Bảo Đài - sáng mãi truyền thống cách mạng
Một góc làng quê Đại Từ hôm nay. |
Một ngày Thu tháng Tám, chúng tôi có dịp về thăm thôn Đại Từ (xã Bảo Đài) và được trò chuyện với một số người cao niên của thôn tại nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Lục Nam. Nghe kể lại thì ngày trước, chiến sĩ cách mạng chọn Đại Từ làm căn cứ bởi nơi đây chỉ cách đồn Thanh Dã khoảng 3km nhưng lại heo hút, xung quanh làng có rừng lim rất lớn, dễ lẩn trốn khi có động. Không chỉ vậy, làng Đại Từ còn có nhiều người con ưu tú sớm giác ngộ cách mạng.
Điển hình như năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Lục đã được kết nạp Đảng tại Chi bộ Phủ Lạng Thương. Cuối năm 1940, khi thời cơ chín muồi, đồng chí Lục đã thông báo Quyết định kết nạp Đảng đối với các đồng chí: Nguyễn Văn Kiểm, Nguyễn Văn Phú và thành lập Chi bộ Đại Từ do đồng chí Lục làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Lục Nam và trở thành một mắt xích quan trọng của Đảng.
Sau khi thành lập, chi bộ chủ trương tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các phong trào sẵn có, đẩy mạnh việc giác ngộ những thanh niên tích cực, quần chúng tốt. Đồng thời, phát động treo cờ, rải truyền đơn, tài liệu, sách báo tuyên truyền đường lối của Đảng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng. Tháng 4-1945, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, quần chúng nhân dân đã phá kho thóc Cẩm Lý, kho thóc đồn điền Đầm, đồn Chản, đồn Tham Thư… để chia cho dân nghèo. Ngày 17-7-1945, 100 tự vệ thôn Quê và Đại Từ dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Lục đã chặn đánh quân Nhật ở Cầu Lồ, hỗ trợ tự vệ Lục Nam đánh chiếm Phủ Lục Nam.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cùng với các địa phương trong tỉnh, nhân dân Bảo Đài cầm cờ đỏ sao vàng tiến về Phủ Lạng Thương dự mít-tinh, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, mở ra trang sử vẻ vang cho nền độc lập, tự do trên quê hương. Đình Đại Từ-nơi ghi dấu nhiều sự kiện, hội nghị quan trọng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền năm 2017 được xếp hạng di tích Quốc gia và đang có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp.
Khu di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Lục Nam tại thôn Đại Từ, xã Bảo Đài. |
Dẫn chúng tôi thăm lại những chứng tích lịch sử, đồng chí Nguyễn Văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Đài tự hào: “73 năm trôi qua, thế hệ cha anh- những người đã trực tiếp tham gia cuộc tổng khởi nghĩa mùa Thu 1945 nay đều đã khuất. Nhưng chuyện người Bảo Đài theo Đảng đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân vẫn được kể cho lớp lớp cháu con chúng tôi nghe”.
Kế thừa truyền thống của quê hương, những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, nội lực của địa phương, xây dựng Đảng, đoàn thể trong sạch vững mạnh, nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
Là xã đầu tiên của huyện Lục Nam về đích nông thôn mới năm 2014, đến nay, bộ mặt xã Bảo Đài đã thay đổi rõ rệt, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng của ba trường học từ mầm non đến THCS được xây dựng khang trang, kiên cố, bảo đảm các tiêu chí trường chuẩn Quốc gia mức độ 2. Đường giao thông nối liền trung tâm xã đến các thôn, xóm và giữa các thôn tiếp tục được “cứng hóa”, mở rộng. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 95%… Người dân năng động, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng có năng suất cao như: Hành lá, khoai tây Atlantic, dưa siêu ngọt, khoai sọ… vào đồng ruộng.
Đặc biệt, xã vừa hoàn thành xây dựng 4 mô hình nhà lưới trồng rau an toàn với hệ thống tưới tiêu tự động mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương. Ngoài ra, một số hộ khai thác diện tích đất trũng, đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi mang lại nguồn thu khá. Thu nhập bình quân đầu người của xã Bảo Đài đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,22%.
Rời Bảo Đài, chúng tôi đi trên những con đường làng được trải bê tông rộng rãi, phẳng phiu, bên lũy tre, đồng lúa là những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Xã Bảo Đài đang từng ngày thay da, đổi thịt nhưng vẫn giữ được truyền thống của một vùng quê cách mạng.
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)