eMagazine
Thứ 7: 11:27 ngày 29/10/2022
Thứ 7: 11:27 ngày 29/10/2022
bacgiang-emagazine
{keywords}
{keywords}

Những ngày này, Lục Nam đang thi đua chạy nước rút Chiến dịch 65 ngày cao điểm về đích nông thôn mới. Cả huyện như có hội. Các tiêu chí cơ bản đã hoàn thành. Về xã cùng nhân dân trồng đường hoa ngày chủ nhật, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ: “Lục Nam xây dựng huyện nông thôn mới, công đầu là của nhân dân. Sức dân mạnh như nước. Không có sự chung sức đồng lòng của người dân thì huyện khó có thể về đích được”.

{keywords}
{keywords}

Trong bốn huyện của Bắc Giang có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Lục Nam là huyện đầu tiên đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; không những thế, còn về đích sớm trước hai năm.

Tại thời điểm huyện quyết tâm tăng tốc về đích, còn 7 xã chưa đạt chuẩn, mà toàn tiêu chí khó. “Không phải huyện không lường trước được những khó khăn, thách thức nhưng nếu cứ chần chừ, không quyết tâm thì đến hết nhiệm kỳ khó khăn cũng chưa hết. Phải dựa vào dân, tin dân, khơi dậy sức mạnh nội lực trong dân thì chắc chắn mọi việc sẽ thành công”- Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Kim Dung bày tỏ.

{keywords}
{keywords}
{keywords}
{keywords}
{keywords}

Cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Lục Nam ra quân dọn vệ sinh môi trường, làm đẹp đường làng ngõ xóm.

Yên Sơn là một trong 7 xã buộc phải về đích nông thôn mới đợt này. Xã có xuất phát điểm thấp, nhiều cái khó và đặc biệt là trường mầm non xuống cấp, diện tích hẹp, không đủ điều kiện để công nhận trường chuẩn quốc gia.

Đồng chí Vũ Văn Sơn- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được “tung” về, tăng cường sức mạnh cho xã. Trong Chấp hành, Thường vụ, Thường trực đồng thuận; bà con phấn khởi.

{keywords}
{keywords}

Hoa được trồng khắp đường làng ở Yên Sơn.

“Thử thách nhất với tôi lúc đó là tìm đâu được khoảnh đất rộng để xây trường mầm non. Tìm xong rồi thì làm thế nào để giải phóng mặt bằng, tiền đâu để san lấp, xây trường trong thời điểm gấp như vậy”- Bí thư Sơn kể lại.

Sau khi khảo sát, xã chọn khu đất ở thôn Nội Đình, ngay trung tâm. Điều đó cũng có nghĩa phải vận động 24 hộ dân giải phóng mặt bằng hơn 10.000 m2, trong khi đất Yên Sơn đang “sốt”, tăng giá từng ngày.

{keywords}
{keywords}

Mời Chi ủy thôn lên bàn và giao việc, ông Dương Đồng Vân- Bí thư Chi bộ cười khà khà như không có việc gì, bảo: “Các đồng chí cứ yên tâm, chỉ một tháng là chúng tôi hoàn thành”.

Ông Vân làm Bí thư Chi bộ thôn Nội Đình từ năm 2011 đến nay. Duy chỉ có nhiệm kỳ 2015-2017 ông bận việc gia đình không tham gia, nhiệm kỳ sau đảng viên lại “bắt” làm tiếp, ông vui vẻ nhận lời vì ông bảo: “Làm cấp ủy ở đây sướng nhất, nhàn. Cấp ủy được dân tin. Đảng tin dân, dân tin Đảng”.

{keywords}

Đình thôn Nội Đình vừa được tu sửa từ sự đóng góp của nhân dân.

Trở lại chuyện giải phóng mặt bằng xây trường mầm non, nhận với xã vậy để động viên lại cấp trên, chứ ông Vân lo ra mặt, mất ngủ mấy hôm. Chi ủy bàn bạc, phân công theo chiến thuật: Bí thư đi trước tới nhà dân vận động, hôm sau tới trưởng thôn, hôm sau nữa tới trưởng ban công tác mặt trận, mưa dầm thấm lâu!

