Bảo đảm công bằng khi hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn
Một số phụ huynh ở các thôn: Đồng Dầu, Đồng Tàn, Đồng Cốc (xã An Bá) phản ánh, con em họ là học sinh Trường Tiểu học An Bá nhiều năm qua không được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 116 ngày 18/7/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản ĐBKK (gọi tắt là Nghị định 116), mặc dù nhà ở xã ĐBKK và cách trường hơn 4 km. Phụ huynh đã kiến nghị nhiều lần đến Hiệu trưởng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Học sinh Trường Tiểu học An Bá. |
Chị Dương Thị Oanh, thôn Đồng Dầu nói: “Nhà tôi cách trường 4,5 km và phải qua ngầm. Khi hỏi, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường lại giải thích quy định khoảng cách 4,5 km là tính theo đường chim bay, không phải tính theo cung đường thông thường. Tôi thấy, cách giải thích như thế không hợp lý”. Được biết, nhiều hộ trong xã có hoàn cảnh tương tự gia đình chị Oanh song con em cũng không được hỗ trợ theo Nghị định 116.
Qua tìm hiểu, năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học An Bá có 20 em được hỗ trợ theo Nghị định 116. Năm học 2021 - 2022 có 9 em, mỗi em được hỗ trợ bình quân khoảng 9 triệu đồng/năm học bao gồm tiền ăn, tiền nhà trọ. Theo Điều 4, Nghị định 116, đối với học sinh tiểu học được hưởng chính sách hỗ trợ phải bảo đảm một trong các điều kiện sau:
Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú; là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn ĐBKK đang học tại các trường tiểu học, thuộc xã khu vực III, thôn ĐBKK vùng dân tộc và miền núi; các xã ĐBKK và nhà ở xa trường khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá. Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn ĐBKK vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, THCS thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi. Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn.
Tiếp đến, ngày 14/10/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể, học sinh bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 4 của Nghị định 116 nhưng phải được cấp có thẩm quyền cho phép ở bán trú trong trường hoặc khu vực gần trường để học tập trong tuần (học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày) mới được hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định 116.
Căn cứ quy định trên, con chị Dương Thị Oanh và một số hộ khác không được hỗ trợ là đúng vì không ở trọ mà vẫn đi về được trong ngày. Nhưng khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy có một số trường hợp được hỗ trợ có dấu hiệu bất thường. Ví như em V.T.T.T, thuộc tổ dân phố Đình, thị trấn An Châu (Sơn Động) đang học ở Trường Tiểu học An Bá.
Năm học 2021-2022, toàn huyện Sơn Động có hơn 777 em được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116 với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. |
Dù tổ dân phố Đình thuộc thôn ĐBKK theo quy định, nếu em V.T.T.T học ở Trường Tiểu học An Châu (cách nhà chưa đầy 1 km) thì không được hỗ trợ. Thế nhưng, khi em ở cùng bà ngoại, cách Trường Tiểu học An Bá chưa đến 4 km lại được hưởng hỗ trợ. Ngoài ra, một số em ở xã khác đang học tại Trường Tiểu học An Bá cũng được hưởng hỗ trợ khiến nhiều người băn khoăn, so bì. Điều này vô hình trung tạo sự thiếu công bằng giữa con em địa phương với học sinh từ nơi khác đến học tại trường, hay nói cách khác là học sinh học trái tuyến lại được hưởng lợi.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Ban Giám hiệu Trường Tiểu học An Bá cho biết, vào đầu các năm học, nhà trường đều thông báo về chính sách hỗ trợ để phụ huynh căn cứ làm đơn đề nghị hưởng chế độ cho học sinh. Năm nay, qua xét duyệt, Trường còn 9 em (trong đó có 2 em ở xã An Bá, 7 em còn lại thuộc các xã, thị trấn khác trong huyện).
Bởi trước đó, nhà trường đã vận động một số phụ huynh rút đơn vì đường giao thông đã được nâng cấp, đi lại thuận tiện, phụ huynh đưa đón con em trong ngày. Các em được hưởng hỗ trợ đều ở xa, phải ở trọ theo học. Khi hỏi lý do các em không học ở trường theo hộ khẩu thường trú thì đại diện Trường Tiểu học An Bá giải thích: Theo quy định các em được quyền chọn nơi học(?). Giải thích như vậy chưa thuyết phục bởi nếu tất cả các em thuộc thôn ĐBKK mà “lách luật”, nhờ người thân quen cho ở trọ rồi đăng ký học ở trường có khoảng cách xa hơn 4 km thì chính sách rất dễ bị lợi dụng.
Hơn nữa, năm học 2020-2021, Trường Tiểu học An Bá có 20 em được hỗ trợ (nhiều em không ở trọ, bố mẹ đưa đón hằng ngày vẫn được hưởng) trong khi con chị Dương Thị Oanh cũng trong hoàn cảnh tương tự lại không được hưởng. Điều này cho thấy việc triển khai chính sách hỗ trợ tại Trường Tiểu học An Bá chưa đồng nhất khiến không ít phụ huynh bức xúc.
Theo ông Chu Bá Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động, năm học 2021-2022, toàn huyện có hơn 777 em được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116 với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng.
Nghị định 116 ban hành nhằm hỗ trợ học sinh vùng cao, vùng ĐBKK vơi bớt khó khăn, được đến trường học tập. Vì vậy, trước thực trạng này, ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động khẳng định sẽ chỉ đạo tổng rà soát học sinh toàn huyện, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách nhằm trục lợi.
Ý kiến bạn đọc (0)