Xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn mấy ngày nay mưa nắng thất thường. Vừa nắng to đấy mà mưa ngay được. Đang ăn cơm, bà Lường Thị Lan vội chạy ra vườn cất tấm vải mới nhuộm chàm ban nãy. Bà bảo: Cứ phơi khô rồi lại nhuộm, phải chục lần như vậy mới thành vải. Vải này để may áo. Không có áo thì không đi hội hát được.
Không riêng nhà bà Lan, men theo các nhà tường trình ở bản Bắc Hoa, thấy nhiều nhà nhuộm vải, phơi áo chàm. Anh cán bộ văn hóa xã bảo: Bà con ở đây chủ yếu là dân tộc Nùng, đa phần vẫn giữ được nghề nhuộm chàm, vừa may áo, làm khăn cho mình, vừa mang ra chợ phiên bán. Đặc biệt, tới phiên chợ, đi hội hát, gần như 100% bà con mặc trang phục dân tộc, ai không có áo là xấu hổ không đi.
Bà Pèn (bên trái), bà Lan nhuộm và phơi chàm.
Có tiếng ai gọi với ở đầu nhà, Bí thư Chi bộ bản Bắc Hoa Lường Văn Viền quay ra trò chuyện một lúc rồi phiên dịch lại cho chúng tôi. Viền bảo: Hôm nay đúng phiên chợ, chợ ngày 12 âm lịch là đông nhất, có cả hát hội nên bà con rủ nhau đi. Các anh chị có muốn đi không, giờ vẫn kịp.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Sơn Hoàng Văn Chăm và Bí thư Chi bộ thôn Bắc Hoa Lường Văn Viền thăm gia đình bà Lan.
Chúng tôi lên xe, tới chợ đã 12 giờ trưa. Sau cơn mưa, nắng thu trong veo. Hàng quán đã vãn nhưng vẫn thấy từng tốp, từng tốp phụ nữ dân tộc Nùng đang soi gương, chỉnh lại khăn, áo chàm cho nhau để chuẩn bị hát.
Làm duyên.
Vừa quạt than nướng ngô nếp chín, bà Sọ- người bán hàng ở chợ vừa dặn trước chúng tôi: “Cái này là mời cán bộ ăn, không lấy tiền đâu. Từ sáng bán được hơn năm chục cái ngô rồi, lãi hơn bán rượu. Cán bộ nó nói phải thật. Thế mà trước cứ ghét nó”.
Câu chuyện từ bán rượu chuyển sang bán ngô của bà Sọ khiến chúng tôi hào hứng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Sơn Hoàng Văn Chăm trầm ngâm bảo, đó là một cuộc cách mạng, mà có lúc mỏi, nghĩ phải bỏ cuộc nhưng rồi kiên trì, nói phải, bà con cũng nghe.
Chợ vùng cao không giống như chợ miền xuôi đơn thuần là mua bán hàng hóa, chợ phiên Tân Sơn lại càng khác. Có người đi chợ từ sáng sớm tới tối mà chẳng mua bán gì, chỉ đi hội, đi hát và…uống rượu.
Áo chàm xuống núi.
- Nhiều bác nghiện rượu, trong túi chẳng có xu nào nhưng cứ đi một vòng khắp các hàng để thử rượu. Hàng nào cũng khà một chén, đến hàng cuối là chếnh choáng, bước thấp bước cao về. Hôm sau mỏi, không đi rừng được.- Anh Chăm kể.
Ngay như bố của Vi Văn Chèo- Trưởng thôn Bắc Hoa trước đây cũng rất thích đi chợ, vì đó là thói quen, đi xem, đi chơi và cả đi nếm rượu. Con trai nhắc, khuyên bảo toàn bị mắng.
Bà Sọ từ nãy nghe chuyện nói thêm vào:
- Phong tục, tập quán của đồng bào không bỏ đâu. Nhưng uống rượu là xấu, không khỏe, không vui, không đi rừng được. Người bán thì không có tiền, mang hai chục lít rượu đi chợ toàn người thử đã hết. Không có tiền mua gạo, mua thịt.
