Bài học từ vụ giữ người trái pháp luật ở xã Yên Định (Sơn Động)
Hai bị cáo tại phiên tòa. |
Tin liên quan
|
Cố tình giữ người trái pháp luật
Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Sơn Động, ngày 8-5-2017, hai phóng viên của Báo Bắc Giang được giao nhiệm vụ tìm hiểu thực tế về vụ tranh chấp đất rừng xảy ra nhiều năm qua giữa nhân dân thôn Khe Táu với các hộ dân thôn Đá Vách, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn). Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Hoàng Văn Cừ, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã đã đưa hai phóng viên đến nhà ông Đàm Văn Giáp, Trưởng thôn Khe Táu để cùng tiếp cận hiện trường. Trước đó, vào tháng 5- 2016, cho rằng địa giới hành chính của thôn bị "giao nhầm" cho các hộ dân thôn Đá Vách, hàng trăm người dân thôn Khe Táu đã chặt hạ, đốt phá hơn 65 ha rừng tự nhiên để trồng rừng mới. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự.
"Do có đông người tham dự nên Hội đồng xét xử đã cho phát loa trực tiếp diễn biến phiên tòa ra bên ngoài. Để giữ gìn an ninh trật tự, Công an huyện Sơn Động huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ. Ngay sau khi tuyên án, rất đông bà con ra về trong trật tự, an ninh được bảo đảm" - Trung tá Đinh Quang Hiệp, Trưởng Công an huyện Sơn Động. |
Biết có nhà báo về địa phương, Ban Văn Chỉnh đến nhà ông Giáp rồi bật điện thoại mở một phóng sự vừa phát sóng tối hôm trước trên ti vi (ngày 7-5). Trong đó, ông Trương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Định có trả lời phỏng vấn rằng: “Nếu theo bản đồ địa giới hành chính thì đó là đất của huyện Lục Ngạn” (sau này, cơ quan có thẩm quyền cũng đã giải quyết công nhận phần đất tranh chấp đó là của thôn Đá Vách theo Quyết định số 1224 ngày 18-7-2017). Khi nghe tiếng kẻng của thôn và nhận được tin có hai nhà báo lên khu vực tranh chấp, Hoàng Thị Hợi, Phó trưởng thôn Khe Táu và khoảng 40-50 người dân đã đến khu vực chân núi, nơi cán bộ và nhà báo để xe. Khi thấy các nhà báo và cán bộ từ trên núi đi xuống đã chặn lại, yêu cầu phóng viên phải cho xem những hình ảnh đã quay, chụp tại hiện trường nhưng các nhà báo không đồng ý với yêu cầu vô lý đó. Thấy vậy, các cán bộ cơ sở đã giải thích với người dân rằng đây là hai nhà báo đến tìm hiểu thông tin để tuyên truyền viết bài chứ không phải đi giải quyết tranh chấp đất. Thế nhưng người dân đã không nghe, đồng thời hô hào nhốt 4 người vào nhà văn hóa thôn và có lời lẽ xúc phạm.
Trước tình hình trên, Bí thư Đảng ủy xã Yên Định Lương Ngọc Duy, Chủ tịch UBND xã Trương Văn Hải đã báo cáo lãnh đạo huyện Sơn Động về vụ việc, được lãnh đạo huyện phân công trực tiếp đến thôn Khe Táu để vận động nhân dân không giữ hai nhà báo. Tuy nhiên, khi đến nơi, cả hai ông đều bị rất đông người dân quây lại (có thời điểm khoảng 200 người) và hô hào “Cán bộ xã cũng phải ở lại đây, phải lấy được đất cho dân mới được về, nhốt cán bộ xã ở đây”.
