Điện Biên Phủ trong ký ức người lính già
Năm 1952, chàng thanh niên Khổng Đức Ngư giấu nỗi đau vừa mất mẹ để mạnh mẽ, kiên cường xin nhập ngũ. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Tiểu đoàn 249 của ông thực hiện nhiệm vụ chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh".
![]() |
Ông Khổng Đức Ngư thường xuyên tìm hiểu thông tin qua sách, báo. |
Ông kể: “Chúng tôi xác định Tết năm đó sẽ đón giao thừa ngay trong vòng vây của địch nên mỗi người chuẩn bị vài chiếc bánh chưng. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiến công, quân ta bị địch phát hiện nên phải dừng lại, chờ mệnh lệnh mới từ cấp trên.
Bấy giờ, các cứ điểm của địch đều được phong tỏa bằng hệ thống hàng rào dây thép gai, bãi mìn dày đặc, quân địch hiếu chiến cộng thêm vũ khí có sức phá hủy lớn. Vì thế, đơn vị tôi nhận lệnh chuyển sang phương án“đánh chắc, thắng chắc”. Bản thân tôi hồi hộp, lo lắng lắm nhưng ý chí chiến đấu không hề lung lay”.
Một kế hoạch đề ra là phải đào hệ thống hầm hào để tiến sâu vào lòng địch, sử dụng thuốc nổ đánh sập lô cốt “mẹ” trên đồi A1. “Những đêm giá rét, sương muối rơi xuống ướt lưng áo nhưng mồ hôi của người lính đào hào vẫn nhỏ từng giọt. Yểm trợ cho đồng đội, tôi chỉ huy một đại đội súng đại liên bắn khống chế, ngăn địch không tiến công để quân ta liên tục xây dựng mạng lưới hầm hào dày đặc như mạng nhện bủa vây đồi A1”, ông Ngư chia sẻ.
Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954, vào thời khắc nghe thấy tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 làm rung chuyển khắp các hầm hào, toàn thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị ông tiến thẳng lên đồi bao vây quân Pháp.
Ông xúc động: Càng lên gần đỉnh đồi, đường tiến công càng khó, lính Pháp liên tục khai hỏa đại liên. Chần chừ sẽ chết, sẽ không thể giải phóng Điện Biên Phủ. Vì thế, người này ngã xuống người kia lại xông lên, phải trèo lên người nhau để lên đồi, không có thời gian cứu chữa thương binh, chúng tôi xót xa lắm. Như có sức mạnh phi thường, chúng tôi tiến công địch bằng súng trường, tiểu liên, lựu đạn và cả lưỡi lê. Trên từng thước chiến hào, ụ súng, kẻ thù chao đảo, khiếp sợ”.
Sáng 7-5-1954, quân ta đã chiếm hoàn toàn đồi A1, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, ông Ngư và đồng đội mừng vui, hiên ngang trong tư thế của người chiến thắng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 toàn thắng, ông Khổng Đức Ngư và rất nhiều chiến sĩ trực tiếp tham gia vinh dự được Bác Hồ tặng “Kỷ niệm chương Chiến sĩ Điện Biên”, một chiếc “cốc hữu nghị” có in hình cờ hai quốc gia Việt Nam, Liên Xô và Huy chương Chiến thắng hạng Hai vì có thành tích trong kháng chiến chống Pháp.
Cho đến nay, ông vẫn giữ cẩn thận những kỷ vật đó. Ông Ngư có hơn 30 năm vào sinh ra tử nơi chiến trường, từ thời chống Pháp, chống Mỹ đến chiến tranh biên giới. Căn nhà nhỏ của ông treo nhiều Bằng khen, Huân chương, Huy chương kháng chiến. Vợ chồng ông bà có 5 người con, ai cũng thành đạt. Hằng ngày, ông đọc báo, xem thời sự, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Ý kiến bạn đọc (0)