Bảo tồn chữ viết dân tộc Dao
Đó là phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, trang phục, lễ hội, lễ cấp sắc, nghề bốc thuốc nam, ngôn ngữ, chữ viết... Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc Dao trong đó có việc gìn giữ tiếng nói, chữ Hán - Nôm Dao là một trong những nhiệm vụ nằm trong Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”.
![]() |
Ông Bàn Văn Cường truyền dạy chữ Hán - Nôm dân tộc Dao cho đồng bào tại địa phương. |
Dân tộc Dao có truyền thống lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Trong quá trình phát triển, văn hoá dân tộc Dao đã hình thành và phát triển hệ thống chữ viết của riêng mình. Người Dao dùng chữ Hán để ghi chép những vấn đề liên quan đến cuộc sống nhưng chữ Hán được đồng bào đọc theo âm ngữ riêng và dần đã trở thành chữ viết của dân tộc Dao. Nhờ có chữ viết nên đến nay người Dao còn lưu giữ được nhiều thông tin về nguồn gốc tổ tiên, dòng họ, gia đình, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán tộc người, lễ tết...
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, chữ viết Hán - Nôm dân tộc Dao là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Đây là những chữ Hán dạng phồn thể. Qua nhiều thế hệ, đồng bào đã Dao hóa cách phát âm các chữ Hán và vẫn giữ nguyên gốc nghĩa của các từ này. Chữ Hán - Nôm dân tộc Dao được sử dụng ghi chép những kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, phản ánh mọi mặt trong đời sống xã hội người Dao.
Những văn bản chữ Hán - Nôm Dao của đồng bào dân tộc ở xã Tuấn Mậu, Thanh Luận (Sơn Động)… còn tồn tại đến nay giúp cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khai thác đánh giá những giá trị lịch sử truyền thống, mặt khác là nguồn tư liệu để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá trong giai đoạn hiện nay.
Theo các văn bản còn lại cho thấy, chữ Hán- Nôm dân tộc Dao phần lớn được viết trên giấy dó, một số được viết trên vải hoặc khắc trên gỗ. Số lượng thư tịch cổ còn lại là các sách thiên văn, địa lý, kinh phật, truyện cổ tích, thơ ca, sách cúng, gia phả... Tại xã Tuấn Mậu (Sơn Động) còn lưu giữ được sách truyện thơ, sách cúng, truyện cổ tích, sách ghi chép các bài hát dân ca…
Phần lớn những văn bản chữ Hán - Nôm Dao ở đây còn lưu giữ được thể hiện những sinh hoạt trong đời sống, lao động, văn hoá phong phú và rộng rãi. Đó là những văn bản ghi chép lại các tác phẩm văn học khuyết danh, còn gọi là dân gian như truyện thơ, truyện kể, hát đối… Trong lĩnh vực văn hoá, còn xuất hiện nhiều văn bản Hán -Nôm Dao về đời sống tâm linh như các loại sách cúng, bói, địa lý, y học, giáo dục.
Ngày nay, trước sự giao thoa giữa văn hoá truyền thống và văn hoá hiện đại, chữ viết của một số dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, trong đó có chữ viết của đồng bào dân tộc Dao. Thế hệ trẻ nhiều vùng không biết hoặc biết rất ít chữ viết dân tộc mình. Thực tế những văn bản chữ Hán - Nôm Dao không được dùng hoặc sử dụng rất ít, chỉ những người Dao làm thầy Tào, thầy cúng mới học và thực hành loại chữ này. Qua khảo sát cho thấy, ở Bắc Giang còn rất ít gia đình người Dao còn giữ được những cuốn sách cổ do ông cha họ để lại.
Để bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc Dao, đặc biệt là gìn giữ chữ Hán- Nôm Dao, năm 2011, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ kinh phí và tài liệu mở lớp truyền dạy chữ Hán - Nôm dân tộc Dao cho đồng bào tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Lớp học có nhiều thành viên tham gia do ông Bàn Văn Cường ở thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu truyền dạy. Sau khoá học các học viên được cấp chứng chỉ, một số đến nay có thể tự tin viết, đọc thành thạo chữ Hán- Nôm dân tộc Dao như ông Triệu Văn Hải, Bàn Văn Thanh, bà Triệu Thị Xoan...
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)