Cả 6 cán bộ, phóng viên đều phải miễn cưỡng vào nhà văn hóa. Người dân yêu cầu Chủ tịch UBND xã xin lỗi dân về việc đã phát biểu như vậy trên truyền hình nhưng ông Hải cho rằng không nói sai nên không xin lỗi. Bị kích động, các đối tượng tiếp tục hô hào, giữ cán bộ và lăng mạ, xúc phạm. Một số đối tượng còn quay clip phát tán trên mạng facebook. Có đối tượng nói: “Sẽ mài dao và chém những người có chức, có quyền mà không giải quyết tranh chấp”. Lúc đó, Hoàng Thị Hợi hô hào bắt lãnh đạo và công an huyện phải xuống thôn xin lỗi người dân. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, các đối tượng đã cho hai nhà báo về trước, còn 4 cán bộ xã Yên Định bị nhốt đến 16 giờ 30 phút ngày hôm sau mới được thả.
Qua sự việc trên cho thấy, trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết tranh chấp thì một số đối tượng ở thôn Khe Táu (trong đó Chỉnh và Hợi có vai trò chính hô hào, kích động người dân cùng thôn) giữ cán bộ, nhà báo làm con tin để “mặc cả” nhằm gây sức ép với chính quyền các cấp trong giải quyết tranh chấp. Hành vi này là vi phạm pháp luật.
Bài học rút ra sau vụ việc
Tại phiên tòa xét xử, bào chữa cho hành vi của mình, hai bị cáo cho rằng do là người dân tộc thiểu số Cao Lan, thiếu hiểu biết pháp luật, khi bị bắt tạm giam, được cán bộ điều tra giải thích mới biết đó là vi phạm. Theo chúng tôi, đây là lý do không thuyết phục bởi bị cáo Ban Văn Chỉnh có trình độ học vấn 12/12, đã từng là sinh viên, công dân tốt ở địa phương. Đặc biệt, bị cáo Hoàng Thị Hợi có hơn 16 năm là cán bộ thôn, trong đó có 9 năm là đại biểu HĐND xã.
Tại phiên tòa, Hội thẩm nhân dân thẩm vấn bị cáo: Giá như trước vụ việc như vậy, Hoàng Thị Hợi với trách nhiệm là Phó trưởng thôn phải tích cực tuyên truyền, vận động để bà con phối hợp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, tìm hiểu ngọn ngành vụ việc thì bị cáo lại làm ngược lại, lôi kéo kích động và có lời lẽ xúc phạm cán bộ, phóng viên. Đây là bài học đầu tiên của sự thượng tôn pháp luật đối với mỗi công dân. Quyền hạn của công dân đến đâu, nếu vượt quá giới hạn đó là vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Bài học tiếp theo đó là việc gặp gỡ, tiếp xúc với người dân. Ông Mễ Cường Phúc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Động là người làm chứng trong vụ án này cho biết: “Ngày 8 và 9-5, mấy cán bộ to nhất ở xã thì bị giữ rồi, vậy mà tôi không thấy một ai có trách nhiệm ở huyện hay cao hơn có mặt ở thôn để gặp gỡ, giải thích cho người dân. Huyện không đến thì tôi có làm cái gì cũng không được. Bởi lúc đó, bà con mong được một lời giải thích của cấp trên thì lại hoàn toàn bặt vô âm tín nên càng bức xúc”.
Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh, huyện, xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động thuyết phục, đối thoại và đưa ra các phương án giải quyết kiến nghị về đất tranh chấp của người dân. Nhưng rất tiếc một số cá nhân chưa tin tưởng và có những đòi hỏi vô lý, trái pháp luật. Lợi dụng tình hình, các đối tượng xấu đã kích động, lôi kéo người dân khiếu kiện làm mất an ninh trật tự ở cơ sở. Điều này cho thấy việc đưa pháp luật vào cuộc sống ở nông thôn miền núi chưa hiệu quả. Giá như mỗi người dân nhìn nhận đúng bản chất vụ việc, không a dua theo cảm tính, đám đông thì sẽ hạn chế tới mức thấp nhất những điều đáng tiếc xảy ra.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)