Bánh chưng Vân được nhiều người ưa chuộng
Gói bánh chưng Vân. |
Từ ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công), mỗi ngày, lượng hàng khách đặt lên tới 12.000 chiếc. Năm nay ngoài khách hàng quen thuộc ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, TP Hà Nội còn có cả khách ở Nam Định, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh. Tất cả các thành viên trong Hội đều phải thuê thêm lao động làm bánh. Đây là khoảng thời gian tất bật nhất của làng nghề.
Công đoạn luộc bánh. |
Khác với bánh chưng các vùng, bánh chưng Vân được gói cẩn thận bằng lá chít. Lá chít được cắt bỏ cuống và ngọn, mang về rửa sạch, xếp cẩn thận vào nồi và luộc đến khi nước sôi. Theo bà Lộc, làm vậy để lá được dẻo, dai và giúp bánh trắng, đẹp, thơm. Gạo gói bánh cũng được chọn cầu kỳ, toàn bộ là nếp cái hoa vàng. Hạt gạo trắng, mẩy được ngâm nước 5 tiếng đồng hồ. Nếp thơm sau khi vo sạch trộn với ít muối, giúp bánh không ôi thiu, vị thêm đậm đà. Thịt nhân bánh mới, ngon thái nhỏ trộn ít hạt tiêu. Hạt đậu xanh đều, không sâu mọt.
Sau khi luộc, bánh được lăn cho rền, dẻo. |
Cách gói cũng rất quan trọng, phải vừa tay vì chặt quá làm bánh nhanh lại gạo, còn lỏng bánh sẽ nhão. Các hộ trong hội đều dùng củi luộc. Bánh được đưa lên bếp luộc 2 lần trong thời gian khoảng từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ rồi vớt ra, rửa sạch, sau đó dùng tay lăn đến khi rền và dẻo mới quấn lại.
Bánh chưng Vân được nhiều người quan tâm. |
Bánh chưng Vân đã được khẳng định vị thế và được người tiêu dùng tin tưởng. Đây là món không thể thiếu trong những mâm cỗ ngày xuân.
"Thực tế bánh chưng Vân là thương hiệu của loại bánh này ở vùng đất Hiệp Hiệp. Hiện nông dân nhiều địa phương trong huyện sản xuất, nhưng tập trung nhiều ở hai xã Hoàng An và Hoàng Vân. Trong 10 ngày trước Tết nguyên đán, mỗi ngày người dân sản xuất từ 3-4 vạn chiếc bánh cung cấp cho khách hàng", ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết.
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)