Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Cập nhật: 20:20 ngày 08/04/2024

BẮC GIANG - Sau khi nhà ở của hai hộ dân thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) bị sạt lở xuống sông Cầu thì mấy ngày gần đây tiếp tục thêm nhiều công trình bị đổ, thiệt hại lớn về tài sản. Nhận định tình trạng trên tiếp tục tiếp diễn, đe dọa tính mạng người dân sinh sống ven sông nên rất cần các giải pháp cấp bách, kịp thời.

Gia tăng thiệt hại

Trở lại vùng sạt lở khu vực sông Cầu, phường Vạn An (TP Bắc Ninh) vào trưa 8/4, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều ngôi nhà cao tầng đã nghiêng, sụp xuống sông, trong đó có một số công trình của người dân thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà. Có căn nhà nằm sâu dưới lòng sông, chỉ nhô lên mặt nước vài chiếc cọc.

Hiện trường khu vực sạt lở.

Anh Nguyễn Văn Đoan, thôn Nguyệt Đức chia sẻ, hai vợ chồng đi làm ăn xa, số tiền tích cóp được mang về tu sửa, nâng cấp căn nhà của bố mẹ nằm ở cạnh sông để gia đình quây quần. Ở được một thời gian ngắn thì có hiện tượng nứt, gia đình phải thuê nhà thuộc tổ dân phố Vạn Phúc, phường Vạn An ở một tháng qua. “Cứ nghĩ về đây sinh sống tạm vì nhà có biểu hiện nứt nhẹ. Chúng tôi vẫn thường xuyên tới thăm nhà cũ với hy vọng đó chỉ là cảnh báo, nhưng rạng sáng 7/4/2024, nhà tôi và một số nhà xung quanh đã đổ thì không còn trông mong gì nữa rồi”- anh Đoan buồn bã nói.

Nhà văn hóa khu Vạn Phúc - nơi một số hộ dân bị sạt lở nhà đang ở tạm.

Theo ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng thôn Nguyệt Đức, sạt lở tại bờ hữu sông Cầu thuộc địa phận khu Vạn Phúc, phường Vạn An khiến 6 gia đình có hộ khẩu thường trú ở thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà mất nhà cửa. Trước đó là hộ anh Nguyễn Văn Quy, Nguyễn Văn Khôi (cùng thôn Nguyệt Đức) bị sập nhà vào khoảng giữa tháng 3. Do chủ động di dời nên không có thiệt hại về người còn thiệt hại tài sản lên đến nhiều tỷ đồng.

Nắm bắt tình hình, các hộ trong diện nguy cơ cao xảy ra sạt lở đã được di dời từ sớm. Cùng đó, chính quyền địa phương đã động viên, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại. Một số hộ đang ở nhờ nhà văn hóa tổ dân phố Vạn Phúc. Anh Nguyễn Văn Quy nói: “Được sự hỗ trợ, gia đình tôi có chỗ ở. Ngoài ra, cũng được tặng một số nhu yếu phẩm, từng bước ổn định cuộc sống”.

Bà Nguyễn Thị Mừng, thôn Nguyệt Đức chuẩn bị bữa cơm trưa tại Nhà văn hóa khu Vạn Phúc.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chung, toàn bộ người dân có nhà bị hư hỏng, đổ sập sắp tới sẽ được chuyển đến ở tạm tại trường mầm non của phường vì nhà văn hóa sát mép sông cũng được xác định nằm trong vùng có nguy cơ mất an toàn. Thời gian ở tạm có thể từ 1 đến 2 năm trong khi chờ đợi phương án ổn định tốt hơn.

Đẩy nhanh tiến độ dự án tái định cư

Ngay sau sự cố xảy ra, UBND xã Vân Hà đã phối hợp với phường Vạn An kiểm tra hiện trường tìm biện pháp khắc phục. Phường Vạn An huy động lực lượng khoảng 50 người hỗ trợ người dân sơ tán tài sản đến khu vực an toàn.