Anh Chăm bảo: Vận động thói quen bao đời của bà con không dễ. Không bán rượu thì bà con bán gì, lấy gì đi chợ. Chưa kể, những cụ cao tuổi, già làng còn bảo đó là nét văn hóa, bản sắc của đồng bào, không được phá bỏ. Mấy bác thèm rượu thì dỗi, bảo cán bộ làm thế là cán bộ không hiểu dân, không hiểu đồng bào.
Hàng ở chợ phiên chủ yếu là "của nhà làm ra".
- Chúng tôi động viên mấy bà chuyên bán rượu như bà Sọ, vẫn rượu ngô đấy nhưng mình nấu ít đi, để nhà uống là chính, còn lại chọn bắp ngô dẻo, ngon mang ra chợ luộc bán lấy tiền, không ai…thử được. Còn không thì nhà có gì mang ra chợ, con gà, chục trứng, bó củi, bán là có tiền mà vẫn được đi chơi chợ. Bà Sọ lúc đầu ghét cán bộ lắm, nói mãi mới chịu đấy!
Bà Sọ lấy tay che miệng quay đi cười rồi kể, từ ngày không nấu rượu, chuyển sang bán ngô, bà tiết kiệm mua được xe đạp cho thằng cháu đi học. Các bà xóm bên còn mấy người vẫn bán thì bị thử rượu nhiều hơn nên dần dà chán, cũng thôi. “Tôi bán ngô nhưng những ngày đầu vẫn bán thêm rượu. Chủ yếu là để cho mấy ông hay uống quen dần, uống ít đi. Ngay như bố thằng Chèo lúc đầu tức tôi lắm, cứ bảo “để tôi thử rượu cho” nhưng tôi mang ít, ít dần, rồi không mang. Sau ông ấy bỏ được rượu, chỉ đi chợ chơi, hát hội thôi”.
Hát hội xong, ai cũng vui.
Buổi chiều ở vùng cao xuống nhanh hơn. Những tốp người hát Soong hao thưa dần, bà con bên kia núi Kon Sọ, giữa lòng hồ Cấm Sơn đã vội về trước để kịp băng núi, chèo thuyền. Bóng áo chàm khuất dần nhưng câu chuyện về bà Lan nhuộm áo chàm, bà Sọ bỏ bán rượu, những phiên chợ vùng cao không còn cảnh người đàn ông say xỉn cứ đọng mãi.
Như lời bà Sọ bảo: “Cái gì tốt thì giữ, không tốt thì bỏ. Cán bộ là người của Đảng. Nó nói phải thì mình làm theo. Không bảo thủ mãi được”.
Buổi sáng ở bản vùng cao Bắc Hoa không khí thật trong lành. Mới từ sáng sớm, Trưởng thôn Vi Văn Chèo đã cùng bố ra ruộng hái dưa. Chèo trồng dưa chuột được 4 năm nay, là người đầu tiên ở thôn. Chỉ hơn 1 tiếng, hai bố con Chèo đã hái được hơn tạ dưa.
Buổi sáng ở bản Bắc Hoa.
- Gần tháng nay sáng nào em cũng đi hái dưa. Hôm nào có khách hẹn, em hái cả chiều. Ngày nhiều thu được 2, 3 tạ, ngày ít được hơn tạ. Trưa, chiều là có xe tải tới tận nhà mua, mỗi cân bình quân hơn 10 nghìn đồng. Cứ bán xong là em có hơn 1 triệu, 2 triệu cất đi.
Chèo bảo giống dưa chuột ưa ẩm, càng tưới nước ẩm quả càng sai, non mỡn. Nhà Chèo trồng ít, có 2 sào, chứ có nhà trồng nhiều 5, 6 sào, mỗi ngày thu hoạch 5, 6 tạ , lãi vài triệu là bình thường. Năm vừa rồi, cả thôn Bắc Hoa thu hoạch hơn 200 tấn dưa chuột. Mỗi ngày bán vài ba tấn, 6 điểm cân đặt sẵn tại thôn, xe tải ra vào nườm nượp, bà con cứ hái dưa, mang ra cân là có tiền.
Trưởng thôn Vi Văn Chèo đi hái dưa từ sớm và mang ra luôn một điểm thu mua sẵn ngay tại thôn.
