Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Bổ Đà gắn với phát triển du lịch bền vững
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương. |
Thưa đồng chí, vì sao chùa Bổ Đà được Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá cao và có sức hấp dẫn lớn với du khách?
Trước hết đó là giá trị tự thân của chùa Bổ Đà. Nơi đây hội tụ đủ các tiêu chí theo quy định của Luật Di sản văn hóa về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, được thể hiện ở các điểm sau: Chùa Bổ Đà có lịch sử từ lâu đời, tương truyền được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI); đến thời Lê thế kỷ XVII- XVIII được tu sửa mở mang phát triển thêm. Đây là trung tâm Phật giáo lớn của miền Bắc và được xem là chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế.
Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều lần trùng tu song chùa Bổ Đà được bảo tồn khá nguyên vẹn với lối kiến trúc "nội thông ngoại bế” khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc. Hệ thống tượng Phật cổ có giá trị độc đáo. Đặc biệt là hệ thống tường bao trình bằng đất đặc trưng hiếm nơi nào có được. Ngoài ra, chùa có vườn tháp cổ với gần 100 ngôi tháp Phật được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác lập là vườn tháp lớn nhất Việt Nam.
Chùa hiện còn lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật với gần 2 nghìn bản khắc bằng chữ Hán - Nôm và chữ Phạn trên gỗ thị với kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo có giá trị thẩm mỹ và nghiên cứu khoa học. Các bộ Mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác lập là bộ mộc bản của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam. Cùng với các giá trị tiêu biểu độc đáo trên, Lễ hội chùa Bổ Đà còn bảo lưu được nhiều giá trị, nhất là hát dân ca quan họ (đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2009).
Xin đồng chí cho biết việc Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng chùa Bổ Đà là di tích Quốc gia đặc biệt có ý nghĩa như thế nào đối với tỉnh Bắc Giang?
Việc xếp hạng chùa Bổ Đà là di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao đối với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống của dân tộc. Đây là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang quyết tâm hơn nữa để phấn đấu làm cho văn hóa Bắc Giang ngày càng tỏa sáng, con người Bắc Giang ngày càng văn minh, quê hương Bắc Giang ngày càng giàu đẹp. Quyết định này khẳng định bề dày về truyền thống lịch sử văn hoá, về vùng đất và con người Bắc Giang, nơi còn bảo lưu nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể có giá trị tiêu biểu.
Việc sở hữu ba di tích quốc gia đặc biệt gồm: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà sẽ mang lại tiềm năng du lịch to lớn để phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Đây cũng là cơ hội để tỉnh Bắc Giang tranh thủ kêu gọi sự quan tâm của các Bộ, ngành T.Ư, nhà khoa học, nhà văn hóa tiếp tục quan tâm, đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn giúp Bắc Giang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của di tích quốc gia đặc biệt này.
Bộ mộc bản kinh Phật được lưu giữ tại chùa. |
UBND tỉnh có kế hoạch như thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị di tích này gắn với phát triển du lịch của tỉnh, thưa đồng chí?
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Đó là chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về di tích chùa Bổ Đà trên các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo của di tích; xây dựng các ấn phẩm văn hoá gắn với di tích. Xây dựng các tua, tuyến du lịch kết nối trong và ngoài tỉnh; đưa các di tích quốc gia đặc biệt vào chuỗi giá trị du lịch - dịch vụ của các hãng du lịch lữ hành trong và ngoài nước.
Tổ chức khảo sát, nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Bổ Đà; tổ chức nghiên cứu và giới thiệu các giá trị đặc sắc của bộ Mộc bản kinh Phật Bổ Đà. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông kết nối di tích với các quốc lộ, tỉnh lộ nhằm tạo điều kiện cho du khách tham quan di tích được thuận lợi.
Đại đức Tự Tục Vinh (người đứng), trụ trì chùa Bổ Đà giới thiệu với du khách về di tích. Ảnh: Lan Hương. |
Từng bước quy hoạch, đầu tư tôn tạo cảnh quan, môi trường khu vực xung quanh di tích. Tiếp tục đầu tư để từng bước nâng tầm và phát huy Lễ hội chùa Bổ Đà gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ. Củng cố, kiện toàn Ban Quản lý di tích chùa Bổ Đà để bảo vệ, phát huy hiệu quả giá trị di tích Quốc gia đặc biệt này.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Kim Hiếu (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)