Trong danh sách 24 hộ phải thu hồi đất giải phóng mặt bằng, có gia đình bác ruột ông Vân. Ông quyết định vận động từ trong nhà, dù biết bác lớn tuổi, bao đời thâm canh ở đó, sẽ rất khó khăn. Tối đó, chả biết ông thủ thỉ thế nào mà sáng sớm hôm sau, ông đã cho gọi người tới chặt cây, đổ đất, cơ bản giải phóng xong toàn bộ 800 m2 khu đất nhà bác mình.

{keywords}
{keywords}

23 hộ còn lại, ngay buổi trưa hôm đấy, ông đi một lượt, lấy gương gia đình, rồi nhà cụ Cẩn 65 năm tuổi Đảng đã đồng ý ra, thế là hoàn thành. Đồng chí trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận… mất lượt, không phải đi vận động nhân dân như đã phân công nữa.

Đáng nói hơn là ba tháng sau, xã mới có tiền đền bù trả cho dân. Người dân vui vẻ giao mặt bằng hơn 10.000 m2 cho xã chỉ bằng niềm tin; có lẽ chuyện chỉ có ở Nội Đình.

{keywords}

Lãnh đạo xã Yên Sơn và người dân thường xuyên tới kiểm tra, giám sát việc xây dựng trường mầm non. 

Giờ sau 8 tháng, từ lúc manh nha chủ trương tới hiện thực, trường đã sắp xây xong. Người dân hằng ngày vẫn cùng cán bộ xã, thôn ra đó giám sát, trông coi công trình. Hôm gặp chúng tôi, có bác vẫn đùa bảo: “Nghĩ lại, sao mình cả tin, dễ tính thế, đã cho xã lấy đất còn cho chịu tiền. Đúng là niềm tin của chúng tôi luôn đặt đúng chỗ, ai cũng vui”.

{keywords}
{keywords}

Cũng câu chuyện về niềm tin, sức mạnh lòng dân, chuyện làm đường giao thông ở các xã trên đèo của huyện Lục Ngạn có thể gọi là kỳ tích.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng đổ bê tông phẳng phiu sạch sẽ, hai bên đường hoa cúc vàng, chiều tím gặp nắng thu bừng sắc, cảm giác ở đâu cũng có thể là góc “sống ảo” xinh xẻo được, anh Nông Văn Phụng- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cấm Sơn phấn chấn: Thực sự vẫn như trong mơ. 7 năm về trước, cả xã không có nổi một đoạn đường nhựa nào. Vậy mà chưa đầy 5 năm, toàn bộ 37 km đường thôn đường xã được bê tông hóa, đúng là ý Đảng hợp lòng dân, không việc gì không thành.

{keywords}
{keywords}

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cấm Sơn Nông Văn Phụng giới thiệu về những con đường mới đầy hoa ở xã.

Cấm Sơn xa trung tâm huyện Lục Ngạn 40 km, bà con gọi đây là nơi rừng xanh núi đỏ không sai. Nếu dưới xuôi làm đường giao thông khó một thì nơi đây khó gấp nhiều lần bởi đường sá vừa dốc vừa hẹp, bên núi bên hồ.

{keywords}
{keywords}

Năm 2017, lần đầu tiên, tỉnh Bắc Giang có chính sách hỗ trợ 100% xi măng cho các xã làm đường giao thông. Nhân đà này, huyện “mạnh tay” chi thêm 150 triệu đồng/km cho các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để kích cầu. Thấy rõ cơ hội có một không hai, xã, thôn vào cuộc, họp triển khai ngay lập tức.

Tuy nhiên, tính lên tính xuống, cả hỗ trợ xi măng của tỉnh và tiền của huyện cũng chỉ đủ một nửa; còn lại dân phải đối ứng. Lúc đó, Cấm Sơn 2/3 dân số là hộ nghèo, tiền ăn còn không có, sao có tiền làm đường. Chưa kể, tâm lý của bà con dân tộc lâu nay quen với việc được Nhà nước bao cấp, hỗ trợ, rất khó.

