Ba ca khúc làm sống dậy thời khắc lịch sử
"Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" (Xuân Hồng)
Nhạc sĩ Xuân Hồng sinh năm 1928 tại Châu Thành (Tây Ninh) trong một gia đình nông dân yêu thích nhạc tài tử, ông được học nhạc từ rất sớm. Xuân Hồng tham gia cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với nhiệm vụ giao liên. Ngoài làm nhiệm vụ, ông bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ ở chiến trường.
![]() |
Bài hát "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" do nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác vào năm 1975. |
Tháng 3/1975, khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, nhạc sĩ Xuân Hồng đi công tác ở chiến trường B2. Khi vào đến Sài Gòn, tác giả chứng kiến thời khắc năm cánh quân giải phóng hiên ngang tiến về Sài Gòn, lật đổ chính quyền Sài Gòn, một trang sử mới của dân tộc được mở ra. Từ sự xúc động của thời khắc lịch sử 30/4/1975, ông đã hoàn thiện và cho ra đời bài hát "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”.
Ca từ bài hát thể hiện sinh động nỗi niềm cảm xúc của tác giả khi được chiêm ngưỡng mùa xuân trong niềm vui đại thắng vừa dễ hiểu, dễ đồng cảm đã trở nên rất quen thuộc với người dân TP Hồ Chí Minh mỗi dịp xuân về. Cũng bởi tác giả lột tả được chân thực sự kiện khi tập trung thể hiện tính chất mở hội toàn thắng, không khí vui mừng hân hoan. Nhạc sĩ khéo lồng ghép, kết hợp hình ảnh, sự kiện cho đồng nhất về một khung thời gian giữa thiên nhiên và lịch sử.
Ngoài ba tác phẩm trên, còn rất nhiều ca khúc hay, ý nghĩa, mang sức sống mãnh liệt, sống mãi với thời gian bởi nó như một cuốn lịch sử bằng âm nhạc ghi lại thời khắc lịch sử không thể nào quên của dân tộc ta vào ngày 30/4/1975. |
Hình ảnh TP Hồ Chí Minh tràn ngập bóng cờ bay trong mùa xuân đại thắng làm chúng ta liên tưởng hàng ngàn người đổ xuống đường chung một niềm vui phấn khởi vô bờ với nụ cười rạng rỡ.
Điều kỳ lạ là bài hát ra đời trước khi thành phố được mang tên Bác. Đây là một trong 6 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Xuân Hồng đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
"Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà)
Nhạc sĩ Hoàng Hà tên thật là Hoàng Phi Hồng (ông còn có thêm bút danh khác là Cẩm La). Ông sinh năm 1929 tại Hà Nội và chuyển vào Vũng Tàu sinh sống từ năm 1985. Ca khúc đầu tiên ông sáng tác là "Kháng chiến ca" vào năm 18 tuổi. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Ánh đèn trên cầu Việt Trì"; "Tiếng hát ngày thứ bảy Cộng sản"; "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn"... "Đất nước trọn niềm vui" là bài hát hay trong số các ca khúc viết về ngày đại thắng 30/4/1975, đây cũng là sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Hoàng Hà.
![]() |
Cố nhạc sĩ Hoàng Hà và ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”. Ảnh tư liệu. |
Bài hát "Đất nước trọn niềm vui” được sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Khi đó nhạc sĩ công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, vì thế ông thường xuyên được nhận những thông tin sớm nhất về tình hình chiến sự ở miền Nam. Khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, nhạc sĩ đã dâng trào cảm xúc cùng với một quá trình tích lũy những tư liệu có được, ông đã viết nên những giai điệu mượt mà, tinh tế báo hiệu ngày vui của dân tộc đang đến rất gần. Ngay cả khi viết ca khúc để đời này, ông chưa từng một lần đặt chân vào đất Sài Gòn.
Ngay sau ngày sáng tác, bài hát được chuyển cho Đài Tiếng nói Việt Nam và người được giao trọng trách thể hiện ca khúc này là nghệ sĩ Trung Kiên. Và rồi những lời ca hào hùng, đầy cảm xúc như "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay” hay "Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương!"... đã trở thành hiện thực ghi vào lịch sử. Tên bài hát “Đất nước trọn niềm vui” về sau đã được chọn làm tên của một tuyển tập nhạc ấn hành năm 1975 và tái bản năm 1985 về sự kiện 30/4/1975.
Bài hát được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng 1/5/1975 cùng với ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nhạc sĩ Hoàng Hà viết bài hát "Đất nước trọn niềm vui” chỉ trong một ngày, nhưng là kết quả đúc kết của cả quá trình, một đời ông tham gia cách mạng và hoạt động âm nhạc.
"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên)
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 12/1/1930, quê ở huyện Bình Giang (Hải Dương). Năm 1958, ông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ đạo về biên tập âm nhạc. Ông đã sáng tác nhiều bài hát như: "Bài ca người thợ rừng", "Bài ca người thợ mỏ", "Chiếc gậy Trường Sơn", "Từ làng Sen", "Từ một ngã tư đường phố", "Gửi nắng cho em", "Con kênh ta đào"…
![]() |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong căn hộ nhỏ giữa lòng Hà Nội. Ảnh tư liệu. |
Đầu tháng 4/1975, tin thắng trận liên tiếp được báo về từ các chiến trường miền Nam. Với tinh thần nhiệt huyết sôi nổi cùng sự nhạy bén của người nghệ sĩ khi dõi theo từng bước tiến quân, từng trận đánh, nhạc sĩ đã nhanh chóng viết lên những ca khúc mừng chiến thắng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên được ông Trần Lâm - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ngày đó, thông báo giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát lớn chào mừng ngày chiến thắng sắp đến. Vào 21 giờ ngày 28/4/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin phi công (anh hùng Nguyễn Thành Trung) ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau tin đó, bao cảm xúc hồi hộp, vui sướng, chỉ chưa đầy hai tiếng đồng hồ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Đến trưa 30/4, sau khi nghe tin miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ông Trần Lâm cho gọi nhạc sĩ lên khi vừa nghe xong bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Ông Trần Lâm vui mừng đề nghị cho thu thanh ngay bài hát để phát trong bản tin thời sự đặc biệt. Chiều 30/4/1975, bài hát phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt lúc 17 giờ của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc (0)