Ngừng bắn ở Ukraine: Cơ hội vàng để hàn gắn vết thương
Đại diện các bên tham dự cuộc gặp tại Mink
Đây là kết quả quá trình tham vấn giữa các bên tham gia cuộc họp, gồm cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma; người đứng đầu chính quyền Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng Alexander Zakharchenko và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng Igor Plotniskyi, Đại sứ Nga tại Ukraine Мikhail Zurabov và bà Heidi Tagliavini - đặc phái viên của Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)
Cách đây ít tuần, đã có một lệnh ngừng bắn được đề xuất nhưng nó đã không thành công. Các bên không tin tưởng và tôn trọng nhau. Hậu quả là chiến sự vẫn diễn ra, người dân là đối tượng thiệt thòi nhất khi phải rời bỏ nhà cửa, công việc, quê hương để đi tránh bom, đạn của các bên tham chiến. Để lệnh ngừng bắn lần này thực sự mang lại những giây phút không tiếng súng, Đại sứ Nga tại Ukraine Мikhail Zurabov nhấn mạnh rằng cần có một cơ chế đặc biệt để giám sát và kiểm soát lệnh ngừng bắn giữa các bên tại Ukraine. Tất cả các thỏa thuận đạt được trong cuộc họp này sẽ được phản ánh trong một Biên bản ghi nhớ. Trong vòng 3 ngày tới, một nhóm chuyên gia có nhiệm vụ soạn thảo chi tiết Biên bản ghi nhớ trên để chính quyền Kiev và các bên tham gia cuộc họp thông qua.
Nhận thức rõ đây là cơ hội vàng để các bên có thể đi đến những thỏa thuận tiếp theo mang lại cơ hội tái lập hòa bình ở miền Đông nói riêng, toàn bộ Ukraine nói chung, các bên đều có những bước đi tích cực để chuẩn bị cho các bước quan trọng tiếp theo. Chính quyền Ukraine và lãnh đạo hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk đang lên kế hoạch sẽ tiến hành cuộc họp trực tuyến vào ngày 8/9 tới để thảo luận vấn đề trao đổi tù nhân. Ngoài ra, trong cuộc họp trực tuyến này cũng đề cập vấn đề tạo các hành lang nhân đạo và các điểm tập kết hàng viện trợ nhân đạo.
Ngoài các hành động nhân đạo để bày tỏ thiện chí giữa các bên, trong thỏa thuận vừa đạt được tại Minsk cũng có điểm đề cập việc tiến hành bầu cử trước thời hạn tại Donbass và phân quyền cho khu vực Đông - Nam Ukraine. Đây là công việc vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã khẳng định trong một tuyên bố mang tính cầu thị cao rằng, Kiev sẵn sàng có các bước đi nhằm thực hiện phân quyền tại một số khu vực ở Donbass, trong đó có việc trao quyền tự do về kinh tế, bảo đảm tự do sử dụng một ngôn ngữ bất kỳ và duy trì các truyền thống văn hóa tại khu vực này.
Những tiến bộ trên con đường chông gai tìm kiếm hòa bình tại Ukraine đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên liên quan trực tiếp. Liên hợp quốc cũng bày tỏ kỳ vọng vào những bước đi mang tính đột phá trên, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đảm nhận vai trò giám sát việc thực hiện quy chế ngừng bắn tại miền Đông - Nam Ukraine nếu các bên xung đột tại quốc gia này đề nghị.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn này có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào Chính quyền Kiev. Tại sao lại như vậy? Bởi chưa lúc nào Kiev lại chịu nhiều sức ép như lúc này. Chính quyền Kiev luôn muốn gia nhập NATO, muốn được NATO bảo trợ về an ninh. Song, nước Nga cũng từng tuyên bố không bao giờ để điều này xảy ra, vì nó liên quan trực tiếp tới an ninh của nước Nga. Trong khi đó, NATO cũng không bao giờ muốn Nga có vai trò đủ sức mạnh để có thể gây sức ép với Ukraine mà đánh bật ảnh hưởng của NATO. Thế khó của Ukraine là không thể tự quyết được vận mệnh của chính mình khi nền kinh tế đang ngấp ngé bờ vực phá sản. Các ngành công nghiệp cũng đã kiệt quệ. Trong khi đó, nền chính trị của Ukraine cũng đang ở vào thời kỳ rất khó định nghĩa sau những “biến đổi” bởi hàng loạt cuộc “cách mạng cam”, những vụ biểu tình được thiết kế bởi “bàn tay” của phương Tây.
