Thực hiện Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: Đường thôn, xã được mở rộng
Cứng hóa đường vượt mục tiêu
Nghị quyết số 113 đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển hệ thống kết cấu giao thông tương đối hoàn chỉnh, hiện đại với ít nhất 80% đường thôn, xã được cứng hóa mặt đường. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu trên, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao để thực hiện.
Đường thôn An Lập, xã Ngọc Lý (Tân Yên) được cứng hóa, mở rộng. |
Huyện Tân Yên là điểm sáng trong cứng hóa đường giao thông nông thôn (GTNT). Ông Nguyễn Đức Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Yên cho biết: “Địa phương có tổng chiều dài đường xã gần 190 km. Đến thời điểm này, các xã, thị trấn đã cứng hóa bê tông mặt đường đạt 100%. Đường thôn cứng hóa hơn 948/960 km, đạt hơn 98,7%.
Mặt đường thôn trước đây phần lớn rộng 2,5 m nhưng sau khi cải tạo, xây mới được mở rộng lên từ 3,5-7 m. Trong đó, nhiều xã đã hoàn thành cứng hóa 100% đường thôn, xã như: Cao Xá, Ngọc Thiện, Ngọc Vân, Ngọc Lý…”. Xã Cao Xá có khoảng 7 km đường trục xã, 16 km đường liên thôn, đường trục các thôn dài khoảng 35 km.
Trước đây, đường trong xã cơ bản nhỏ, xuống cấp, thậm chí nhiều thôn chủ yếu là đường đất, người dân đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, từ năm 2017, thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện, xã đã có Nghị quyết chuyên đề, áp dụng mức hỗ trợ 70 triệu đồng/km đường GTNT, triển khai đến toàn bộ các thôn. Có nguồn kinh phí hỗ trợ, phong trào làm đường GTNT trong xã diễn ra sôi động. Đến nay, địa phương đã bê tông hóa xong các đường trục xã, thôn, bảo đảm tối thiểu mặt đường rộng 3,5 m.
Theo số liệu rà soát của Sở Giao thông - Vận tải, đến nay, toàn tỉnh đã cứng hoá được hơn 1.695/1.724 km đường xã, đạt hơn 98,3%; đường thôn cứng hoá hơn 7.664/8.238, đạt hơn 93%; vượt so với mục tiêu NQ số 113 đề ra đến năm 2030 từ 13- 18,3%. |
Tại huyện Lạng Giang, phong trào cứng hóa đường thôn, xã cũng được triển khai rộng khắp. Toàn huyện hiện có 21 xã, thị trấn.
Đến nay, các xã đã cứng hóa được hơn 1.117/1.215 km đường trục thôn, ngõ xóm, đạt 92%; cứng hóa 242 km đường xã, đạt 100%. Tương tự, các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa… tỷ lệ cứng hóa đường thôn đạt hơn 90%, đường xã đạt 100% tổng chiều dài đường thôn, xã của toàn huyện.
Theo số liệu rà soát của Sở Giao thông - Vận tải, đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa được hơn 1.695/1.724 km đường xã, đạt hơn 98,3%; đường thôn cứng hóa hơn 7.664/8.238 km, đạt hơn 93%, vượt so với mục tiêu Nghị quyết số 113 đề ra đến năm 2030 từ 13- 18,3%.
Dồn lực làm đường GTNT
Bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông - Vận tải cho biết, xác định giao thông có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương, thời gian qua, Sở đã tập trung cao để triển khai thực hiện Nghị quyết số 113 của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, cùng với mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, Sở tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phong trào cứng hóa đường GTNT.
Được biết, để nâng tỷ lệ cứng hóa đường GTNT, ngoài nguồn hỗ trợ 100% kinh phí mua xi măng của tỉnh (theo Nghị quyết số 07/2017/NQ- HĐND quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn, giai đoạn 2017-2021 và Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07), các huyện, TP còn tích cực bố trí ngân sách đầu tư cứng hóa đường.
Kinh nghiệm của một số đơn vị cho thấy, hằng năm các địa phương tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đấu giá quyền sử dụng đất ở để tăng nguồn thu cho ngân sách. Trên cơ sở đó, ưu tiên bố trí nguồn lực này đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường GTNT. Điển hình như các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, mỗi năm bố trí từ 100-150 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất để làm đường giao thông.
Cùng với những giải pháp trên, các huyện còn thực hiện một số biện pháp phù hợp, linh động để phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, tham gia hưởng ứng của nhân dân; phát huy tính dân chủ và thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Người dân thấy được hiệu quả cụ thể của chủ trương, chính sách hỗ trợ cứng hóa đường GTNT là vì nhân dân nên tích cực vào cuộc.
Theo đó, nhiều hộ không chỉ góp công, góp của mà còn tự nguyện hiến hàng trăm nghìn m2 đất làm đường. Việc làm này đã giảm đáng kể chi phí đầu tư cho công trình bởi nhà nước không phải chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các nhà thầu cũng sớm có mặt bằng thi công, đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong thực tế.
Nhiều huyện như: Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng, Việt Yên… còn gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với kết quả thực hiện cứng hóa đường GTNT. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên kiểm điểm tiến độ, đôn đốc đơn vị thi công huy động máy móc, nhân lực tham gia thi công để sớm đưa công trình vào sử dụng.
Với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự chung tay của người dân, hệ thống đường giao thông của các xã, thôn trên địa bàn nhiều huyện đến nay cơ bản được nâng cấp, mở rộng khang trang, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)