc Giang cần xác định rõ phân khúc thị trường theo từng nhóm khách hàng để phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, tránh dàn trải nguồn lực, bảo đảm hiệu quả và hấp dẫn. Quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư cho du lịch và thu hút sự tham gia của người dân.
Nâng cấp có cơ sở vật chất, tiện nghi lưu trú, dịch vụ vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu của du khách đồng thời đổi mới quảng bá, giới thiệu điểm đến. Trong định hướng phát triển du lịch xanh, tỉnh nên tận dụng lợi thế về các loại trái cây đặc sản, từng bước định vị hình ảnh “vựa trái cây” của miền Bắc. Trái cây sẽ là điểm nhấn để xây dựng các biểu tượng du lịch, phát triển sản phẩm ẩm thực, tổ chức lễ hội gắn với các điểm đến văn hóa đã được UNESCO công nhận.
![]() |
Các đơn vị ký biên bản ghi nhớ phối hợp nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch. |
Phát biểu tại đây, đồng chí Phạm Văn Thủy đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế cùng sự quan tâm, nỗ lực của Bắc Giang trong phát triển du lịch. Đồng chí mong muốn tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc biệt dành cho doanh nghiệp đầu tư hoạt động du lịch. Tiếp tục bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể và khai thác nét văn hóa tâm linh, tập quán của đồng bào sinh sống tại địa phương để xây dựng sản phẩm đặc trưng.
Tập trung phát triển 2 sản phẩm chủ đạo là du lịch văn hóa tâm linh và dịch vụ, trong đó phục dựng, tái hiện con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Phát triển du lịch xanh gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tăng cường liên kết hoạt động truyền thông, quảng bá, tạo sức hút với khách du lịch.
Tại hội nghị, các đơn vị ký biên bản ghi nhớ phối hợp nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch, cung cấp dịch vụ, tạo hình ảnh du lịch Bắc Giang thân thiện, mến khách.
Ý kiến bạn đọc (0)