Ngày hội việc làm ở huyện Sơn Động: Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận “kênh” tuyển dụng uy tín
BẮC GIANG - Nhằm đa dạng hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, những năm gần đây, huyện Sơn Động quan tâm tổ chức nhiều ngày hội, phiên giao dịch việc làm. Đây là kênh kết nối giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động, mang đến nhiều cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu của người dân vùng cao.
Tìm hiểu nhu cầu việc làm
Đầu giờ chiều ngày 2/11, tại hội trường UBND thị trấn Tây Yên Tử, nhiều lao động đã đến tham gia buổi tư vấn, giới thiệu việc làm do UBND huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức; trong số này có nhiều lao động đến từ các xã: Thanh Luận, Tuấn Đạo, Long Sơn, Yên Định, thị trấn Tây Yên Tử và học sinh Trường THPT Sơn Động số 3. Các lao động đến ngày hội với mong muốn có thêm thông tin bổ ích về nhu cầu tuyển dụng của DN ở trong và ngoài huyện, du học và xuất khẩu lao động.
Cán bộ nhân sự của DN tư vấn việc làm cho người lao động tại ngày hội việc làm ở Sơn Động. |
Chăm chú dõi theo thông tin từ phía Ban tổ chức, chị Nguyễn Thị Hồng ở thị trấn Tây Yên Tử chia sẻ: “Vợ chồng tôi đi làm ở Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) đã gần 10 năm, nay muốn xin việc gần nhà để có thời gian chăm sóc cha mẹ già. Khi biết huyện tổ chức ngày hội việc làm vào cuối tuần, chúng tôi đến đây mong tìm được công việc phù hợp”. Chung nguyện vọng như chị Hồng, anh Trần Văn T ở xã Giáo Liêm mong muốn có việc làm. Anh mới trở về địa phương sau thời gian chấp hành án phạt tù, gia đình chỉ có mấy sào ruộng nên đời sống còn nhiều khó khăn.
Tại ngày hội có nhiều DN mở gian hàng tư vấn, tuyển dụng với hơn 2 nghìn vị trí việc làm và khoảng 500 người đi du học. Người lao động được gặp gỡ, trao đổi thông tin trực tiếp với cán bộ nhân sự về nhu cầu việc làm, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc. Phía DN cũng chủ động cung cấp thông tin, tìm hiểu, lựa chọn người phù hợp với vị trí đang cần.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sơn Động, hiện có hơn 30 DN đăng ký qua đơn vị với nhu cầu tuyển gần 8 nghìn lao động. Cụ thể như: Công ty cổ phần Quốc tế TIC dự kiến tuyển 2 nghìn lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc); Công ty cổ phần Suntech JSC, chi nhánh Lục Ngạn chuyên lắp ráp linh kiện điện tử tuyển 300-500 lao động thời vụ và chính thức; Công ty cổ phần Quốc tế VXT Bắc Giang đăng ký tuyển 100 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bà Trịnh Thị Yến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Sơn Động cho biết: “Công ty có 15 dây chuyền may đang mở rộng quy mô nên cần tuyển gần 100 lao động. Công nhân làm tại đây được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng, tham gia bảo hiểm xã hội, ở nhà trọ. Đặc biệt, DN ưu tiên tuyển lao động cũ quay trở lại làm việc và cho nối tiếp thâm niên đi kèm với nhiều lợi ích khác”.
Ông Triệu Hữu Năm, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sơn Động thông tin: “Ngày hội việc làm là cơ hội để lực lượng lao động vùng cao tiếp cận thị trường lao động đang diễn ra sôi động. Qua nghe yêu cầu nhà tuyển dụng đặt ra và xu hướng phát triển ngành nghề trong tương lai, bản thân người lao động, nhất là lao động trẻ, học sinh cuối cấp tự so sánh với hồ sơ cá nhân, từ đó hoàn thiện các tiêu chí cần thiết”.
Mỗi phiên giao dịch, ngày hội việc làm do huyện tổ chức đều có nhiều lao động đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trước đó, trong tháng 10 vừa qua, huyện Sơn Động đã phối hợp tổ chức phiên giao dịch, ngày hội việc làm tại Trường THPT Cẩm Đàn và trung tâm thị trấn An Châu thu hút rất nhiều lao động dự.
Trao “cần câu” để giảm nghèo bền vững
Sơn Động có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 56 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 63% dân số. Huyện xác định đây là lực lượng chủ yếu tham gia vào quá trình lao động sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội nên chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, trước đây, không ít người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số, người mới chấp hành xong án phạt tù còn thiếu thông tin về thị trường lao động, ít có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với đơn vị tuyển dụng uy tín. Từng có lao động rơi vào “bẫy” tuyển dụng “việc nhàn, lương cao” của đối tượng lừa đảo.
Đại diện Công ty cổ phần May Sơn Động giới thiệu chính sách ưu đãi dành cho người lao động. |
Nhằm ngăn ngừa, khắc phục tình trạng trên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH giảm nghèo bền vững, những năm gần đây, huyện tăng cường triển khai nhiều lớp tập huấn trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở các phiên giao dịch lưu động, ngày hội việc làm, tạo thuận lợi để người dân vùng cao được tiếp cận với “kênh” tuyển dụng chính thức từ cơ quan chức năng và các DN uy tín.
Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, huyện tổ chức đào tạo nghề cho 600-700 lao động nông thôn; tổ chức 2-3 phiên giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn, hướng nghiệp. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt hơn 74,5%. Đa số người lao động vùng cao cần cù, chăm chỉ nên ngày càng nhiều DN tin tưởng tìm đến địa bàn tuyển nhân lực.
Tính đến tháng 9/2024, huyện Sơn Động có hơn 14 nghìn lao động làm việc tại các DN trong và ngoài nước ở các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ... |
Đến tháng 9/2024, huyện Sơn Động có hơn 14 nghìn lao động làm việc tại các DN trong và ngoài nước với thu nhập bình quân từ 7-12 triệu đồng/người/tháng (đối với lao động trong nước), từ 20-25 triệu đồng/người/tháng với lao động xuất khẩu. Năm nay, huyện dự kiến có thêm 3 nghìn lao động được giải quyết việc làm; trong đó xuất khẩu lao động khoảng 150-200 người ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, mỗi lao động có thu nhập ổn định sẽ là điểm tựa, trụ đỡ cho gia đình, người thân. Tại những địa bàn được cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai chính sách về đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động thì ở đó đời sống người dân khởi sắc, bà con xây nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện hiện đại phục vụ đời sống. Qua đây góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 25,8% năm 2021 xuống còn 15,5% năm 2023.
Bên cạnh kết quả đạt được, qua rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 cho thấy toàn huyện vẫn còn khoảng 4 nghìn lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa có việc làm ổn định. Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm phối hợp với các DN, tổ chức tín dụng của Nhà nước triển khai đa dạng hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân… Chỉ khi có “cần câu” trong tay, người lao động mới được bảo đảm thu nhập, có đời sống ổn định; địa phương mới hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT - XH và giảm nghèo bền vững.
Ý kiến bạn đọc (0)