Con trai anh Nguyễn Văn Quy sửa soạn sách vở còn giữ lại được sau khi nhà bị sạt lở xuống sông ngày 8/3.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Tổ trưởng Tổ an ninh khu Vạn Phúc cho biết: “Từ chiều 7/4, Tổ thường trực 24/24 giờ tại khu vực để bảo vệ hiện trường. Các lối rẽ từ trên đê vào vùng “đỏ” (nơi nguy hiểm) đều được cắm biển, lập hàng rào ngăn cách, căng dây cảnh báo, hạn chế người dân hiếu kỳ tập trung, nghiêm cấm người dân lại gần để bảo đảm an toàn. Một số hộ lân cận chủ động di dời tài sản sang khu vực khác”.

Hằng ngày, trên sông Cầu có hàng trăm thuyền bè ngày đêm qua lại phục vụ hoạt động giao thương, đưa đón trẻ em đến trường giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Để hạn chế tối đa thiệt hại cho các hộ dân, đồng thời bảo đảm giao thông, hiện UBND TP Bắc Ninh đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai biện pháp tháo dỡ công trình bị sạt lở, thả đá kè bảo vệ chân đê ở các vị trí xung yếu, tuyên truyền các hộ dân tránh xa khu vực nguy hiểm.

Khu vực sạt lở được chính quyền phường Vạn An treo biển cảnh báo nguy hiểm, ngăn người dân không đến gần.

Trong các hộ có nhà bị sạt lở, rạn nứt, phần lớn chủ hộ làm nghề tự do, công nhân, phụ hồ, vận chuyển hàng (shipper), lao động thời vụ… nên thu nhập không ổn định. Nay mất trắng toàn bộ nhà ở trị giá hàng tỷ đồng, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần.

Như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, làm nghề shipper, vợ là công nhân ở Khu Công nghiệp Đình Trám. Hai năm trước, vợ chồng vay mượn người thân, bạn bè dồn sức xây nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng mới ở được một năm thì bị sạt lở. Em gái anh Hùng là chị Nguyễn Thị Thắm cũng gom góp vốn liếng xây căn nhà, chừng vài ngày nữa đổ trần tầng 1 thì sau một đêm chỉ còn đống đổ nát. Có gia đình thuộc hộ cận nghèo như anh Nguyễn Văn Thiệp, làm nghề tráng bánh đa nem, một mình nuôi ba con nhỏ…

Người dân trong vùng sạt lở di chuyển đồ đạc đến nơi khác.

Trao đổi với ông Bùi Tá Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà được biết, do thiệt hại quá lớn và tiếp tục có nguy cơ lan rộng sang các hộ lân cận khu vực sạt lở nên xã đã có báo cáo gửi UBND thị xã Việt Yên, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để cấp trên có biện pháp quan tâm, kịp thời hỗ trợ các gia đình trong lúc hoạn nạn.

Trường Mầm non Vạn An - nơi chính quyền địa phương sẽ đưa các hộ bị sạt lở nhà do thiên tai đến ở tạm thời gian tới.

Mùa mưa bão đang đến gần, nước lũ dâng cao có thể tiếp tục sạt lở, gây hậu quả nặng nề hơn. Vì thế, khát vọng “an cư” của người dân thôn Nguyệt Đức càng trở nên cấp thiết. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, thị xã Việt Yên tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tái định cư cho người dân thôn Nguyệt Đức. Trước mắt là phối hợp với TP Bắc Ninh, phường Vạn An có giải pháp chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Cùng đó, để bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ, cần sớm trục vớt những căn nhà chìm trong nước, không để cản trở dòng chảy, tạo luồng thủy thông thoáng cho tàu thuyền lưu thông.

Nhóm PVKT

Chia sẻ:
bao-ve-tinh-mang-on-dinh-doi-song-nguoi-dan-vung-sat-lo-183140.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...