Phát triển nghề trồng nấm: Lựa chọn giống mới, giá trị cao
Cơ ngơi sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Thân Văn Lý, thôn Yên Sơn, xã Tiền Phong (Yên Dũng) khiến người đến thăm thật sự ấn tượng. Nơi nuôi trồng nấm có hệ thống máy móc hiện đại như: Điều hòa nhiệt độ; hệ thống phun sương, quạt gió. Nấm đựng trong hộp thủy tinh, đặt trên các khay bảo đảm được khử trùng tuyệt đối. Ông Lý kể, đây là loại nấm hay được gọi với cái tên “thần dược”.
Khu nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo của hộ ông Thân Văn Lý, xã Tiền Phong (Yên Dũng). |
Nấm có nhiều công dụng nhưng việc nuôi trồng không dễ dàng. Qua một người bạn có kinh nghiệm giới thiệu, truyền dạy kỹ thuật nên cuối năm 2016, gia đình ông mạnh dạn đầu tư, bắt tay vào nuôi trồng đông trùng hạ thảo với 7 nghìn lọ. Riêng năm ngoái, ông bán gần chục cân nấm khô (100-150 triệu đồng/kg) và hàng nghìn lọ nấm giống, doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng. Hiện nay, cơ sở này ngoài cung cấp nấm khô, nấm tươi còn có nấm ngâm rượu, dạng bột để tiện cho khách sử dụng.
Cũng chọn đông trùng hạ thảo để đầu tư vào năm 2017, anh Lương Văn Tú, thôn Chùa, xã Dương Đức (Lạng Giang) đã thu được kết quả cao. Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng anh bán ra thị trường 3 nghìn lọ đông trùng hạ thảo thành phẩm, hàng nghìn lọ giống; thu hàng trăm triệu đồng. Sản phẩm được ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh. Thời gian tới, anh dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.
Ngoài trồng nấm “thần dược”, toàn tỉnh còn có 15 mô hình nấm công nghệ cao, tập trung tại các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa. Đơn cử, hộ ông Ngô Đình Hải, thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu (Việt Yên) trồng nấm trong nhà lạnh. Trên diện tích hơn 2,5 nghìn m2, cơ sở có 10 nhà lạnh với những giá cấy nấm; kho chứa nguyên liệu, phòng nhân giống cùng các phương tiện khử trùng bảo đảm vệ sinh dịch bệnh. Nhờ vậy, cơ sở có nấm đùi gà, kim châm, ngọc châm, linh chi cung cấp ra thị trường quanh năm, doanh thu hơn một tỷ đồng/năm.
Trồng nấm trong nhà lạnh tại xã Hoàng An (Hiệp Hòa). |
Đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), trong các loại cây trồng hằng năm thì nấm dẫn đầu về lợi nhuận. Hơn nữa, nấm được ưa chuộng bởi không chứa hóa chất độc hại, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020 của tỉnh xác định, nấm là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực; phấn đấu đạt sản lượng 10 nghìn tấn nấm tươi vào năm 2020, tăng gấp đôi so với năm 2015; giá trị thu nhập đạt hơn 250 tỷ đồng. Để thực hiện nội dung này, tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ nấm gắn với ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020. Đến nay đã có 3 mô hình được nghiệm thu, hỗ trợ kinh phí theo quy định.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, nấm cao cấp chiếm hơn 70% tổng sản lượng nấm toàn tỉnh. Xây dựng 7 mô hình sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao; thành lập 12 hợp tác xã sản xuất nấm.
|
Đầu tư phương tiện hiện đại vào sản xuất nấm đã hạn chế phụ thuộc vào thời tiết, giúp các hộ có thu nhập lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, muốn nhân rộng mô hình trồng nấm áp dụng công nghệ tiên tiến không dễ bởi đòi hỏi mức đầu tư lớn trong khi đầu ra chưa ổn định. Anh Nguyễn Hữu Hiệp, cán bộ phụ trách kỹ thuật trồng nấm (Sở Nông nghiệp và PTNT) phân tích, hiện nay sản phẩm nấm của Bắc Giang chủ yếu là nấm sò, loại thông thường có giá bán trung bình 20-26 nghìn đồng/kg. Loại này dễ trồng nhưng lại chỉ làm theo mùa, thời gian sử dụng ngắn. Những giống nấm khác như: Đùi gà, kim châm, ngọc châm hay đông trùng hạ thảo cần nguồn vốn lớn, đối tượng tiêu thụ đa số là người có thu nhập khá. Như vậy, nếu không có sự liên kết trong sản xuất thì khả năng rủi ro cao. Để trồng nấm hướng vào giống mới, chất lượng cao và sản phẩm cho thu hoạch thường xuyên thì yếu tố mấu chốt vẫn là liên kết tiêu thụ. Bên cạnh đó cần quan tâm bao bì, nhãn mác của sản phẩm. Ví như, nấm Lạng Giang đã có thương hiệu song đóng gói chưa bắt mắt, không tạo được sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện nay Sở đang lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cá nhân, tổ chức trồng nấm theo mô hình công nghệ cao để tăng giá trị. Trong đó, ưu tiên mô hình có liên kết, bao tiêu sản phẩm; chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm bảo đảm hiệu quả.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)