Những đảng viên ở vùng sâu vùng xa tỉnh Bắc Giang mà chúng tôi gặp, từ lão đảng viên 73 năm tuổi Đảng bám bản giữ rừng giữa lòng hồ Cấm Sơn tới lớp đảng viên trẻ, bí thư chi bộ 9X ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn đều có một điểm chung, đó là sự tin yêu, một lòng với Đảng.
Dù phải trèo đèo lội suối, dù phải lo áo cơm bận rộn, chưa bao giờ họ bỏ sinh hoạt Đảng. Những cuốn sổ ghi nghị quyết họp chi bộ đều chằn chặn ngày Đảng nhật mùng 3 hằng tháng, những cuốn sổ ghi nhật ký làm theo Bác ngày một dày lên…
Đưa áo phao cho chúng tôi mặc, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải (Lục Ngạn) Vi Văn Sáo- dân tộc Nùng thủng thẳng nói: “Từ đây vào Đồng Mậm xa đấy, gần một tiếng đi thuyền, nhiều đoạn sâu hàng chục mét, biết bơi hay không các anh chị cứ mặc vào”. Tiếng thuyền máy nổ giòn, rẽ nước khỏa nắng đi.
Cấm Sơn là một trong số hồ thủy nông lớn của miền Bắc, nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Lục Ngạn nhưng duy chỉ có thôn Đồng Mậm nằm biệt lập giữa lòng hồ. Xưa “ốc đảo” này được biết đến với nhiều cái không: Không điện, không đường, không trường, không trạm; nghèo nhất nước. Nay khá hơn nhưng mỗi lần vào đây vẫn phải đi mất cả ngày. Trẻ con đi học bằng thuyền nên lên 5, 6 tuổi, chúng đã biết chèo thuyền, như bọn trẻ dưới xuôi biết đi xe đạp.
Đường vào thôn Đồng Mậm, xã Sơn Hải.
Bí thư Chi bộ thôn Giáp Văn Phụ chờ sẵn chúng tôi ở con lạch nhỏ. Lại tiếp tục đi xe máy, men theo đường mòn chỉ vừa cái bánh xe, chúng tôi tới nhà ông Giáp Trọng Kiên, được bà con nơi đây xem như “linh hồn” của đảo.
Ông Kiên là người không xa lạ với báo chí địa phương. Những năm 60 của thế kỷ trước, khi là xã đội trưởng, ông chỉ huy dân quân bắt 7 tên giặc lái Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen.
Ở tuổi 93, ông có 73 năm tuổi Đảng, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông là lớp đảng viên đầu tiên của vùng lòng hồ Cấm Sơn và cũng là một trong những người có công khai hoang, lập nghiệp trên mảnh đất này. Năm 1970, ông làm Bí thư Đảng ủy xã cho đến năm 1985 nghỉ hưu.
Chân dung ảnh Bác Hồ, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng được ông Kiên treo trang trọng để giáo dục truyền thống cho các con, các cháu.
“Khi tôi nghỉ hưu, Đồng Mậm chưa thành lập được chi bộ vì chưa có đảng viên. Cả thôn có vài chục hộ, sống rải rác quanh đảo, tự cung tự cấp. Con cháu động viên bảo tôi ra trung tâm xã ở, có trái gió trở giời gì còn gần trạm y tế nhưng tôi không chịu. Nếu tôi bỏ đảo, bỏ hồ, cả đảo mà không có đảng viên, không có chi bộ thì rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo, chia rẽ, không ai trông coi rừng, trông coi nguồn nước này”- Ông Kiên tâm sự.
Từ trong nhà mình, ông giáo dục, bồi dưỡng con trai là anh Giáp Hồng Đăng (hiện là Chủ tịch UBND xã Sơn Hải) cảm tình Đảng. Sau ông đi từng nhà, vận động từng người, nhất là lớp thanh niên trẻ chung vai gánh vác việc thôn, trở thành người của Đảng, nối tiếp truyền thống xã anh hùng.
- Năm 1990, Chi bộ Đồng Mậm được thành lập, trùng thời gian cháu nội tôi ra đời. Tôi đặt tên nó là Vững, những mong sau này chi bộ luôn vững mạnh và nó sẽ tiếp nối, trở thành đảng viên. Ba năm sau, em thằng Vững, tôi đặt là Mạnh. Giờ chi bộ luôn vững mạnh, hai thằng Vững, Mạnh đều là đảng viên. Cả đời theo Đảng, tôi toại nguyện lắm rồi!
