Bé hai tuổi ngộ độc rượu
![]() |
Ảnh minh họa. |
Người nhà cho biết bát nước chứa khoảng 200 ml rượu đặt trên bàn, bé khát nên tự lấy uống sau đó đi ngủ. Đến sáng người nhà gọi bé không tỉnh, vật vã, co giật, đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Sản nhi tỉnh Lào Cai. Bác sĩ chẩn đoán bé bị ngộ độc rượu ethanol, xử trí cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, bù nước điện giải.
Bác sĩ Vũ Thị Hải Yến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, ngày 13/4 cho biết đây là bệnh nhân bị ngộ độc rượu nhỏ nhất tử trước đến nay tại bệnh viện. Sau ba ngày điều trị, trẻ dần hồi tỉnh, lấy lại được ý thức, sức khỏe ổn định hơn.
Theo bác sĩ, có hai dạng ngộ độc rượu là ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp (methanol). Người bị ngộ độc rượu nhẹ có cảm giác hưng phấn, kích thích nhẹ; nặng hơn thì sẽ xuất hiện các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hôn mê sâu, thậm chí tử vong.
Cồn là chất kích thích thần kinh, trẻ con uống một ngụm cũng bị kích thích khiến mặt đỏ gay, choáng váng. "Trẻ uống một ngụm nhỏ bia, rượu có thể không tác hại ngay, uống nhiều sẽ gây hại cho não, mắt, gan, thận của trẻ", bác sĩ Yến nói. Rượu bia còn làm giảm sút trí tuệ, trí nhớ kém, mất tập trung đồng thời ảnh hưởng đến năng lực tư duy và khả năng học tập của trẻ.
Nếu trẻ uống nhầm rượu hoặc thức uống có hại, người nhà cần tìm cách để trẻ nôn hết. Đặt bé nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), trong tư thế úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái để tránh sặc chất nôn. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, đồng thời mang theo đồ ăn, uống mà trẻ bị ngộ độc đến bệnh viện để xét nghiệm độc chất.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)