Bầu cử Tổng thống Brazil: Cánh hữu thắng thế
Những người ủng hộ vui mừng trước chiến thắng của ông Jair Bolsonaro trong cuộc bầu cử vòng 2. |
Nam Mỹ sẽ ngả theo dân túy?
Brazil có diện tích xếp thứ 5 thế giới với gần 210 triệu dân có thu nhập hơn 11 nghìn USD/người/năm, là nước duy nhất ở Nam Mỹ nói tiếng Bồ Đào Nha (Brazil là thuộc địa của Bồ Đào Nha khoảng 300 năm). Trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 (ngày 28-10) vừa qua, ứng cử viên của Đảng cực hữu xã hội tự do (PSL) Jair Bolsonaro đã vượt qua đối thủ của Đảng lao động (Cánh tả) Fernando Haddad để trở thành Tổng thống thứ 38 của Brazil vào ngày 1-1-2019 tới đây. Mấy năm qua, Brazil liên tục trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị - xã hội và kinh tế, nay với việc ứng cử viên Đảng cựu hữu xã hội tự do đắc cử Tổng thống, chắc chắn đất nước rộng lớn và đông dân nhất khu vực Nam Mỹ sẽ có nhiều thay đổi theo hướng cực hữu (dân túy). Không những thế, việc ông Jair Bolsonaro trở thành Tổng thống sẽ kéo theo nền chính trị khu vực Nam Mỹ đi theo trào lưu dân túy.
Ông Jair Bolsonaro. |
Hôm 1-11 vừa qua, ông Bolsonaro đã tuyên bố: Brazil sẽ chuyển sứ quán của nước này tại Israel về Jerusalem, đưa Brazil trở thành nước thứ ba tại châu Mỹ chuyển sứ quán về Jerusalem gây tranh cãi. Dư luận thế giới đang đặc biệt quan tâm tới chính sách sắp tới của Brazil trong đó có cả nền dân chủ ở nước này và tương lai lá phổi xanh của thế giới tại vùng Amazon với rừng Amazon khi ông Bolsonaro từng tuyên bố sẽ mở cửa khu rừng rậm Amazon cho các dự án khai khoáng và chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác và nhiều hoạt động khác; điều này có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Bolsonaro cũng tuyên bố sẵn sàng rút Brazil khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Cử tri Brazil kỳ vọng ông Bolsonaro sẽ tìm lại sức sống cho nền kinh tế Brazil sau gần 5 năm khủng hoảng và trì trệ. Ảnh: Cảng Santos của Brazil. |
Với định chế dân chủ, Tổng thống đắc cử Bolsonaro cũng tuyên bố sẽ đánh bật các chính trị gia đối lập phe cánh tả ra khỏi đất nước, tăng gấp đôi số thẩm phán để dễ dàng thông qua các sắc lệnh của Tổng thống và sẵn sàng dùng vũ lực. Qua việc ông Bolsonaro đắc cử Tổng thống Brazil, giới phân tích chính trị cho rằng ông Bolsonaro đã khéo léo hướng theo làn sóng dân túy đang ngày một dâng cao tại khu vực Mỹ La tinh, còn nhiều cử tri cảm thấy mất niềm tin vào các đảng phái cổ điển và mong muốn có một sự thay đổi đến từ người “ngoại đạo” và có quan điểm khác biệt.
Mấy năm qua, Brazil liên tục trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị - xã hội và kinh tế, nay với việc ứng cử viên Đảng Cựu hữu xã hội tự do đắc cử Tổng thống, chắc chắn đất nước rộng lớn và đông dân nhất khu vực Nam Mỹ sẽ có nhiều thay đổi theo hướng cực hữu (dân túy). Không những thế, việc ông Jair Bolsonaro trở thành Tổng thống sẽ kéo theo nền chính trị khu vực Nam Mỹ đi theo trào lưu dân túy. |
Do đó, tại Brazil nếu ông Bolsonaro thực thi các chính sách như đã tuyên bố, nhiều vấn đề tại quốc gia này sẽ đảo ngược hoàn toàn. Các chính sách của ông sẽ khích lệ những chính trị gia cùng chung chí hướng trong khu vực từ các lực lượng bảo thủ trong xã hội, cùng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vốn thường chỉ trích các điều luật môi trường ngăn chặn tình trạng phá rừng.