Chả vậy mà cả phương Tây luôn hoài nghi và bên trong thì tìm cách ngăn cản kế hoạch ngừng bắn ở Ukraine. Rõ ràng phương Tây không bao giờ muốn Ukraine hòa bình theo cái cách mà họ chả có lợi gì. NATO và phương Tây biết rõ, nếu Ukraine ổn định, nước này sẽ lại trở thành một “phên giậu” giúp ngăn ảnh hưởng và sức “nóng” của NATO và Mỹ trước khi vào Nga.
Kế hoạch ngừng bắn trên có công lớn của Tổng thống Nga V. Putin. Vậy nước Nga được lợi gì? Theo một số nhà phân tích, trước hết, nếu các điểm trong kế hoạch này được thực thi đầy đủ nó sẽ có tác dụng cản trở nỗ lực của nhóm lãnh đạo thân phương Tây muốn Ukraine gia nhập NATO. Xa hơn, nước Nga muốn tạo ảnh hưởng để giữ cho vai trò của mình tại các trung tâm công nghiệp khổng lồ ở miền Đông Ukraine. Ngoài ra, việc ông V.Putin ủng hộ kế hoạch ngừng bắn trên dường như là để ngăn chặn khả năng phương Tây đưa ra các biện pháp trả đũa mới.
Cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở Wales đã bị “dội một gáo nước lạnh” khi khối này đưa ra kế hoạch tăng cường phòng thủ ở Đông Âu. Gió đã đổi chiều, và NATO đương nhiên không hài lòng. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã chỉ trích kế hoạch trên. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá về kế hoạch ngừng bắn này.
Những phát ngôn của NATO đang dường như “lạc lõng” ngay trên đất Ukraine. NATO đang tự làm suy yếu vị thế của mình bằng tham vọng mang tính toàn cầu, bởi vì bản thân NATO sẽ không tự mình giải quyết được những vấn đề trên, hơn nữa, việc áp dụng những “công cụ NATO” sẽ chỉ làm tình hình trở nên trầm trọng hơn. Liên quan kế hoạch của NATO tập trận ở Ukraine, rõ ràng, nó không mang lại nhiều tác dụng cho chính NATO. Nhìn vào bản chất, càng dấn sâu vào Ukraine, càng cố “vớt vát”, NATO càng thua thiệt. Các cuộc tập trận của NATO theo dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 26/9, đang càng làm căng thẳng gia tăng, đe dọa quá trình mang tính thăm dò hiện nay trong tiến trình hòa bình ở Ukraine, góp phần làm trầm trọng thêm chia rẽ trong xã hội Ukraine. Như vậy, sự tác động của NATO và phương Tây đang mang lại hệ quả xấu: Ukraine có rơi vào nguy cơ bị chia rẽ.
Vậy, có lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine? Có. Lối thoát cho sự đối đầu nằm chính ở việc đối thoại. Cho dù có kế hoạch ngừn bắn, nhưng câu chuyện Ukraine sẽ không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Những thiện chí của mỗi bên đang từng bước khiến những người vốn cùng một đất nước xích lại gần nhau, hạ nhiệt “những cái đầu nóng” để bàn về một tương lai tốt đẹp hơn cho chính họ.
Phúc Vinh
Ý kiến bạn đọc (0)