Từ không đảng viên, cô lập giữa ba bề bốn bên là núi, là hồ, là rừng với cái đói, cái nghèo bao quanh, giờ ốc đảo này đã có Chi bộ Đảng với 11 đảng viên, là điểm sáng trong việc lãnh đạo bà con phát triển kinh tế, giữ nước, giữ rừng.
Hằng ngày ông Kiên vẫn tự lái thuyền đi kiểm tra rừng trên hồ Cấm Sơn.
Đồng bào nơi đây ngoài trồng rừng, cây ăn quả, đánh bắt thủy sản từ lòng hồ còn biết liên kết, bảo nhau làm du lịch. Vững, Mạnh cũng ở lại lòng hồ, cùng bà con trong vùng liên kết thành Hợp tác xã Du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn, tạo việc làm và mở ra hướng làm ăn mới cho người dân.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tới thôn Nam Bồng (xã Tuấn Đạo, Sơn Động) là đội ngũ cấp ủy trẻ măng, thế hệ 9X. Cả chi ủy 3 đồng chí đều chưa tới 30 tuổi nhưng mọi phong trào, hoạt động của thôn đều nhất xã, nhiều cái nhất huyện. Từ lúc ở trên huyện, chúng tôi đã được nghe giới thiệu như vậy.
Bí thư Chi bộ Nguyễn Như Dương- sinh năm 1993, mới 29 tuổi song đã hai nhiệm kỳ tham gia cấp ủy, làm Bí thư.
Dương là người học hành bài bản. Tốt nghiệp Trường Đại học Nông- Lâm Bắc Giang, đang làm hồ sơ thi tuyển công chức ở tỉnh thì bố anh gọi điện bảo: “Con về quê đi! Ở quê việc không thiếu, chỉ cần cù là có tiền. Chưa kể con được ăn học, vừa làm kinh tế, con còn có thể giúp bà con”.
Phủ xanh đất rừng ở vùng cao Sơn Động.
Nghe xuôi xuôi, Dương về quê trồng rừng, làm công tác Đoàn. Trồng đôi năm, đồi nhà anh đã xanh mướt keo, bạch đàn. Anh vận động nhiều thanh niên trong thôn trồng theo, ai cũng ham.
Khi làm cán bộ Đoàn, thấy bố và các bác đảng viên gương mẫu, tập hợp được bà con, Dương rất phục! Có những việc như mấy năm trước, nhiều hộ di cư, chuyển từ Trường bắn TB1 về thôn. Đời sống xáo trộn, đồng bào dân tộc này dân tộc kia, thậm chí có cả cục bộ, “ma cũ bắt nạt ma mới”, thế mà chi bộ, đảng viên tuyên truyền, giải thích thế nào, dân đồng thuận, bảo nhau cùng làm ăn, lo phát triển kinh tế, tình làng nghĩa xóm gắn kết.
Năm 2016, Dương vinh dự được kết nạp vào Đảng, sau ba năm về quê, phấn đấu. Năm 2020, Dương được bầu làm Bí thư chi bộ, tiếp quản công việc của bố mình. “Em cũng áp lực lắm nhưng cũng tự hào vì được tiếp bước cha anh. Và em tự hứa, sẽ cố gắng”.
Sang nhiệm kỳ thứ hai làm Bí thư Chi bộ, cùng đội ngũ cấp ủy đều trẻ trung, tâm huyết, Nam Bồng làm được nhiều việc nhưng huyện, xã nhắc nhớ đến tiêu biểu là việc bảo vệ rừng. Chi bộ có nghị quyết chuyên đề về quản lý, bảo vệ, giao khoán rừng đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên. Cứ hai đảng viên phụ trách 10 hộ, theo khoảnh rừng được giao; rừng làm sao là gắn trách nhiệm với đảng viên đó. Chi bộ 16 đảng viên, 82 hộ, chia ra vừa đủ. Cách làm này đã đưa đảng viên đến gần dân, sát dân, dân vì thế có muốn chặt phá rừng cũng ngại. Nhiều năm nay, Nam Bồng chỉ có trồng thêm rừng chứ không có chuyện phá, đời sống nhân dân ngày một đi lên.
- Chi bộ có bố, các bác, các chú lớn tuổi, có người tuổi Đảng lớn hơn cả tuổi đời của em nhưng chi ủy đoàn kết, đảng viên đồng lòng, ai cũng vì việc chung, tin vào Đảng. 15 năm liền, Nam Bồng là chi bộ trong sạch vững mạnh, tiêu biểu ở vùng cao Sơn Động- Dương khoe.
Tới các chi bộ thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang, chúng tôi thường quan tâm việc ghi sổ nghị quyết chi bộ. Từ sổ nghị quyết, có thể nắm được chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân như thế nào và chất lượng sinh hoạt ra sao.