Bình luận về việc ông Bolsonaro đắc cử Tổng thống Brazil, nhà phân tích chính trị Dawsson Belem Lopes, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế của Trường Đại học Liên bang Minas Gerais của Brazil nói rằng: “Brazil đã có một nhà lãnh đạo cánh hữu nhất so với tất cả các nền dân chủ trên thế thới. Xu hướng mà ông ấy tạo ra rất dễ lây lan trong khu vực” và “những người tự cho là chuyên gia như chúng tôi sẽ phải xem xét lại hiểu biết của mình về chính trị, cũng như những gì chúng tôi vẫn nghĩ là khả thi”. Chính vì vậy, hãng NBC News đã nhận định: Thay đổi lớn nhất từ chiến thắng của ông Bolsonaro đối với Mỹ La tinh sẽ là sự hình thành một thời đại mới chứng kiến những nhân vật ngoại đạo có tư tưởng bước vào các vị trí lãnh đạo cao nhất.
Chính sách mở cửa khu rừng rậm Amazon cho các dự án khai khoáng và chuyển đổi đất rừng nguy cơ gây ảnh hưởng tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Rừng rậm Amazon nhìn từ trên cao. |
Ba thách thức của ông Bolsonaro
Kinh tế- chính trị - xã hội tại Brazil rơi vào khủng hoảng mạnh trong mấy năm vừa qua. Chính vì vậy, sau ngày nhậm chức (1-1-2019), ông Bolsonaro sẽ phải đương đầu với những thách thức lớn về đối nội và đối ngoại. Trong đó, về đối ngoại, ông Bolsonaro cho biết, sẽ “thay đổi hoạt động của Bộ Ngoại giao” và hướng tới những mối quan hệ song phương cùng có lợi, cam kết chặt chẽ với Mỹ trong thương mại, quân sự, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Với tác phong dân túy của mình, ông Bolsonaro sẽ phải xử lý các mối quan hệ với các thành viên trong khối Bris (gồm: Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Ấn Độ và Brazil) và với Liên minh châu Âu (EU) vốn không ưa gì các trường phái cực hữu.
Brazil đã có một nhà lãnh đạo cánh hữu nhất so với tất cả các nền dân chủ trên thế giới. Xu hướng mà ông ấy tạo ra rất dễ lây lan trong khu vực”. Ông Dawsson Belem Lopes, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế của Trường Đại học Liên bang Minas Gerais (Brazil) |
Về đối nội, những thách thức ông Bolsonaro sẽ gặp phải trước hết là ổn định chính trị và chống tội phạm. Những cử tri bỏ phiếu cho ông đang kỳ vọng vào vị tân Tổng thống- một người nhiều năm đứng ngoài xung đột đảng phái và không liên quan đến các cáo buộc tham nhũng sẽ tìm cách lấp những lỗ hổng trong hệ thống chính trị và giải quyết triệt để tình trạng tham nhũng và xử lý vấn đề tội phạm đang tràn lan để lấy lại hình ảnh một đất nước Brazil thanh bình.
Thách thức tiếp theo đó là thúc đẩy kinh tế. Cử tri kỳ vọng ông Bolsonaro sẽ tìm lại sức sống cho nền kinh tế Brazil sau khoảng 5 năm khủng hoảng và trì trệ.
Đây là những thách thức rất lớn với ông Bolsonaro. Lý do là bởi ông chưa có kinh nghiệm điều hành và quản lý. Tất cả phải chờ quyết định nghiêm túc của “trọng tài thời gian” mới đủ quyền phán xét cho lựa chọn của cử tri xứ sở vũ điệu Samba nổi tiếng.
Bắc Hà
Ý kiến bạn đọc (0)