Trao cơ hội việc làm để người dân thoát nghèo
BẮC GIANG - Để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Sơn Động (Bắc Giang) tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Với kiến thức, kỹ năng được trang bị và các nguồn lực hỗ trợ khác, nhiều lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định.
Chính sách trợ lực cho lao động
Trước đây, ông Vi Văn Ngọc, ở tổ dân phố Thượng 2, thị trấn An Châu từng xoay xở đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn chật vật, không thoát khỏi cảnh nghèo khó. Cách đây 3 năm, qua tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp do địa phương tổ chức, ông mạnh dạn tìm nghề mới với việc chăn nuôi thỏ thương phẩm.
Ban đầu, ông vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (nay là Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện) để làm trang trại. Vì ít vốn, lại sợ rủi ro nên ông chỉ dám mua 50 cặp thỏ bố mẹ về nuôi. Vừa tham gia học tại các khóa tập huấn kỹ thuật và rút kinh nghiệm từ thực tế, ông chủ trang trại dần tìm được cách chăm sóc phù hợp. Chỉ về đàn thỏ sắp được xuất bán, ông cho biết: “Sau khi nuôi khoảng 6 tháng, thỏ bắt đầu sinh sản; mỗi năm từ 6-8 lứa, mỗi lứa từ 5 - 6 con. Nếu biết cách chăm sóc thì chỉ sau từ 4 - 4,5 tháng nuôi có thể đạt hơn 2 kg/con. Đến nay, khi trang trại hoạt động ổn định, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán hơn 100 con, trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng 10 triệu đồng".
Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của ông Vi Văn Ngọc, tổ dân phố Thượng 2, thị trấn An Châu. |
Cũng nhờ có thêm việc làm nên cuộc sống của vợ chồng anh Hoàng Văn Quyết, dân tộc Nùng, ở thôn Trại Răng, xã Cẩm Đàn những năm gần đây đã bớt khó khăn. Gia đình anh có hơn 2 ha trồng keo, gần 100 cây vải thiều đang phát triển tốt. Ngoài ra anh còn có nghề "tay trái" là nhận chăm sóc rừng trồng cho các hộ sản xuất quy mô lớn. Công việc của nhà nông thường xuyên phải sử dụng các loại máy nông nghiệp song nhờ có kiến thức từ những buổi tham gia học nghề đã giúp anh nắm được nguyên lý hoạt động, kỹ thuật vận hành và cách khắc phục sự cố thường gặp (như lỗi tụt hơi, hỏng bơm cao áp). “Trước đây, khi máy hỏng tôi phải nghỉ làm, vừa mất công đi lại, vừa mất việc vì phải mang máy đi sửa ở tận xã bên cách vài cây số. Còn nay có nghề trong tay tôi có thể xử lý nhanh tại chỗ, công việc ít khi bị gián đoạn”, anh Quyết chia sẻ.
Chọn nghề phù hợp
Cùng với các chính sách đặc thù phát triển hạ tầng KT - XH, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Sơn Động luôn xác định giúp người dân có kiến thức, kỹ năng nghề, việc làm mới, tạo thu nhập ổn định chính là trao cho họ chiếc “cần câu” hiệu quả nhất để giảm nghèo bền vững.
Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các chính sách về lao động, việc làm đã góp phần nâng cao tiêu chí về thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện. Giai đoạn 2020-2023, tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Động giảm bình quân 5%/năm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra là giảm 2,5 - 3%/năm.
Dù đã có những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo song so với mặt bằng chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Động vẫn còn cao (hiện còn 15,59%). Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, Sơn Động ra khỏi danh sách huyện nghèo, UBND huyện đẩy mạnh phân cấp cho các ngành, đơn vị chuyên môn, UBND xã, thị trấn bám sát chức năng, nhiệm vụ, tập trung giải ngân vốn đầu tư, triển khai các dự án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu của người dân và đặc thù vùng phát triển cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tập huấn, trang bị kiến thức phát triển kinh tế cho lao động nông thôn tại xã Thanh Luận. Ảnh CTV. |
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Qua nắm bắt từ thực tế nhiều lao động thiếu vốn nên không thể triển khai các mô hình sản xuất. Bởi vậy huyện tập trung chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị xã hội song song với việc mở các lớp nghề phù hợp với nhu cầu cần làm tốt công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi, tư vấn, giới thiệu sản phẩm ra thị trường ".
Thực hiện chỉ đạo của huyện, mới đây Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã khảo sát đối với hơn 64 nghìn người lao động, thu thập thông tin về trình độ giáo dục, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình trạng tham gia hoạt động kinh tế (có việc làm, thất nghiệp, không tham gia hoạt động kinh tế). Kết quả điều tra giúp địa phương có thêm căn cứ để mở các lớp dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức phát triển sản xuất, tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với từng đối tượng.
Chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm phát huy hiệu quả giúp người dân Sơn Động có điều kiện xây dựng nông thôn mới. |
Năm nay, từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, huyện được phân bổ hơn 4 tỷ đồng, dự kiến tổ chức 25 lớp đào tạo nghề cho khoảng 750 lao động nông thôn; tổ chức cung cấp thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động.
Với sự tích cực của các cấp, ngành, từ đầu năm đến nay đã có 6 lớp đào tại nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng được khai giảng thu hút 180 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo các xã: Đại Sơn, Giáo Liêm, Lệ Viễn, hai thị trấn An Châu và Tây Yên Tử.
Năm nay, huyện được phân bổ hơn 4 tỷ đồng dự kiến tổ chức 25 lớp đào tạo nghề cho khoảng 750 lao động nông thôn. Cùng đó đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động. |
Các nghề được lựa chọn đưa vào chương trình đào tạo là: Sửa chữa máy nông nghiệp, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Anh Vi Văn Siệu, dân tộc Nùng, ở thôn Đồng Chanh, xã Đại Sơn đang tham gia lớp đào tạo chăn nuôi thú y do Công ty TNHH cung ứng nhân lực Phương Lan tổ chức nói: “Gia đình tôi mới thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Tham gia lớp học này, tôi muốn có kiến thức sử dụng thuốc thú y đúng cách để chăn nuôi gà, lợn, bò khỏe mạnh, năng suất cao”.
Được biết, thời gian tới, huyện Sơn Động tiếp tục lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ để giúp người dân thoát nghèo bền vững trên cơ sở tiếp cận đủ 6 nhóm dịch vụ xã hội cơ bản theo bộ tiêu chí giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 (gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin). Đặc biệt là quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số. Chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với tổ chức tín dụng rút ngắn thời gian, hồ sơ, nhanh chóng giải ngân vốn vay ưu đãi để người dân yên tâm với công việc mới, nâng cao chất lượng đời sống.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)