Quản lý, sử dụng hóa chất phòng dịch bệnh an toàn, hiệu quả
BẮC GIANG - Hiện nay, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn (gọi chung là hóa chất) được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực y tế. Để bảo đảm an toàn, hiệu quả, ngành Y tế tăng cường quản lý, chủ động dự phòng hóa chất, sẵn sàng xử lý, ngăn ngừa dịch bệnh.
“Lá chắn” bảo vệ sức khỏe
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 9/9 mực nước sông Cầu dâng cao khiến toàn bộ xã Vân Hà với hơn 2,3 nghìn hộ dân, gần 8,8 nghìn nhân khẩu bị cô lập. Thời gian ngập kéo dài, trên địa bàn có nhiều hộ làm nghề nấu rượu, tráng bánh đa, làm kẹo… nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ lớn. Để chủ động phòng ngừa, cùng với 25 kg Cloramin B dự trữ, Trạm Y tế xã Vân Hà được Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Việt Yên phân bổ 200 kg Cloramin B, Phòng Y tế huyện cấp 4 lít thuốc diệt muỗi, côn trùng. Ngay khi nước rút, Trạm Y tế xã tổ chức phun khử khuẩn, phun thuốc diệt muỗi, côn trùng tại các vị trí dễ phát sinh mầm bệnh; tổng vệ sinh, chôn lấp xử lý xác gia súc, gia cầm. Nhờ đó, sau khi lũ rút đến nay, trên địa bàn xã không có trường hợp bị mắc các bệnh truyền nhiễm như: Tay chân miệng, cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy…
Cán bộ TTYT huyện Yên Dũng hướng dẫn cán bộ Trạm Y tế xã Đồng Việt sử dụng phương tiện phun hóa chất diệt côn trùng. |
Bác sĩ Nguyễn Công Quý, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vân Hà chia sẻ: “Với phương châm không lạm dụng hóa chất, chúng tôi chỉ tổ chức phun tại các vị trí cần thiết như: Điểm tập kết rác; khu vực nước rút nhưng không thể thu dọn rác; nơi có xác gia súc, gia cầm chết. Công tác vệ sinh môi trường sau lũ phát huy hiệu quả, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”.
Thời gian gần đây, tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm trên địa bàn được kiểm soát tốt, không phát sinh các ổ dịch phức tạp, liên quan đến nhiều người. 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh chỉ có 78 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 321 trường hợp so với cùng kỳ; 299 trường hợp bị tay chân miệng, giảm 25 trường hợp so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm khác như: Cúm, tiêu chảy, thủy đậu... số bệnh nhân tăng song không nhiều. Để có được kết quả này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, cơ quan chuyên môn tỉnh, các huyện, thị xã, TP đã chủ động nắm bắt, kịp thời xử lý ngay khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên.
Điển hình, đầu tháng 10 vừa qua, sau khi tiếp nhận thông tin tại thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức (thị xã Việt Yên) xuất hiện một ca sốt xuất huyết, TTYT thị xã cấp cho Trạm Y tế xã 1 lít thuốc diệt muỗi để phun tại khu vực ca bệnh xuất hiện. Đến nay, xã Minh Đức không phát sinh ca bệnh mới. Trước đó, khi phát hiện một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu tại xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với TTYT huyện Hiệp Hòa tiến hành truy vết, đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly, đồng thời phun khử khuẩn tại các địa điểm ca bệnh và F1 lưu trú.
Bác sĩ Dương Minh Nam, Phó Giám đốc TTYT huyện Hiệp Hòa chia sẻ: “Để kịp thời xử lý khi phát hiện các bệnh truyền nhiễm, cùng với chuẩn bị đủ vật tư, Trung tâm thành lập tổ phản ứng nhanh, sẵn sàng lên đường hỗ trợ các xã, thị trấn phun khử khuẩn, hóa chất diệt côn trùng”.
Không sử dụng hóa chất y tế trôi nổi
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc CDC tỉnh, trên thị trường hiện bán rất nhiều hóa chất, chế phẩm sinh học dùng để diệt muỗi và các loại côn trùng khác. Các sản phẩm này rất đa dạng, trong đó được dùng phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay là chai xịt, hương trừ muỗi. Ngoài ra, còn có các chế phẩm diệt muỗi bằng nước hoặc bột hòa với nước để phun xịt và cao cấp hơn là tinh dầu xông đuổi muỗi. Tuy nhiên, nếu không hiểu biết hoặc ham giá rẻ rất dễ mua phải hóa chất độc hại núp bóng “thuốc diệt muỗi”, tinh dầu xông phòng diệt khuẩn, diệt côn trùng…
" Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người dân cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở và dùng các biện pháp tự nhiên để đuổi muỗi, côn trùng. Nếu bắt buộc phải sử dụng hóa chất thì nên mua ở những cửa hàng, đại lý có địa chỉ rõ ràng, có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, tem chứng nhận đạt tiêu chuẩn". Bác sĩ Lê Tiến Cương. |
Mới đây, TTYT huyện Lục Nam tiếp nhận một trường hợp đến khám với triệu chứng nhức đầu, khó chịu. Quá trình thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đau đầu do ngủ trong phòng có đốt hương trừ muỗi nên khuyên dừng dùng sản phẩm này. Trước đó, tại huyện Lục Ngạn cũng có một trường hợp đến cơ sở y tế khám với triệu chứng khó thở do tiếp xúc với thuốc diệt muỗi mua trôi nổi trên thị trường.
Nhằm quản lý hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, ngày 11/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 80 về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030. Kế hoạch đề ra mục tiêu, đến năm 2030, 100% các huyện, thị xã, TP phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí cho đơn vị y tế triển khai công tác quản lý hóa chất. 100% các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tham gia hội thảo, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm về quản lý hóa chất; 80% cơ sở sản xuất, mua bán, sử dụng hóa chất được thanh tra, kiểm tra…
Thực hiện kế hoạch, đến nay, CDC tỉnh đã in, cấp phát 3,2 nghìn tờ áp phích về sử dụng thuốc diệt côn trùng an toàn, những lưu ý khi phun muỗi. Tháng 5 vừa qua, đơn vị kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhắc nhở, chấn chỉnh một số lỗi như: Kệ, giá để hóa chất chưa đúng quy định; nhiệt độ khu vực nhà kho chưa bảo đảm...
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán lẻ hóa chất diệt côn trùng, kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý vi phạm. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người dân cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở và dùng các biện pháp tự nhiên để đuổi muỗi, côn trùng. Nếu bắt buộc phải sử dụng hóa chất thì nên mua ở những cửa hàng, đại lý có địa chỉ rõ ràng, có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, tem chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Nếu tìm dịch vụ phun, xịt trừ muỗi nên thuê các đơn vị có uy tín và địa chỉ cụ thể”, bác sĩ Lê Tiến Cương khuyến cáo.
Ý kiến bạn đọc (0)