{keywords}
{keywords}

Là thôn khởi điểm phát động làm mẫu đầu tiên, ông Nông Thanh Hà- Bí thư Chi bộ thôn Họa kể lại: Cấp ủy chúng tôi tới từng nhà dân, phân tích cho bà con thấy được nhiều cái lợi khi con đường được mở. Đơn cử như muốn bán vải thiều, đường xấu, bà con mang tới huyện hết gần nửa ngày đường, vải mất mã, mình mất tiền. Đường đẹp đi tiếng đã đến nơi, thậm chí xe ô tô về tận vườn thu hái, giá trị hơn nhiều.

Gương mẫu từ nhà cán bộ đảng viên, bà con dần xuôi theo. Thôn ra nghị quyết, mà chắc từ xưa tới nay, chưa bao giờ có với đồng bào dân tộc; sau người dân gọi tắt là nghị quyết “nhiều không”: Không đền bù, không hỗ trợ và không đồng.

{keywords}
{keywords}
{keywords}

100% đường liên thôn, liên xã của huyện Lục Ngạn đã được cứng hóa. 

Nhà ông Hoàng Thanh Hải- đảng viên xung phong trước, phá bỏ cả vạt đồi vải gần trăm cây, hơn 20 năm tuổi. Phá xong, diện tích đất nhà ông hiến sâu vào gần 2m, dài tít tắp 200 m. Dân ngỡ ngàng, chỉ có phát quang không đã thấy rộng thênh thang, thế là bảo nhau làm. Nghị quyết “nhiều không” nhanh chóng được triển khai, không những không mà còn thêm có, đó là nhiều gia đình con cháu làm ăn xa, dư dả còn ủng hộ thôn, xã thêm cả tiền.

{keywords}
{keywords}

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn Cao Văn Hoàn, khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện trực tiếp chỉ huy phong trào này cho biết: Từ nghị quyết “nhiều không” ở thôn Họa, lan ra xã Cấm Sơn và toàn bộ các xã trên đèo, các xã vùng cao, khó khăn của huyện. Cả huyện ra quân làm đường như một công trường lớn.

Nhiều nhà hiến cả vạt đồi, nhà hiến vài chục cây vải, cây nhãn, vài chục m2 đất là chuyện bình thường. Đến nay, sau 5 năm, Lục Ngạn đã làm được 1.500 km đường giao thông, toàn bộ đường liên thôn, liên xã của huyện đã được bê tông hóa, quả là một kỳ tích. Đáng trân trọng nữa là 5 năm làm đường, cả huyện không phải giải quyết một lá đơn khiếu kiện nào về việc này.

Mấy năm nay, dù khó khăn do dịch bệnh Covid, có nơi phải “ngăn sông cấm chợ” cách ly song quả vải thiều Lục Ngạn vẫn bon bon xuất ngoại, được mùa được giá. Đặc biệt, ở các xã vùng trên đèo như Cấm Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp…, bà con còn biết thâm canh, rải vụ, cho vải ra chín muộn. Đường đẹp, vải tươi, tư thương tấp nập vào ra thu hái, cuộc sống của bà con nơi đây đang thực sự bừng sáng, khởi sắc bền vững.

{keywords}

Cam, bưởi của nhân dân được tiêu thụ dễ dàng và được giá hơn nhờ giảm thời gian vận chuyển, xe ô tô có thể vào tận vườn thu hái. 

{keywords}
{keywords}

*

Trên những cung đường đèo mùa thu của Lục Ngạn mà chúng tôi đã qua hay những con đường hoa nở rộ của Lục Nam đang về đích nông thôn mới mà chúng tôi đã gặp, thấy sự vui tươi trong ánh mắt của người dân, sự gần gũi, hòa quyện giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới.

{keywords}

Nông thôn mới Bắc Giang hôm nay.

Bài học lịch sử của cha ông xưa “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” áp dụng vào hôm nay vẫn nguyên giá trị. Bởi khi Đảng tin dân, dân tin Đảng, Đảng ở trong dân, được lòng dân thì “cuộc đời sẽ nở hoa”./.

(Còn nữa)

THU HƯƠNG - HỮU TRÌNH
NGỌC NHI