Chèo cũng kể vì ham trồng dưa mà “lôi kéo” được bố bỏ rượu, ham làm vườn, đi rừng. Bà con trong thôn ban đầu chưa tin, thấy nhà trưởng thôn trồng thật, có lãi thật mới theo. Giấc mơ thoát nghèo không còn xa vời. Nhiều người tự nguyện tới thôn, xã bảo cán bộ cho xin thoát nghèo, không ỷ lại Nhà nước nữa.
Câu chuyện tìm hướng thoát nghèo cho mình và cho bà con của Vi Văn Chèo khiến chúng tôi nhớ tới giấc mơ không ly hương của chàng trai người Cao Lan Hoàng Văn Mau, xã Xuân Lương (Yên Thế). 28 tuổi, Mau đang là chủ Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan, chuyên sản xuất thịt gác bếp và lạp sườn, kết hợp du lịch cộng đồng.
- Em bươn chải khắp nơi. Vừa học Trường Trung cấp Kinh tế- Du lịch Hoa Sữa, tối đến em vừa đi làm thuê, phục vụ nhà hàng. Học xong em bám trụ ở Thủ đô 6 năm, làm hết nhà hàng nọ đến khách sạn kia. Sau vẫn thấy chưa đủ kinh nghiệm, em vào tiếp Sài Gòn học nghề, lên Tây Bắc. Ở Tây Bắc, em học được cách tẩm ướp gia vị của bà con dân tộc nên em quyết trở về quê khởi nghiệp- Mau kể.
Bản Nghè của Mau đất đồi rộng, đường sá gần đây đã được bê tông hóa, đi lại dễ dàng, sẵn có chính sách thu hút, cho vay vốn của đoàn thanh niên, Mau đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan với 8 thành viên, vừa trồng rau thủy canh, vừa làm đặc sản thịt gác bếp, lạp sườn và phục dựng nhà lán, trang phục đồng bào Cao Lan phục vụ khách du lịch.
“Sản phẩm thịt gác bếp Cao Lan của em vừa làm xong thủ tục chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, khách hàng quen dùng rồi nên chỉ cần đặt hàng qua mạng là em giao tận nơi, không có hàng tồn”- Mau khoe.
Hoàng Văn Mau giới thiệu sản phẩm lạp sườn mới ra lò.
Là người trẻ nên Mau tận dụng tối đa công nghệ vào bán hàng. Trang www.caolan.vn và Nông trại Cao Lan- Cao Lan Farmstay của Mau có hàng nghìn theo dõi, thỉnh thoảng Mau lại livestream (phát trực tiếp) công đoạn làm sản phẩm khiến người tiêu dùng yên tâm về chất lượng.
Chia tay chúng tôi, Mau tâm sự: Em vừa được đi học cảm tình Đảng. Em sẽ phấn đấu để sớm vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, cùng với lớp trẻ Cao Lan ở bản Nghè tự tin vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc đời mình.
*
Không ly hương, không bỏ đất bỏ ruộng, ở lại bám bản giữ rừng, Mau hay Chèo, hay Vững, hay Mạnh ở lòng hồ Cấm Sơn, hay bí thư chi bộ 9X Nguyễn Như Dương ở Tuấn Đạo và biết bao thanh niên dân tộc khác trên quê hương Bắc Giang mà chúng tôi chưa có dịp gặp gỡ vẫn đang từng ngày đánh thức những giấc mơ của mình và lan tỏa tới bà con, những người xung quanh cùng tiến bộ.
Như mạch nguồn chảy mãi, tiếp bước ông cha, hai anh em Vững, Mạnh ở lại bám bản, bám rừng, giữ nguồn nước sạch lòng hồ Cấm Sơn.
Có thể những giấc mơ đó chưa thực lớn, chưa thực mạnh để ngay lập tức cất cánh nhưng là động lực, là bước khởi đầu quan trọng cho những thành công, bứt phá sau này. Và họ chính là những người theo bóng cờ hồng, “lớp cha trước, lớp con sau”, son sắt một niềm tin, tiếp nối “người của Đảng” để xây dựng bản làng ngày một ấm no và hạnh phúc hơn./.
Ý kiến bạn đọc (0)