Lắng nghe, giải quyết vướng mắc từ khi mới phát sinh
Nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu
Tại xã Đồng Kỳ (Yên Thế), từ đầu năm 2020 đến nay, xã đã tiếp nhận gần 30 ý kiến tại các buổi đối thoại. Theo đồng chí Nguyễn Thị Huế, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, sau mỗi lần đối thoại, trên cơ sở ý kiến của người dân, đối với những việc thuộc thẩm quyền, xã đều tổ chức làm việc với các bộ phận liên quan để giải quyết.
Lãnh đạo Đảng ủy thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) nắm bắt tình hình triển khai các dự án trên địa bàn. |
Đơn cử, đầu năm 2023, thông qua đối thoại với các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, một số vấn đề vệ sinh môi trường đã được giải quyết như: Xây dựng thêm bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng nhằm kịp thời xử lý lượng rác thải từ vỏ, chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong sản xuất nông nghiệp; thành lập tổ tự quản về môi trường ở 10/10 thôn...
Cũng từ hoạt động tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân đã giúp các địa phương kịp thời giải quyết nhiều vấn đề phát sinh. Điển hình như ở thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) khi triển khai dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 17 đoạn từ thị trấn Nhã Nam đến thị trấn Phồn Xương (Yên Thế), tuy diện tích giải phóng mặt bằng chỉ có 0,1 ha nhưng phải di dời 102 ngôi mộ của hàng chục hộ. Nhận thức rõ đây là việc khó, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương không quản sớm tối cùng cán bộ tổ dân phố nhiều lần trực tiếp đến từng gia đình có mộ phải di dời để nắm rõ vướng mắc, từ đó bàn bạc công khai và trực tiếp đối thoại nhiều lần để đi đến thống nhất. Nhờ vậy, chưa đầy hai tháng, các hộ dân tự giác, đồng thuận di dời mộ.
Đối với huyện Việt Yên, trung bình mỗi năm, huyện tổ chức 2 - 4 buổi đối thoại, gặp gỡ giữa người đứng đầu với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) về công tác cải cách hành chính. Ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thông qua các buổi đối thoại, cấp ủy, chính quyền huyện nhận được nhiều ý kiến của đại diện DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân phản ánh về những vướng mắc trong hoạt động; thái độ làm việc, phong cách ứng xử của cán bộ, công chức khi giải quyết thủ tục hành chính. Sau khi kết thúc hội nghị, hằng tháng, Chủ tịch UBND huyện kiểm điểm kết quả giải quyết, khắc phục tồn tại được tiếp nhận tại các cuộc đối thoại”.
Ngoài ra, huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, UBND cấp xã và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Vì thế, nhiều năm liên tục huyện Việt Yên dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính cấp huyện.
Tại các địa phương khác, hoạt động tiếp xúc, đối thoại cũng được quan tâm. Trước khi đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đều thông báo rộng rãi đến người dân. Hằng năm, BTV các huyện ủy, thành ủy đều đưa công tác này là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Mở rộng diện đối thoại, tiếp nhận thông tin
Điểm nhấn rõ nét trong thực hiện Kết luận số 116 là cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ; ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể ở cấp mình. Nổi bật là ngoài định kỳ, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn tiếp xúc, đối thoại theo chuyên đề, đột xuất, theo nhóm đối tượng, lựa chọn những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, đời sống dân sinh, bao gồm: Đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường, an sinh xã hội... Cùng đó, mở rộng thêm kênh thông tin để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của nhân dân như: Thông qua số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý, trang thông tin điện tử, các tổ dân vận cộng đồng...
Đơn cử, tại TP Bắc Giang, bên cạnh duy trì giao ban, đối thoại định kỳ 6 tháng với bí thư các chi bộ thôn, tổ dân phố, BTV Thành ủy còn thành lập 8 tổ công tác do các đồng chí Ủy viên BTV, Ban Chấp hành Đảng bộ TP làm tổ trưởng hằng tháng dự sinh hoạt với các chi bộ cơ sở và dự hội nghị giao ban của thường trực đảng ủy với bí thư chi bộ trực thuộc. Riêng năm 2023, TP đã có 215 lượt cán bộ dự với cơ sở, tổng hợp được 85 kiến nghị của nhân dân; giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt kịp thời và chỉ đạo giải quyết những phát sinh ngay từ cơ sở.
Qua thống kê, từ tháng 7/2021 đến tháng 10/2023, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tổ chức 2.441 cuộc tiếp xúc, đối thoại, thu hút hơn 149 nghìn lượt người tham dự, với gần 24 nghìn ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân trên các lĩnh vực. Cơ bản các nội dung kiến nghị, đề xuất được trả lời, giải đáp ngay tại cơ sở. |
Qua thống kê, từ tháng 7/2021 đến tháng 10/2023, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tổ chức 2.441 cuộc tiếp xúc, đối thoại, thu hút hơn 149 nghìn lượt người tham dự, với gần 24 nghìn ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân trên các lĩnh vực. Cơ bản các nội dung kiến nghị, đề xuất được trả lời, giải đáp ngay tại cơ sở.
Để thực hiện tốt hơn việc tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân và nắm bắt tình hình nhân dân, Ban Dân vận Tỉnh ủy còn phối hợp xây dựng hệ thống trang thông tin điện tử công cụ số với nhiều kênh tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của nhân dân thông qua zalo, gọi trực tiếp điện thoại. Trên cơ sở đó tổng hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, góp phần tăng cường việc theo dõi, giám sát trả lời của các ngành, địa phương với kiến nghị của nhân dân.
Với trách nhiệm là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp BTV Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động tiếp xúc, đối thoại, đồng chí Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Từ những vấn đề được quan tâm tháo gỡ cho thấy các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn đã đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc theo hướng gần gũi với người dân, sâu sát với tình hình thực tế địa phương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn Kết luận số 116, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chuẩn bị kỹ nội dung, điều kiện để tổ chức đối thoại. Muốn vậy cần làm tốt công tác nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo tình hình để lựa chọn đúng, trúng vấn đề tiếp xúc, đối thoại sát với thực tiễn và được nhiều người dân quan tâm.
Bài, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)