Bắc Giang tập trung nguồn lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thực hiện các định hướng, chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, những năm qua, các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được tăng cường, thúc đẩy, lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực phát triển KT - XH.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác. |
Kết quả nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Đến nay, 100% công việc chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền được thực hiện trên môi trường mạng. Nhờ đó, các chỉ số đánh giá cấp tỉnh đều được cải thiện mạnh mẽ, nhiều chỉ số quan trọng nằm trong tốp đầu cả nước: Chỉ số hiện đại hóa nền hành chính đứng thứ nhất; chuyển đổi số toàn diện đứng trong tốp 10, chỉ số chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14...
Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Những năm gần đây, Bắc Giang liên tục trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2021, thu hút vốn FDI khoảng 1,5 tỷ USD. Những ngày đầu năm 2022, một số tập đoàn lớn của Singapore đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, logistics và đô thị với tổng số vốn gần 3,6 tỷ USD.
Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Nhiều sản phẩm công nghệ cao lần đầu tiên được sản xuất tại Bắc Giang như: Apple Watch, máy bay không người lái, một số sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện, sản phẩm quang học, pin năng lượng mặt trời...
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology. Ảnh: Hải Minh. |
Tỉnh đã xây dựng được 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: Vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên, vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quy mô gần 50 nghìn ha, trong đó huyện Lục Ngạn là nòng cốt với sản phẩm chủ lực vải thiều, cam, bưởi… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Cùng đó, tỉnh quan tâm phát triển sản phẩm chủ lực thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Hiện tại, Bắc Giang có 2.569 đơn đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 1.284 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ - nhiều nhất so với các tỉnh trong cả nước.
Đến nay, đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 67 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Nhiều sản phẩm của tỉnh được bảo hộ thành công tại một số nước. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: “Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào KHCN và đổi mới sáng tạo, đưa KHCN, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng”. |
Có thể thấy, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng vào bức tranh phát triển KT - XH của tỉnh. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 song Bắc Giang vẫn là điểm sáng của cả nước về thực hiện “mục tiêu kép”, với nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật: GRDP tăng 7,82%, nằm trong tốp 10 cả nước.
Quy mô GRDP của tỉnh đạt 129.837 tỷ đồng, đứng thứ 10 cả nước. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 31 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước, tăng hơn 40% so với năm 2020. Thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 22 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Có được những kết quả trên, Bắc Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng KHCN được ban hành đã phát huy hiệu quả, như: Chuyển đổi số, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KHCN, nâng cao năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Công tác quản lý nhà nước về KHCN đã đi vào nền nếp và ngày càng hiệu quả hơn. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh, với hơn 1.000 sáng kiến được công nhận mỗi năm đã giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.
Tỉnh luôn sát cánh, đồng hành, khuyến khích doanh nghiệp, người dân trong tỉnh đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào ứng dụng đồng bộ từ các khâu: Sản xuất - nâng cao chất lượng sản phẩm - quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc - bảo quản sau thu hoạch, chế biến - hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Ngày 17/2/2022, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định: “Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào KHCN và đổi mới sáng tạo, đưa KHCN, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng”. Để hiện thực hóa các mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030 Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, ngành KHCN cần tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Duy trì và từng bước phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu việc tổ chức các sự kiện như: Giải thưởng KHCN, tôn vinh trí thức Bắc Giang tiêu biểu, các hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật..., kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những đóng góp của các tập thể, cá nhân trong nghiên cứu khoa học.
Thứ hai, ưu tiên và tập trung nguồn lực cho phát triển KHCN, từng bước tăng chi cho KHCN và đổi mới sáng tạo trong tổng chi ngân sách địa phương. Đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu hoạt động KHCN. Gia tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp; gia tăng số đơn đăng ký và số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KHCN. Thực hiện tốt các đề án, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp công nghệ cao và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu duy trì thứ hạng năng lực chuyển đổi số DTI của tỉnh. Tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Với những kết quả đã đạt được cùng những định hướng đúng đắn, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và phương pháp, cách làm quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, chúng ta có thể tin tưởng và kỳ vọng hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT - XH, hướng đến mục tiêu “Vì một Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc”.
Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Ý kiến bạn đọc (0)