Một điều làm chúng tôi rất cảm kích đó là các chi bộ dù ở vùng sâu vùng xa đều họp vào ngày Đảng nhật- mùng 3 hằng tháng, đều chằn chặn và chỉ báo tới đảng viên khi hoãn, còn lại, cứ thế sinh hoạt.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tuấn Đạo (Sơn Động) Nguyễn Hồng Phương cho biết: Trước kia không có điện thoại, zalo nhóm thì quy ước trong chi bộ, cứ đến chiều mùng 3 là sinh hoạt. Giờ thực hiện quy định cán bộ đảng viên ở xã sinh hoạt tại chi bộ nông thôn nơi cư trú, việc sinh hoạt chi bộ càng nghiêm túc và chất lượng hơn.
Ở Tuấn Đạo, có những nơi đầu thôn cuối thôn cách nhau cả quả đồi, đi lại rất khó khăn. Đảng viên nông thôn nhiều người cao tuổi, nếu nội dung sinh hoạt chi bộ không tốt, không thiết thực, chắc sẽ có người nêu lý do để xin miễn sinh hoạt. Đảng viên trẻ cũng thế, mải làm ăn, nếu chỉ đến điểm danh, họ cũng sẽ báo bận.
Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tuấn Đạo Nguyễn Hồng Phương thường xuyên đi cơ sở, dự, chỉ đạo sinh hoạt chi bộ.
“Chúng tôi hướng dẫn các chi bộ chọn vấn đề, nội dung sinh hoạt làm sao đúng nhất, trúng nhất, thật gần dân, sát dân; cái gì dân quan tâm, dân cần nhất thì mang ra bàn, chứ không chung chung và đặc biệt là mở sổ ghi nhật ký làm theo Bác, báo cáo trước chi bộ”- anh Phương trao đổi thêm.
Việc ghi sổ nhật ký làm theo Bác ở Tuấn Đạo và nhiều địa phương đã góp phần vừa phát hiện, vừa biểu dương việc tốt của đảng viên, tạo khí thế thi đua làm nhiều việc tốt trong mỗi người.
Chi bộ thôn Linh Phú tháng vừa rồi có 3 đảng viên làm việc tốt. Xã có sản phụ sinh con bị mất máu, lại thuộc nhóm máu hiếm, giữa đêm nhận được thông tin, 3 đảng viên của chi bộ đã xuyên đêm đến trạm y tế hiến máu, cứu sống cả hai mẹ con sản phụ, cả thôn, cả xã ai cũng khen.
Chi bộ thôn Sầy nhiều tháng nay làm đường giao thông. Tháng nào cũng có đảng viên báo cáo hiến đất, mở đường và vận động bà con, hàng xóm. Sổ ghi việc tốt ở các chi bộ cứ thế ngày một dày lên…
Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Sơn Động Nguyễn Văn Hồng dự sinh hoạt chi bộ cơ sở và tặng hoa chúc mừng đảng viên mới.
Cùng với Tuấn Đạo, Hộ Đáp là xã vùng đèo đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn đường sá rất cheo leo. Năm nay Đảng bộ xã phấn đấu kết nạp 6 đảng viên, giờ đã vượt 1, trong đó có 4 đảng viên trẻ nông thôn. Xã còn đặt chỉ tiêu 100% phó thôn là đảng viên vào năm 2025, đi trước cả mục tiêu chung của tỉnh, của huyện.
Cô và trò Trường Tiểu học Hộ Đáp trong giờ học.
Bí thư Đảng ủy xã Hộ Đáp Hoàng Văn Đáp cho biết: Tôi mới được huyện luân chuyển về xã từ đầu năm 2022, tháng nào tôi cũng đi dự sinh hoạt chi bộ cơ sở và đều thấy đảng viên dù cao tuổi, ít tuổi, dù ở gần hay ở xa đều đi họp rất đều, đúng giờ và đóng góp ý kiến rất trách nhiệm. Thực sự nếu không có niềm tin, tình yêu với Đảng, đảng viên nông thôn, đặc biệt đảng viên người dân tộc thiểu số sẽ không thể có một tinh thần nêu gương, trách nhiệm đến thế!
*
Tại nhà lão đảng viên 73 năm tuổi Đảng giữa ốc đảo, người dân vẫn gọi là “Đảo ông Kiên”, ông treo lá cờ đỏ sao vàng tươi thắm, như một dấu son đỏ giữa non ngàn. Ông bảo đó là mặt trời trong tim ông, nơi ông có một niềm tin yêu thiêng liêng với Đảng, không bao giờ phai nhạt./.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)