Bảo vệ trẻ trước những video độc hại trên mạng
Trẻ em “nghiện” điện thoại thông minh có thể tiếp cận các video độc hại trên mạng và gây ra nhiều hệ lụy. |
Với mục đích không muốn các bé làm phiền để rảnh tay làm việc riêng, nhiều bậc phụ huynh đã dùng smartphone (điện thoại thông minh), tablet computer (máy tính bảng) hoặc smart tivi (tivi thông minh) có kết nối Internet cho con vào YouTube xem. Các video tại đây như một thế giới sinh động khiến các bé luôn dán mắt vào màn hình.
Thế nhưng, bên cạnh những video tích cực là những sản phẩm chưa thực sự lành mạnh, thậm chí phản giáo dục. Việc các em xem những video độc hại khi chưa có nhận thức, hiểu biết đúng đắn dễ dẫn đến có hành động tiêu cực, tự gây nguy hiểm cho bản thân mà không biết.
Trên thế giới, đã có những video trên mạng xã hội hướng dẫn cách tự gây hại bản thân, ví dụ như “Thử thách Cá voi xanh” bắt nguồn ở Nga từ năm 2016 và dần lan ra khắp thế giới. Trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt thử thách trong vòng 50 ngày, vào lúc 4 giờ sáng hằng ngày.
Người chơi buộc phải thực hiện những hành vi từ bình thường đến nguy hiểm. Ngày thứ 50, người chơi sẽ được công nhận là "người chiến thắng" khi tự kết liễu cuộc đời. Thử thách này đã gây ra nhiều vụ tự sát tại Nga và các nước châu Âu.
“Thử thách Momo” được cho là trào lưu đến từ nước Anh vào tháng 8/2018. Trong các đoạn video “Thử thách Momo”, nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân.
Trên thế giới, nhiều trẻ em tò mò và làm theo chỉ dẫn của “thử thách Momo”. Momo cũng gửi lời đe dọa nếu không thực hiện sẽ bị trừng phạt và yêu cầu người thực hiện thử thách không được nói cho ai biết.
Mới đây, ngày 25/11/2020, cơ quan Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) thông tin về vụ một bé trai 8 tuổi tử vong trong nhà vệ sinh xảy ra tại xã Bình Minh. Theo cơ quan chức năng nghi vấn ban đầu bé trai này tử vong có thể do học theo “thử thách Momo” trên mạng. Trước đó, việc bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tử vong vì bắt chước “trò chơi treo cổ” trên YouTube vào ngày 12/10/2020 khiến nhiều người lo lắng.
Từ thực tế đó, để bảo vệ an toàn con em mình, các bậc phụ huynh không nên để con ngồi ngoan với những thiết bị thông minh mà hãy dành thời gian hướng dẫn trẻ chơi các trò chơi vận động lành mạnh.
Trước đây, khi công nghệ thông tin và mạng Internet chưa phát triển, trẻ em thường có một tuổi thơ được vận động thường xuyên hơn. Ngày đó, các trẻ em hay chơi các trò chơi vận động như nhảy dây, bắn bi, trốn tìm, thả diều, bịt mắt bắt dê… Các trò chơi này có tác dụng tích cực đối với trẻ em, như tăng sức bền và độ dẻo dai (nhảy dây), tăng khả năng tinh mắt (bắn bi), tăng khả năng phán đoán (trốn tìm, bịt mắt bắt dê)… Từ đó, trẻ sẽ được phát triển toàn diện hơn về cả thể chất lẫn tinh thần.
Bởi vậy, các bậc phụ huynh hãy quan tâm và hướng các em đến các hoạt động thiết thực như giúp người lớn làm việc nhà, xem các chương trình truyền hình dành cho trẻ em, đọc truyện tranh giáo dục, đi dã ngoại, tập múa hát, tập vẽ… Đơn cử như việc đọc truyện tranh không chỉ là một thú vui mà còn có tác dụng giáo dục. Những bộ truyện như “Cô tiên xanh”, “Tâm hồn cao thượng”, “Thần đồng Đất Việt” là những bộ truyện tranh giáo dục về nhân cách con người và rất phù hợp cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.
Trên tờ The Life Hacker, chuyên gia cai nghiện hàng đầu nước Anh Mandy Saligari đã khẳng định: “Cho trẻ em sử dụng smartphone giống như việc bạn đưa ma túy cho chúng”. Bởi thế, dù cuộc sống có bận đến đâu, các bậc phụ huynh cũng nên dành thời gian định hướng cho trẻ các hoạt động bổ ích.
Đừng đưa cho trẻ những thiết bị thông minh rồi bỏ mặc trẻ trên không gian mạng; hãy bật smart tivi khi mình rảnh rỗi cùng xem với trẻ và có định hướng nội dung đúng đắn.
Bên cạnh đó, các thầy cô giáo và nhà trường nên tổ chức những hoạt động bổ ích cho học sinh lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Những định hướng của thầy cô giáo đối với các em học sinh ở lứa tuổi này khi tham gia vào các hoạt động tập thể cũng quan trọng không kém vai trò của các bậc phụ huynh.
Nguyễn Văn Toàn
Ý kiến bạn đọc (0)