Bản sắc của người Cao Lan
Người Cao Lan tôn thờ Phật giáo, Nho giáo nhưng đậm nét là việc thờ cúng tổ tiên. Về nơi ở, nhà của người Cao Lan mường tượng như con “trâu thần”. Bốn cột chính tượng trưng cho bốn chân, dui mè là xương sườn, nóc nhà được coi là sống lưng.
Đồng bào dân tộc Cao Lan tại xã An Bá (Sơn Động). Ảnh CTV |
Tại một trong hai góc thuộc phần ngoài của nhà có một căn buồng nhỏ, đó chính là nơi để thờ hương hoả. Người Cao Lan có những dịp hội hè, đình đám để cảm tạ Thần Phật, trời đất đồng thời bồi đắp đời sống văn hoá tinh thần vào các dịp Tết Nguyên đán, đầu xuân. Lễ hội có ý nghĩa quan trọng đối với người Cao Lan để ôn lại sự tích xa xưa của tộc họ và giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc cho các thế hệ, đồng thời cũng là dịp đồng bào cầu một năm mới làm ăn thịnh vượng, mùa màng bội thu.
Tại bản Cống Luộc, xã Đèo Gia (Lục Ngạn) vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, đồng bào Cao Lan mở hội truyền thống còn gọi là ngày hội hát sình ca tại đình Cống Luộc. Ngoài nghi lễ truyền thống làm cỗ cúng tại đình, các trò chơi dân gian, đánh đu, chọi gà, đánh quay... còn có hát sình ca. Hội đình Cống Luộc thu hút nhiều đồng bào dân tộc Cao Lan ở các bản Đèo Gia, Đồng Bụt, Thung, Ruồng… về hát giao lưu.
Tại bản Đá Húc, xã Bình Sơn (Lục Nam), người Cao Lan mở hội vào ngày 15 - 3 tại đình Đá Húc. Ngày hội, đồng bào làm xôi đen, thịt lợn, thịt gà, làm cỗ dâng cúng các vị thần. Lễ hội có hát sình ca, hát lượn. Sình ca Cao Lan có nội dung phong phú. Từ các cụ ông, cụ bà đến thanh niên đều hát say sưa, không khí vui tươi náo nhiệt.
Lễ hội của đồng bào là nét sinh hoạt văn hoá dân gian tổng hợp gồm hát, múa, âm nhạc, võ thuật để đua tài giữa các thôn bản. Đây là dịp để cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống vừa giải trí, vừa mang tính tâm linh.
Trong đời sống thường ngày, người Cao Lan còn có tục cúng cơm mới để cảm tạ tổ tiên, thần linh, trời đất đã ban cho mùa vụ bội thu, cuộc sống ấm no. Lễ cúng cơm mới được diễn ra vào ngày Hợi trong tháng 8 âm lịch hằng năm. Buổi sáng hôm đó, chủ nhà cử người đi ra thửa ruộng tốt nhất của gia đình cắt những bông lúa trĩu hạt và bó chắc lại mang về nhà.
Những người phụ nữ đảm đang lại chọn ra những bông lúa đẹp nhất thành một bó nhỏ để đặt lên bàn thờ tổ tiên, tiếp theo là tuốt nốt chỗ lúa còn lại và giã, giần, sàng thành một mẻ gạo mới. Chiều tối, chỗ gạo đó được đem đi nấu, ngoài nấu cơm, gia đình sẽ thịt một con gà để cúng.
Lễ vật gồm một bát cơm mới thật to ém chặt, một con gà luộc, một bó lúa nhỏ, hoa quả… Nội dung cúng cơm mới trước tiên là tạ ơn tổ tiên và các thần linh đã phù hộ cho vụ lúa năm nay được mùa, sau đó cầu xin vụ mùa sau cũng được bội thu. Tại thôn Thuận B, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn), khi cúng cơm mới, đồng bào còn có những kiêng kỵ, quy định riêng như: bát cơm mới cúng phải được nấu lẫn với đỗ trắng cộng thêm một đĩa muối gừng.
Ở thôn Thác Dèo, khi ăn cơm mới chỉ được ăn cơm khô, tuyệt đối không được chan canh. Đồng bào cho rằng nếu chan canh trong lúc ăn cơm mới sẽ bị các thần linh quở phạt, gặp điều không may.
Trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của người Cao Lan có thể tìm thấy nhiều yếu tố văn hoá tinh thần giúp tạo nên cuộc sống cộng đồng, gia đình, cá nhân gắn kết có nét đặc thù riêng. Việc duy trì các yếu tố văn hoá tinh thần nhằm giáo dục cho thế hệ mai sau biết trân trọng và gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống.
Ý kiến bạn đọc (0)