Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang: Quan tâm giáo dục pháp luật, giúp phạm nhân hướng thiện
Trại tạm giam Công an tỉnh hiện có hơn 600 trường hợp bị tạm giam, tạm giữ. Đây là những đối tượng đang trong quá trình điều tra các vụ án. Không chỉ phổ biến quy chế của Trại về quyền, nghĩa vụ, quy định pháp luật liên quan, cán bộ quản lý các buồng giam còn thường xuyên gặp gỡ để nắm bắt tình hình, tâm lý đối tượng. Từ đó phân tích mức độ hành vi, chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người vi phạm, động viên họ thành khẩn khai báo.
Phạm nhân lao động cải tạo tại Trại tạm giam Công an tỉnh. |
Qua thực tế cho thấy, hầu hết các đối tượng đều hợp tác điều tra, cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Nhờ đó nhiều ổ nhóm tội phạm được triệt phá, bóc gỡ thông qua tin báo của người bị giam giữ. Bên cạnh đó, việc bảo đảm quyền lợi cho người bị giam, giữ cũng được đơn vị quan tâm.
Khi cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp diễn ra, cán bộ quản lý các phân trại, buồng giam giữ đã gặp gỡ, phổ biến các nội dung liên quan; phát tờ rơi, đơn vị còn thường xuyên phát tin, bài tuyên truyền về bầu cử trên loa truyền thanh nội bộ.
Qua đó người bị giam, giữ có thể nắm được tiến trình hoạt động bầu cử. Các cử tri này vẫn nắm được những thông tin về các đại biểu khu vực mình bỏ phiếu và lựa chọn người mà họ tin tưởng, kỳ vọng.
Ngoài những trường hợp bị tạm giam, tạm giữ, Trại tạm giam Công an tỉnh còn có hơn 80 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Mỗi khi tuyên truyền, cán bộ quản giáo đưa ra các tình huống liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật cụ thể giúp người lẫm lỗi nhận ra được mình sai ở đâu và cần phải phấn đấu ra sao. Từ những ví dụ về tình huống, cán bộ còn đưa ra câu hỏi nhằm tạo sự hứng thú cho mỗi phạm nhân rồi phân tích, làm rõ hành vi phạm tội để các phạm nhân hiểu đúng luật.
Từ năm 2020 đến nay, Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 1.200 lượt phạm nhân. Từ công tác tuyên truyền pháp luật, nhiều phạm nhân nâng cao ý thức cải tạo, được xét đặc xá và giảm án trước thời hạn. |
Trung tá Đào Hữu Dương, Đội trưởng Đội Quản lý phạm nhân cho biết: "Để động viên tinh thần phấn đấu thi đua, chấp hành án của phạm nhân, đơn vị tổ chức giáo dục pháp luật để phạm nhân nâng cao hiểu biết, nhận thức được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình và các kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong quá trình chấp hành án. Mục đích là để sau khi mãn hạn tù trở về địa phương sinh sống có kiến thức, kỹ năng hòa nhập với cộng đồng, từng bước làm lại cuộc đời".
Một số hoạt động thi đua được lồng ghép trong quá trình dạy nghề, cải tạo như: Nuôi cá, trồng rau, hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ, thi “Viết thư gửi lời xin lỗi” để khơi dậy lòng trắc ẩn, sự hướng thiện trong mỗi phạm nhân, giúp họ nhận ra sai lầm, nâng cao ý thức chấp hành, phấn đấu cải tạo tốt. Mỗi phạm nhân có một hoàn cảnh, trình độ nhận thức, động cơ phạm tội khác nhau nên Trại tạm giam xây dựng kế hoạch cảm hoá, tuyên truyền pháp luật theo từng đối tượng cụ thể.
Đơn cử như phạm nhân tên Q ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang). Q bị phạt tù về tội mua bán hàng giả. Thời gian đầu mới vào Trại, tâm lý Q thường xuyên bất ổn và rất tự ti. Cán bộ quản giáo đã kịp thời động viên, giúp đỡ, giải thích giúp phạm nhân lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Từ đó Q hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, lấy lại tinh thần và luôn cố gắng phấn đấu cải tạo tốt mong sớm được ra tù. Đối với những phạm nhân chấp hành được nửa thời gian còn được bồi dưỡng về lòng trung thực, nhân ái, sự khoan dung, trách nhiệm đối với cộng đồng. Riêng phạm nhân chuẩn bị được tái hòa nhập cộng đồng sẽ được tiếp thu các nội dung của pháp luật về xóa án tích, hướng dẫn về cấp, đổi thẻ căn cước công dân, vay vốn, học nghề…
Theo Thượng tá Lê Đức Thạch, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh, thời gian tới, Trại tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng phạm nhân, người bị tạm giam, tạm giữ. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, gần gũi, nắm bắt tâm lý, tư tưởng của các phạm nhân nhằm kịp thời có biện pháp phân hóa, giáo dục đối với những trường hợp đặc biệt. Qua đó giúp các phạm nhân nâng cao kiến thức, nhận thức về quy định pháp luật, yên tâm cải tạo để sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Ý kiến bạn đọc (0)