Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang: Nỗ lực vượt khó thực hiện nhiệm vụ "kép"
Gác niềm riêng
Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có bước chuyển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực y khoa, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Bác sĩ chuyên khoa II Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Là bệnh viện hạng I, tuyến đầu trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có quy mô 800 giường, 49 khoa, phòng, trung tâm và 750 cán bộ, nhân viên y tế.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. |
Đơn vị đã đầu tư các kỹ thuật mũi nhọn, trang bị máy móc hiện đại; tăng cường hợp tác với các bệnh viện trung ương, chuyên gia đầu ngành, tổ chức trong và ngoài nước để phát triển kỹ thuật cao.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, từ tháng 5/2021 đến nay, Bệnh viện thực hiện nhiệm vụ “kép” là vừa khám, chữa bệnh đa khoa vừa điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở hai địa điểm là Khoa Truyền nhiễm và Bệnh viện dã chiến số 2 (Nhà thi đấu thể thao tỉnh).
Mặc dù đã được tăng cường nhưng nhân lực của Bệnh viện vẫn phải chia làm 3 bộ phận: Người ở vòng ngoài tiếp tục khám, chữa bệnh thông thường, một nhóm vào điều trị Covid-19 ở Khoa Truyền nhiễm và một bộ phận sang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 2. Bởi vậy, những ngày qua, phần lớn cán bộ, nhân viên y tế của đơn vị đã không về nhà.
Khu nhà 5 tầng mới xây dựng hiện đại với phòng bệnh khép kín, phòng mổ, phòng áp lực âm, giường hồi sức với đầy đủ hệ thống ô xy tự động, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ riêng biệt được đơn vị dành để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: "Ở đây hiện đang điều trị 67 bệnh nhân, trong đó có 4 bệnh nhân nặng phải thở ô xy. Mỗi kíp trực có 20 người, sau khi hết ca sẽ ra nơi nghỉ ngơi riêng nhưng vẫn trong khu điều trị cách ly riêng biệt". Trong hơn một tháng làm nhiệm vụ tại đây, bác sĩ Tuyết chưa một lần về thăm nhà mà chỉ tranh thủ những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi để hỏi thăm tình hình gia đình qua những cuộc điện thoại.
Đặt nhiệm vụ kiểm soát nhiễm khuẩn lên hàng đầu, ngoài phân luồng khám sàng lọc, kiểm soát người ra vào, Bệnh viện bố trí cổng riêng vào khu điều trị Covid-19. Người bệnh khi đến thăm khám, điều trị đều được hướng dẫn tận tình, yêu cầu khai báo y tế, khám sàng lọc và test nhanh Covid-19.
Đối tượng nguy cơ cao sẽ được làm xét nghiệm PCR trước khi vào khám, chữa bệnh. Bà Nguyễn Thị Sâm ở tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) có 10 ngày chăm sóc chồng tại Khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học cho biết: “Để bảo đảm phòng dịch, mỗi người bệnh chỉ được một người thân chăm sóc nên cũng khá vất vả. Tuy nhiên suốt thời gian ông nhà điều trị tại đây, các y, bác sĩ rất tận tình thăm khám, sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khi cần”.
Tất cả vì người bệnh
Là bệnh viện có lượng bệnh nhân đông, tuyến cuối của tỉnh nên cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, Bệnh viện tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu như: Tán sỏi thận nội soi ngược dòng bằng tia laze ống mềm, PT dẫn lưu não thất, nội soi can thiệp đường tiêu hóa...
Phẫu thuật nối mạch máu cẳng chân cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Ngoài ra cũng chuyển giao 10 kỹ thuật về thận nhân tạo, phaco, phẫu thuật tuyến giáp... cho Trung tâm Y tế các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế và Bệnh viện Nội tiết. Trước đây có những kỹ thuật phải chuyển tuyến thì nay đã thực hiện được ở đơn vị, cán bộ làm chủ về máy móc, kỹ thuật.
Mới đây, trường hợp bệnh nhân Covid-19 P. V. L quê ở Lục Ngạn, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 bị viêm ruột thừa mủ đã được các kíp trực tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật cắt ruột thừa trong đêm. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Bác sĩ Đoàn Sơn Tùng, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết, trong suốt quá trình thực hiện, kíp phẫu thuật luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng chống dịch Covid-19 như: Sử dụng trang phục bảo hộ riêng, khử trùng buồng bệnh, xe cứu thương… nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Được biết, ngay từ những ngày đầu chống dịch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chủ động chuẩn bị phòng mổ cách ly, các ê-kíp phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, tiết niệu, chấn thương và sản khoa cùng toàn bộ đồ bảo hộ để phục vụ các bệnh nhân cách ly cần phẫu thuật cấp cứu.
Thống kê từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tổng số bệnh nhân thường và bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện và Bệnh viện dã chiến số 2 là gần 1 nghìn người nên các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ khá vất vả. Tuy nhiên, đơn vị đã nhận được sự ủng hộ, giúp sức từ khoảng 500 lượt tổ chức, cá nhân cho cán bộ, nhân viên và người bệnh. Trong đó có nhiều phần quà ý nghĩa như xà phòng, giường, chiếu, máy thở, vật tư y tế...
Hiện đơn vị tổ chức 3 vòng điều trị, chăm sóc, theo dõi bệnh nhân: Vòng lõi, vòng đệm và vòng ngoài, sắp xếp nhân lực phù hợp có dự phòng khi số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng. Mặc dù nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhất là đối với những người trực tiếp đặt nội khí quản, ép tim, chăm sóc người bệnh nhưng với ý chí kiên cường vượt qua mọi khó khăn, tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục nỗ lực, chăm sóc người bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
“Đối với những nhân viên y tế, khi bệnh nhân cần, người dân cần, chúng tôi sẵn sàng tạm xa gia đình để tham gia tuyến đầu. Tất cả vì mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, bác sĩ Thân Sơn Tùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc nói.
Bài, ảnh: Minh Thu - Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)