Hình ảnh quê hương trong tranh Hoàng Bạch Diệp
Đạo cho dù ở tầng thâm sâu vẫn không thoát ra khỏi cuộc sống này. Bởi vậy, tác giả đã phần nào giao cảm được với “kiếp nhân sinh”, gam màu xám với những phận người mưu sinh trong nỗi thống khổ của cuộc đời. Hoàng Bạch Diệp dùng bút pháp tả thực, thiên về biểu hiện để diễn đạt một vùng quê nghèo với những sinh hoạt thường nhật. Ẩn hiện trong đó là những khuôn mặt suy tư về cuộc sống của người dân nông thôn Việt Nam.
![]() |
Vườn địa đàng. Tranh: Hoàng Bạch Diệp. |
Trời đất là yếu tố khách quan bên ngoài tác động vào cuộc sống của con người, nhưng yếu tố đó song hành và gắn kết với đời sống của làng quê Việt Nam. Dòng sông quê là nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm của tuổi thơ, bức tranh “dòng sông quê” với những con đò nhấp nhô quanh những bãi bờ, con nước ôm lấy những mái nhà lúp xúp cùng những gốc cây cổ thụ, những dáng người tần tảo sớm tối được họa sĩ thể hiện rất hồn nhiên nhưng đậm chất nhân văn tạo nên không khí bình yên. Tác phẩm “cộng đồng” với màu xanh của niềm hy vọng, tác giả như muốn gợi nhắc đến sự cộng sinh của người nông dân Việt Nam xuyên suốt trong chiều dài lịch sử. Từ khi lập ấp khai hoang với nền văn minh lúa nước, tính quần cư của người Việt đã hình thành nên xóm thôn, làng xã. Điều tất yếu để hình thành cộng đồng bắt nguồn từ đời sống nông nghiệp, mỗi cánh đồng ruộng lúa mênh mông như vậy, thì việc trị thủy, làm thủy lợi là việc của một tập thể lớn, từ đó sum tụ tình làng nghĩa xóm, hình thành nền văn hóa định canh định cư. Sinh ra và lớn lên trong một làng quê miền Bắc, Hoàng Bạch Diệp đã tiếp nhận được văn hóa và tính cộng đồng của người dân quê mình. Bức tranh “Vũ điệu tam gia” biểu hiện tính phồn thực, từ hình thể của ba cô gái đang rất hưng phấn trong một vũ điệu của ngày được mùa, đó là sức mạnh của con người biết tựa vào thiên nhiên để cùng mang lại hạnh phúc cho đời sống. Gam màu vàng lục non gợi lên sức sống của những cánh đồng trù phú. “Hợp thể” với những đóa sen nở trong một buổi hoàng hôn tím ngát, ngoài các loài thực vật, chúng ta còn thấy có cả những chú cá đang tung tăng bơi lội dưới ánh chiều tà và xa xa là dáng mẹ đang đứng bế con cùng một ánh mắt tuổi thơ của cậu bé đang phơi mình giữa trời đất mông lung. Diễn đạt được sự ngây ngô, hồn nhiên và thơ mộng trong tác phẩm hội họa là cả một vấn đề, chỉ những người đã từng trải qua nhiều cảnh giới, rồi bất giác ngộ ra thực tánh của trời đất, của cuộc sống là sự hồn nhiên, mơ mộng.
![]() |
Thời thơ ấu. Tranh: Hoàng Bạch Diệp |
“Thời thơ ấu” như một ẩn dụ dẫn đưa người xem trở về thuở xa xăm với cậu bé để tóc ba chỏm, như một giấc mộng cậu bé đứng trên lá sen gửi ánh nhìn theo chú chim đang dang cánh giữa bầu trời xanh thẳm. Điều quan trọng nhất của con người trong cuộc sống này là hạnh phúc, sự hạnh phúc của con người sẽ lan tỏa đến với thế giới xung quanh như một sự sẻ chia, có lẽ “Vườn địa đàng” là tác phẩm gợi lên âm vang của niềm vui nơi người thưởng ngoạn, bức tranh thiên nhiên của làng quê đã được Hoàng Bạch Diệp thu nhỏ để gửi gắm một thông điệp về ngày mùa, khi mà từng đàn cá đang nô nức bơi lội, tiếng chim hót líu lo và những đóa hoa rực rỡ, biểu hiện niềm hạnh phúc trên gương mặt đôi nam nữ đang hòa vào bản hòa ca của những sắc màu ấm áp.
Họa sĩ Hoàng Bạch Diệp sinh năm 1961 tại Cao Thượng, Tân Yên; tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội niên khóa 1985 - 1990 và là lứa họa sĩ trưởng thành đầu tiên sau thời kỳ đổi mới. |
Họa sĩ Hoàng Bạch Diệp đã có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm. Lúc 20 tuổi, anh từng là “lão nông tri điền” xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đội 12 thôn Đầu Cầu. Sinh ra và lớn lên tại quê hương Kinh Bắc văn vật, nên văn hóa của quê hương thấm đẫm trong tranh ông. Có thể nói, xem tranh của Bạch Diệp tương tự như đọc thơ của Hoàng Cầm về xứ Kinh Bắc, tuy không lộng lẫy kỳ vĩ như thơ Hoàng Cầm, nhưng tranh của Bạch Diệp lại mộc mạc hơn và cũng hoang đường chẳng kém. Tràn ngập trong tranh ông là hình ảnh sen, cung trăng, thiếu nữ đương thì, em bé, hoa cỏ, mây trời… được vẽ với sự ân cần, tinh tế, bên ngoài những hình ảnh ngộ nghĩnh và chất phác. Có thể thấy âm hưởng của quan họ, của điêu khắc đình làng, của tranh dân gian, của những “mùa thu tỏa nắng” trong hội họa của Bạch Diệp…
Lam Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)