Phòng Cảnh sát hình sự: Dựa vào dân điều tra trọng án
![]() |
Cán bộ chiến sĩ đội điều tra án xâm phạm nhân thân họp bàn kế hoạch phá án. |
Làm rõ 100% vụ trọng án
Là lính hình sự, nhiều năm đảm nhận trọng trách Trưởng Phòng PC45, Đại tá Lại Văn Đông hiểu rất rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong việc hỗ trợ lực lượng công an điều tra, phá án. Nhờ đó ba năm qua, đơn vị đã làm rõ hơn 40 vụ trọng án giết người, bằng 100%. Thành công này có được một phần do Đảng ủy đơn vị luôn coi trọng công tác dân vận, xây dựng mô hình Dân vận khéo “Vận động quần chúng cung cấp thông tin trong điều tra các vụ án giết người”.
Trở về phòng làm việc sau một đêm thức trắng điều tra án, Đại úy Nguyễn Dương Hưng, Phó Đội trưởng Đội hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân (Đội 4) vẫn dành cho tôi chút thời gian để nói về công việc. Anh cho biết, giết người là một trong những hành vi gây nguy hiểm cao nhất cho xã hội, đối diện với tội ác này là bản án vô cùng nghiêm khắc của pháp luật. Vì vậy sau khi gây án, đối tượng sẽ tìm mọi cách xóa dấu vết, thủ tiêu tang chứng, vật chứng hòng che giấu hành vi. Với những loại án này, nếu không dựa vào dân để họ cung cấp thông tin thì quá trình điều tra sẽ kéo dài hơn, dễ bỏ lọt tội phạm, thậm chí oan sai.
Điển hình là vụ án vợ, con gái, con rể bàn nhau dùng điện "chích" chồng, bố dẫn đến tử vong xảy ra tại thôn Lâm Sơn, xã Dương Đức (Lạng Giang). Ông Nguyễn Văn Lạc (SN 1963) có vợ là Nguyễn Thị Nhân (SN 1962), con gái là Nguyễn Thị Nhung (SN 1987) và con rể Nguyễn Văn Hào (SN 1995, chồng Nhung). Do ông Lạc hay uống rượu say rồi gây sự với vợ con nên gia đình thường xảy ra mâu thuẫn. Đỉnh điểm là đêm 28-7-2016, ông Lạc cầm then cửa định đánh vợ thì bị giữ lại, sau đó Nhung dùng dây trói bố. Lúc này cả ba mẹ con đều bàn nhau giết ông Lạc bằng cách dí điện giật cho đến chết và nói với mọi người rằng ông uống rượu bị cảm. Ngày 30-7, gia đình tổ chức tang lễ. Trước vụ việc này, một số người dân cung cấp thông tin cho cơ quan công an rằng trước khi chết họ nghe tiếng kêu cứu phát ra từ nhà ông Lạc. Sáng hôm sau, bà Nhân còn chủ động mời một số hàng xóm sang chơi. Thấy ông Lạc vẫn nằm trên chõng tre kê ở phòng khách, bà Nhân bảo do ông uống rượu say nên chưa dậy. Rồi những bất bình thường khác như gia đình có tang mà cả ba mẹ con vẫn không có biểu hiện gì về sự đau xót…Và cái chết đầy uẩn khúc của nạn nhân đã dần được sáng tỏ. Sáng 2-8, khi cơ quan chức năng đang khai quật, khám nghiệm tử thi ông Lạc thì bà Nhân hốt hoảng ra đầu thú về hành vi giết chồng. Ban đầu chỉ một mình bà nhận tội. Tuy nhiên quá trình điều tra kết hợp với vận động quần chúng cung cấp thêm thông tin, cơ quan điều tra kết luận cả ba mẹ con cùng tham gia giết ông Lạc. Ngày 7-9-2017, TAND tỉnh tuyên phạt mỗi bị cáo từ 16-18 năm tù.
Không dân vận sao có thông tin
“Thông tin là cực kỳ quan trọng, chỉ một chi tiết rất nhỏ đối với người khác là bình thường, nhưng với lực lượng điều tra thì không thể bỏ qua. Thông tin chỉ đầy đủ, đa dạng, chính xác khi được nhân dân cung cấp”- Đại tá Lại Văn Đông khẳng định. Để người dân hợp tác, tin tưởng, không còn dè dặt, ngại gặp công an thì bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ khi xuống cơ sở phải tạo được lòng tin với nhân dân. Trước hết đả thông tư tưởng rằng quá trình đấu tranh với tội phạm, kẻ gian phải sợ người ngay chứ không phải người ngay sợ kẻ gian; danh tính người cung cấp thông tin được giữ bí mật, có pháp luật bảo vệ nên bà con đừng sợ bị trả thù. Một điểm nữa là do đặc thù công việc nên lính hình sự thường mang khuôn mặt “hình sự”, nhưng không phải lúc nào cũng khó đăm đăm như vậy. “Có lúc coi đâu cũng là nhà, ngã đâu cũng là giường, gặp đâu ăn đấy, nhìn thấy bẩn, ngửi thấy hôi vẫn cứ xông vào, hòa mình vào cuộc sống của người dân nhằm tạo sự gần gũi, thân thiện”- Đại tá Đông cho biết. Trong quá trình tiếp xúc luôn phải tôn trọng người dân. Một cán bộ điều tra kể cũng có lúc gặp phải trường hợp “ba hoa, chích chòe” nhưng vẫn phải kiên trì lắng nghe rồi về sàng lọc, chứ không nên xua tay ngắt lời họ ngay. Bởi đôi khi chính trong sự nói dài nói dai ấy lại lóe ra được thông tin có giá trị.
Để làm cho nhân dân tin tưởng, cán bộ chiến sĩ Phòng PC45 còn nhiệt tình làm công tác từ thiện nhân đạo, sẵn sàng trích lương, ngày công giúp đỡ, chia sẻ với nhân dân khi gặp khó khăn do thiên tai, bão lụt; thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con… Đó không chỉ là công việc mà còn là tinh thần tương thân tương ái. Những việc làm vì dân của cán bộ chiến sĩ Phòng PC45 đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy ghi nhận là mô hình điển hình dân vận khéo cấp tỉnh năm 2017.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)